Vai trò của “Con dao phẫu thuật” Tomahawk nếu xung đột Mỹ-Iran nổ ra

Lê Ngọc |

Tên lửa Tomahawk luôn đóng vai trò mở màn khi Mỹ tham chiến, được mệnh danh là "sứ giả chiến tranh".

Tên lửa chiến thuật đa nhiệm Tomahawk

Được nhà thầu General Dynamics phát triển từ năm 1972, khởi đầu Тomahawk được thiết kế như một tên lửa tầm trung và tầm xa phóng từ mặt đất. Sau hơn 10 năm nghiên cứu và thử nghiệm, năm 1983, tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk chính thức được biên chế cho quân đội Mỹ.

Sau hoàn thiện và nâng cấp, Тomahawk hiện nay do tập đoàn Raytheon chế tạo, có thể được phóng từ các phương tiện trên biển, trên không và trên mặt đất, nhưng chủ yếu do Hải quân Mỹ sử dụng - là niềm tự hào của hải quân nước này trong mấy thập niên gần đây.

Vai trò của “Con dao phẫu thuật” Tomahawk nếu xung đột Mỹ-Iran nổ ra - Ảnh 1.

Cấu tạo của tên lửa Tomahawk. Nguồn: fas.org

Tomahawk thế hệ đầu tiên (Block I, định danh BGM-109), được đưa vào thực chiến từ năm 1991 trong chiến tranh vùng Vịnh. Tên lửa Tomahawk hiện có 4 phiên bản chính:

Phiên bản hạt nhân Block II TLAM-A, phiên bản tiêu chuẩn Block III TLAM-C, phiên bản bom chùm Block III TLAM-D và phiên bản chiến thuật Block IV TLAM-E. Hải quân Mỹ có trong trang bị khoảng 3.500 tên lửa Tomahawk gồm mọi biến thể với các đầu đạn và tính năng kỹ - chiến thuật khác nhau.

Với trọng lượng 1.300 - 1.600 kg, chiều dài 5,56 - 6,25 m (tùy phiên bản), Tomahawk có đường kính 0, 518 m, sải cánh 2,67 m, trọng lượng đầu đạn 450 kg, vận tốc 885 km/h, tầm bắn 2.500 km, sử dụng động cơ phản lực cánh quạt đẩy Williams International F107-WR-402 và động cơ tăng tốc phản lực nhiên liệu rắn; ngoài sử dụng đầu đạn thông thường, nó có thể mang đầu đạn hạt nhân W80 có đương lượng nổ 200 KT.

Tên lửa Tomahawk được thiết kế theo mẫu máy bay cánh đơn - thân là ống trụ tròn (bằng hợp kim nhôm), hai cánh chính có thể gấp lại và được lắp ở trọng tâm tên lửa, bốn cánh ổn định đuôi hình chữ thập.

Một số bộ phận và bề mặt khí động học làm bằng nhựa graphite-epoxy, trong suốt đối với các sóng radio. Tên lửa có tốc độ cận âm cùng với động cơ phản lực cánh quạt chạy rất êm, độ bộc lộ bức xạ hồng ngoại không cao.

Theo tờ Washington Post, Tomahawk là một phần quan trọng trong kho vũ khí quân đội Mỹ - nước đã sử dụng loại tên lửa này trong các cuộc tấn công ở Yemen, Iraq, Nam Tư, Afghanistan, Libya và mới nhất là Syria.

Khoảng 1.562 tên lửa đã được sử dụng với tỷ lệ tiêu diệt mục tiêu trong thực chiến đạt hơn 90% - bề dày thành tích ấn tượng mà không một loại tên lửa hành trình nào có được.

Vai trò của “Con dao phẫu thuật” Tomahawk nếu xung đột Mỹ-Iran nổ ra - Ảnh 2.

Tên lửa Tomahawk có thể được phóng từ mặt đất. Nguồn: wikipedia.org

Tomahawk có độ chính xác cao, được quân đội Mỹ ưu tiên trang bị trên các phương tiện chiến đấu của cả hải quân, không quân và lục quân.

Sau hơn 30 năm hiện diện, Tomahawk vẫn là “ngôi sao” sáng nhất trong hệ thống tên lửa của Washington nhờ sai số đánh mục tiêu khá nhỏ, khả năng sống sót cao, rất khó phát hiện bằng radar, hay hồng ngoại, dễ dàng hủy diệt các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương.

Trong các cuộc chiến được Mỹ phát động, Tomahawk luôn đóng vai trò mở màn nhằm tiêu diệt mạng lưới phòng không của đối phương, được mệnh danh là “sứ giả chiến tranh”.

Tomahawk là là vũ khí răn đe chủ yếu của sức mạnh Mỹ hiện nay và trong tương lai gần, nó vẫn là vũ khí tấn công phủ đầu chủ chốt và hiệu quả của Hải quân Mỹ. “Ngoại giao tên lửa” từng được coi là quân bài tối thượng của Mỹ trong việc gây sức ép với các quốc gia nhỏ bé hơn và Tomahawk cũng trở thành công cụ chính trị hữu hiệu của nhiều đời Tổng thống Mỹ.

