Vết bầm tím trên da: Có thể tự chữa ở nhà nhưng có lúc nên cảnh giác với những bệnh sau

Hoàng Hương |

Đôi khi, các vết bầm tím trên da không gây nguy hiểm gì, bạn có thể tự chữa tại nhà nhưng có những trường hợp, bạn nên đi khám để xác định một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Vết bầm tím là gì?

Một vết bầm tím là một chấn thương ở da, kết quả là gây ra sự thay đổi màu sắc của da. Nguyên nhân là do vỡ mạch máu nhỏ dưới da và gây rỉ máu sau một chấn thương.

Máu từ các mạch tổn thương sẽ tập trung gần bề mặt da và chúng ta nhìn thấy một vết màu xanh đen. Vết này là do các tế bào hồng cầu và thành phần của máu gây đổi màu da.

Nguyên nhân gây ra vết bầm tím

Mọi người thường thấy xuất hiện vết bầm tím trên cơ thể sau khi họ va đập vào một vật nào đó hoặc một vật va đập vào người.

- Vết bầm tím có thể xảy ra ở một số người người tập thể dục cường độ mạnh như các vận động viên điền kinh và cử tạ. Những vết bầm tím do hồng cầu thoát ra từ lỗ hỏng nhỏ trong các mạch máu dưới da gây ra.

- Bầm tím không rõ nguyên nhân xảy ra một cách dễ dàng hoặc không có lý do rõ ràng, có thể liên quan đến rối loạn chảy máu, đặc biệt nếu các vết bầm tím kèm theo chảy máu cam thường xuyên hoặc chảy máu nướu răng.

- Vết bầm không rõ nguyên nhân như trên bắp chân hoặc đùi thường là do va chạm vào cột giường hoặc vật thể gì đó mà bạn không nhớ.

- Người cao tuổi thường xuyên có vết bầm vì da trở nên mỏng hơn vì tuổi tác. Các mô nâng đỡ mạch máu nằm bên dưới trở nên mỏng và yếu hơn.

- Những người sử dụng thuốc kháng đông máu cũng dễ có vết bầm hơn.

- Vết bầm ở mặt sau bàn tay và cánh tay (còn gọi là ban xuất huyết quang hóa hay xuất huyết mặt trời) xảy ra do da mỏng và thường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Vết bầm tím trên da: Có thể tự chữa ở nhà nhưng có lúc nên cảnh giác với những bệnh sau - Ảnh 1.

Triệu chứng của một vết bầm tím

- Ban đầu, một vết bầm mới có thể hơi đỏ, sau đó sẽ chuyển sang màu xanh hoặc màu tím đậm trong vòng một vài giờ và sẽ thành màu vàng hoặc xanh lá cây sau vài ngày khi vết bầm lành.

- Vết bầm tím thường nhạy cảm và thậm chí đôi khi có thể đau trong vài ngày đầu, nhưng cơn đau thường hết khi vết bầm mờ đi.

- Bởi vì da không bị tổn thương chỗ vết bầm nên không có nguy cơ mắc nhiễm trùng.

Khi nào nên đi khám ở cơ sở y tế

Bạn nên đến khám bác sĩ nếu có những dấu hiệu sau đây:

- Cảm thấy đau và sưng ở vùng bầm tím, đặc biệt khi bạn đang sử dụng thuốc aspirin hoặc các thuốc kháng đông máu khác.

- Bầm tím dễ dàng xảy ra hoặc không rõ lý do.

- Vết bầm tím gây đau và xảy ra ở khu vực móng chân hoặc móng tay.

- Bầm tím không cải thiện trong vòng 2 tuần hoặc không cải thiện hoàn toàn sau 3-4 tuần.

- Bầm tím xảy ra cùng với gãy xương.

- Bầm tím xuất hiện trở lại trong cùng một khu vực mà không phải do chấn thương.

Điều trị vết bầm tím tại nhà

Việc điều trị vết bầm sẽ hiệu quả nhất ngay sau khi bị thương, khi vết bầm tím vẫn còn đỏ.

- Chườm lạnh bằng túi nước đá hoặc túi rau đông lạnh ở vùng da bị ảnh hưởng trong 20-30 phút để tăng tốc độ phục hồi và giảm sưng. Tuy nhiên, bạn đừng chườm đá trực tiếp lên da mà hãy quấn túi nước đá trong khăn.

- Nâng chân lên cao càng nhiều càng tốt trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi bị thương nếu các vết bầm tím chiếm một vùng da lớn ở chân hoặc bàn chân.

- Sử dụng acetaminophen để giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ.

- Tránh dùng aspirin hoặc ibuprofen vì chúng làm chậm đông máu và có thể kéo dài thời gian chảy máu;

- Dùng khăn ấm chườm lên vết bầm trong 10 phút hoặc lâu hơn sau khoảng 48 giờ bị thương, thực hiện 2-3 lần một ngày có thể làm tăng lưu lượng máu đến vùng thâm tím, giúp da hấp thu máu nhanh chóng hơn. Cuối cùng, các vết thâm sẽ mờ dần.

Vết bầm tím trên da: Có thể tự chữa ở nhà nhưng có lúc nên cảnh giác với những bệnh sau - Ảnh 2.

Điều trị chuyên khoa

Các bác sĩ sẽ không điều trị đặc hiệu cho vết bầm tím. Thay vào đó, bạn có thể áp dụng các phương pháp tại nhà như kể trên: chườm lạnh nước đá và sau đó chườm nóng, thuốc giảm đau không kê toa, đặt vùng thâm tím lên cao nếu có thể.

* Theo WebMD

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại