Là người bệnh, đang đau đớn với chấn thương – với bệnh tật của mình, được đưa vào tới bệnh viện là thấy trong lòng yên tâm tám chín phần. Được bác sĩ thăm khám, cho thuốc rồi y tá chích thuốc xong là thấy mình như được sống lại, mười phần yên tâm. Ai mà không phấn khởi.
Vậy mà, có mấy ai còn đủ tỉnh táo để tự hỏi: "Sao mũi kim vừa rồi không chích cho ông bên cạnh mà lại chích cho mình nhỉ?"
Mà cũng lạ, ông giường bên cạnh cũng bệnh, mình cũng bệnh, sao chỉ chích cho mình? Mà sao lúc chích, chẳng thấy cô y tá hỏi tên mình? Chẳng may chích… lộn thuốc của ông giường bên cạnh thì sao ta? Mà chuyện "hột vịt lộn" người bệnh này, có dễ xảy ra không ta?
Nếu bạn biết, ở Anh Quốc – một quốc gia hàng đầu thế giới khác về khả năng Quản lý Chất lượng cho cơ sở y tế – đã nhận được 24.382 báo cáo của các cơ sở y tế ở Liên Hiệp Anh về việc chăm sóc nhầm người bệnh trong suốt 2 năm 2006-2007!
NHẦM ở đây nghĩa là sao? Là lẽ ra chích cho ông A thì lại chích ông B; là khám bệnh cho ông C lại ghi vào hồ sơ bệnh án của ông D; là mẫu xét nghiệm nước tiểu của ông E lại để trong lọ ghi tên ông F; là thay vì mổ chân phải thì lại đi mổ chân trái; là… là... trăm muôn nghìn kiểu nhầm.
Nhiều nguyên nhân dẫn tới cái sự nhầm này lắm, nhưng chắc chắn là trong nhiều trường hợp, người bệnh cũng có đóng góp và đương nhiên cũng có thể thay đổi số phận của mình! Chỉ bằng một câu hỏi đơn giản: "Bác sĩ/y tá ơi, biết tôi là ai không?"
Khi hỏi được câu này, bạn đã gần như tránh được sự nhầm lẫn không đáng có cho nhân viên y tế đang phục vụ bạn và đương nhiên, đó là sự an toàn cho chính bạn!
Và đây cũng chính là khuyến cáo của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) cho chính người bệnh chúng ta:
"Khuyến khích bệnh nhân và gia đình hoặc những người đại diện của mình tham gia tích cực trong việc xác định danh tính, bày tỏ quan ngại về sự an toàn và các lỗi tiềm năng, và đặt câu hỏi về tính đúng đắn của việc chăm sóc họ".
Thế giới đã làm gì để giúp người bệnh được nhận dạng đúng, và các cơ sở y tế ở Việt Nam đang ở đâu trên con đường này?
Ở "ngoài đời" chúng ta đã quen với việc được xác định qua số CMND, họ tên, tuổi, địa chỉ,.. trong đó số CMND gần như là lựa chọn quan trọng nhất cho các dịch vụ liên quan đến cơ quan hành chính. Sở dĩ nhà nước dùng CMND vì số CMND/căn cước là duy nhất cho mỗi người Việt chúng ta.
Ấy vậy mà khi nằm viện, chúng ta thường chỉ được gọi đơn giản là "Bà Dần, 30 tuổi", hay "Ông Mão, 40 tuổi". Hoặc có khi, cô y tá chỉ hỏi "Bác ở phòng 2 giường 5 đâu?" rồi lụi cho một cái đau điếng.
Ở Việt Nam, có nhiều người tên trùng tên không ta? Thưa có, rất rất nhiều! Vậy vừa trùng tên vừa trùng tuổi? Thưa có, vô cùng nhiều! Vậy chẳng may hai vị ấy chui vào bệnh viện nằm cùng lúc thì sao ta? Ây da, thì tốt nhất là hai ông tự bắt tay nhau rồi một ông đi kiếm bệnh viện khác mà nằm. Không thì quả là các vị ấy đang làm khó nhân viên y tế chỉ vì trùng tên, trùng tuổi.
Tôi đang đùa thôi. Các bác đừng vội bắt tay nhau rồi đi kiếm bệnh viện khác nằm nha.
Trường hợp khác, vừa vào viện, người bệnh mình nhanh nhanh kiếm luôn giường ở sát cửa sổ cho nó mát, rồi vênh mặt với cả phòng. Nhưng đôi khi các cô y tá chỉ ghi tên những bệnh nhân mình quản lý lên tấm bảng trong phòng trực, với vỏn vẹn các thông tin: "tên, phòng, giường" rồi khi nhận được chỉ định của bác sĩ, cứ thế họ cầm thuốc đi tiêm thôi, thì sao?
Chẳng may hai chủ nhân (trước và sau) của cái giường kia mà trùng tên, còn cô y tá thì chưa "nắm tình hình" (về thay đổi bệnh nhân) thì hậu quả chắc cũng không dễ lường.