Tomahawk lợi hại cỡ nào?

Tomahawk hội tụ nhiều công nghệ đỉnh cao trong lái dẫn, chỉ thị và tấn công mục tiêu: hệ thống dẫn đường quán tính, hoạt động trong giai đoạn đầu và giữa quỹ đạo bay; hệ thống so sánh tương quan hình thể địa hình theo mặt cắt thẳng đứng AN/DPW-23 TERCOM hoạt động ở giai đoạn giữa và cuối quỹ đạo bay; hệ thống so sánh điện tử - quang học AN/DXQ-1 DSMAC cho phép tên lửa đánh trúng mục tiêu với độ sai lệch 10 m.

Hệ thống định vị vệ tinh GPS cung cấp thông tin chính xác về vị trí của tên lửa trên quỹ đạo bay.

Vai trò của “Con dao phẫu thuật” Tomahawk nếu xung đột Mỹ-Iran nổ ra - Ảnh 3.

Tên lửa Tomahawk có thể được phóng từ tàu mặt nước. Nguồn: japan-forward.com

Tomahawk có thể được cập nhật thông tin về mục tiêu từ nhiều phương tiện trinh sát khác nhau (máy bay, UAV, vệ tinh, bộ binh, xe tăng, tàu chiến…).

Khi tiếp cận không gian phòng ngự của đối phương, tên lửa sẽ hạ độ cao, bay cách mặt đất 30 - 130 m, khi cách mục tiêu khoảng 80 km tên lửa sẽ hạ độ cao xuống còn 15 m và tăng tốc độ lên đến 1,2 Mach để tấn công mục tiêu theo yêu cầu nhiệm vụ, tính chất mục tiêu và khả năng bảo vệ.

Với khả năng bắn từ mặt đất, trên tàu chiến hay tàu ngầm hoạt động dưới đáy biển, Tomahawk có thể tham chiến ở mọi chiến trường. Thua kém nhiều loại tên lửa khác về tốc độ nhưng khả năng bay theo sự điều khiển là thế mạnh vượt trội của Tomahawk.

Dù tầm bắn lên tới 2.500 km và tốc độ 880 km/h, Tomahawk vẫn có thể thay đổi mục tiêu khi đang di chuyển. Không bay theo đường thẳng mà di chuyển qua những “điểm mù” của radar phòng không đối phương giúp khả năng sống sót của nó cao hơn.

Theo ASDNews, năm 2015, Raytheon đã thử nghiệm thành công hệ thống đo đạc hỗ trợ điện tử ESM (Electronic Support Measure) cho Tomahawk Block IV nhằm nâng cao khả năng phát hiện và theo dõi các mục tiêu có nguồn phát xạ sóng radar cố định và di động.

Hải quân Mỹ đang có kế hoạch bổ sung chức năng chống hạm trong phạm vi 1.850 km cho Tomahawk bên cạnh tấn công các mục tiêu mặt đất bằng cách trang bị đầu tự dẫn thụ động và bộ xử lý nhằm theo dõi và tiêu diệt mục tiêu di động cả trên mặt đất và mặt nước.

Tomahawk Block IV cũng được trang bị bộ chống nhiễu GPS để có thể hoạt động trong môi trường GPS bị gây nhiễu nhằm ngăn tên lửa hoạt động hiệu quả.

Theo các chuyên gia quân sự, Tomahawk là thứ vũ khí tạo ra bước ngoặt thay đổi quy luật của chiến tranh hiện đại nói chung và quy luật tác chiến của Hải quân Mỹ nói riêng. Trước thời Tomahawk, không quân và bộ binh Mỹ từng phải chịu những tổn thất nặng nề về người và phương tiện trong các cuộc chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam.

Sau khi hàng trăm quả Tomahawk phá hủy hoặc làm tê liệt các mục tiêu quan trọng khiến đối phương không còn khả năng chống trả, các lực lượng Mỹ và đồng minh vào cuộc giải quyết chiến trường.

Mỹ và Israel từ lâu coi chương trình tên lửa đạn đạo của Iran là mối đe dọa đối với an ninh và lợi ích trong khu vực.

Theo giới phân tích quân sự, nếu có xung đột quân sự Mỹ - Iran, Mỹ sẽ ưu tiên tìm kiếm và tiêu diệt cơ sở sản xuất, kho dự trữ tên lửa của Tehran, hệ thống phòng không - còn gọi là "tấn công giải phẫu" - hủy diệt mục tiêu bằng vũ khí công nghệ cao mà không gây ảnh hưởng, hoặc giảm thiểu tối đa thiệt hại đối với mục tiêu dân sự xung quanh.

Với chiến thuật này, Tomahawk là lựa chọn khả thi và ít rủi ro nhất.

Ngày 16/5, hai tàu tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ, mỗi chiếc có thể mang theo 90 tên lửa hành trình Tomahawk, là USS Gonzalez (DDG-66) và USS McFaul (DDG-74) đã đi quaeEo biển Hormuz để vào Vịnh Ba Tư.

Theo giới phân tích quân sự, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Tomahawk tiếp tục được sử dụng để đánh phủ đầu Iran một khi xung đột cục bộ tại đây bùng phát.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại