Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận trên 10.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có tử vong. So với cùng kỳ 2017, số mắc cả nước giảm 36%, không có tỉnh nào ghi nhận số mắc gia tăng đột biến. Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay ghi nhận 81 trường hợp mắc sốt xuất huyết, phân bố rải rác tại 20/30 quận, huyện, thị xã.
Theo ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới vẫn còn có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng số mắc nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống.
Trên thực tế, hiện tình hình sốt xuất huyết tại nhiều nước trong khu vực vẫn duy trì ở mức cao, di biến động dân cư, giao lưu đi lại giữa các vùng miền làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh.
Ngoài ra, thời điểm này bắt đầu vào Hè, nhiệt độ trung bình cao là điều kiện thuận lợi cho véc-tơ truyền bệnh phát triển mạnh. Trong khi đó tập quán tích trữ nước của người dân chưa thay đổi đáng kể so với trước đây. Điều kiện vệ sinh, môi trường phức tạp bất lợi, tăng số lượng và chủng loại các dụng cụ chứa nước là nơi sinh sản muỗi truyền bệnh.
Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.
Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt cao khó hạ, nên đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị, truyền dịch tại nhà.