Vậy thì nhận dạng người bệnh như thế nào là an toàn, chính xác cao?
Trên thế giới, người ta cũng đã dùng nhiều phương pháp rồi, các cơ sở y tế của Việt Nam cũng học tập được nhiều rồi. Có các phương pháp như sau với mức độ an toàn và tiện dụng tăng dần:
- Sử dụng mã Y tế: Tương tự như số CMND nhưng được cấp khi nằm viện.
- Sử dụng vòng đeo tay có ghi tên, tuổi và mã y tế trên vòng.
- Sử dụng vòng đeo tay có ghi tên, tuổi và mã vạch (Barcode).
Đâu đó, ở Việt Nam bây giờ, model là vòng đeo tay và barcode. Nếu bạn thuộc nhóm gia đình chẳng có gì ngoài điều kiện thì khi được quyền chọn bệnh viện để nằm, hãy để ý đến yếu tố này nhé! Rất đáng đồng tiền bát gạo đấy.
Ngay cả tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Y tế, cũng đề cập tới Barcode như là "đỉnh cao của nhận dạng" vậy, và các bệnh viện công cũng như tư đang ráo riết chạy đua để "dẫn dắt thị trường".
Ấy thế mà, nếu bạn biết, ở Anh, chính vòng đeo tay lại là nguyên nhân phát sinh 10% số trường hợp nhận dạng sai người bệnh: Do đeo nhầm người bệnh, do in đi in lại tên trên vòng nhiều lần, do mất vòng,..
Vậy thì làm thế nào để cải thiện tình hình đây?
Ở Anh, người ta đã phải định hướng luôn, nếu muốn sử dụng vòng thì nên:
1. Thiết kế vòng và nhãn theo yêu cầu của NRLS (viết tắt của một tổ chức y tế chịu trách nhiệm).
2. Chỉ đưa các thông tin chính để nhận dạng người bệnh lên vòng. Ví dụ: theo tiêu chuẩn JCI của Mỹ thì yêu cầu tối thiểu hai thông tin để nhận dạng nhưng không được dùng số phòng, số giường hay thông tin chỉ vị trí của người bệnh.
3. Phải có quy trình để sản xuất, in nhãn và kiểm tra vòng đeo tay bệnh nhân.
4. Sử dụng màu sắc của vòng một cách thống nhất (ví dụ: Vòng đỏ cho bệnh nhân dị ứng, vòng vàng cho bệnh nhân dễ té ngã, vòng màu hồng cho Bệnh nhân... vui tính... ).
5. In nhãn cho vòng phải in từ hệ thống, không được in từ các ứng dụng bên ngoài.
6. Tạo và in tất cả các vòng đeo tay một lần để cho bệnh nhân sử dụng là… KHÔNG an toàn!
Vậy người bệnh mình cũng phải chú ý, không phải được đeo vòng là ngon đâu. Hiện đại cũng lắm khi "hại điện". Vòng thì cứ đeo, còn hỏi "biết tôi là ai không" thì ta cứ phải hỏi cho chắc.
Nhưng nếu vòng đeo tay cũng chưa phải là đỉnh thì cái gì là đỉnh? Giải pháp nào cho cả giới y bác sĩ và cho chúng ta – những bệnh nhân vui tính?
Câu trả lời thực ra không quá phức tạp: đó là sinh trắc học!
Nghĩ tới nó thì ai cũng nghĩ đó là chuyện "cao cấp" ở đâu đó. Nhưng xem kỹ lại thì người Việt cũng không lạ gì món này. Trong giới ngân hàng, có ngân hàng đã đi đầu với giải pháp nhận diện khách hàng bằng vân tay (từ đầu năm 2011) và dùng nó cho tới ngày nay.
Các máy laptop bây giờ đều có nhận dạng vân tay. Và nghe đâu công nghệ "soi mắt", "soi tĩnh mạch ở bàn tay" cũng đang phát triển như vũ bão.
Lợi ích của sinh trắc học trong nhận dạng người bệnh là gì:
- Giảm rào cản của ngôn ngữ – cứ đưa tay đây là xong.
- Bất tỉnh cũng không sao, khỏi cần hỏi tên.
Còn chờ gì nữa các đại gia ngành y, hãy cho bệnh nhân chúng tôi được tận hưởng thành tựu khoa học công nghệ đi thôi!
Một lần nữa nhắc lại, dù có là phương pháp hiện đại gì đi nữa, tự mình bảo với bác sĩ, y tá mình/người nhà mình tên gì/bao nhiêu tuổi/có điểm gì đặc biệt… vẫn luôn rất hữu ích!
Tài liệu tham khảo:
-Standardising wristbands improves patient safety – http://www.nrls.npsa.nhs.uk/resources/?entryid45=59824
-JCI – IPSG Chapter (Standard IPSG.1)
-Defining Patient Verification & Identification in Healthcare – Biometrics – advanceweb.com
-Patient Identification – WHO
-Wrong-Patient Medication Errors: An Analysis of Event Reports in Pennsylvania and Strategies for Prevention – http://www.patientsafetyauthority.org/