Như đã đưa tin trước đó, việc Ấn Độ thông qua kế hoạch xuất khẩu tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos trong năm nay có thể sẽ là cơ hội tốt để nhiều quốc gia trong khu vực châu Á có mối quan hệ tốt với New Delhi cải thiện năng lực phòng thủ bờ biển của mình.
Trong khi đó truyền thông quốc tế vài năm qua đã rất nhiều lần đề cập tới thông tin Việt Nam đang đàm phán để mua tên lửa BrahMos từ Ấn Độ. Tuy nhiên thông tin trên đều chưa được kiểm chứng một cách rõ ràng.
Đối với lực lượng hải quân của chúng ta hiện tại nếu được trang bị thêm các tên lửa BrahMos thì năng lực tác chiến phòng thủ ven bờ chắc chắn sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
Bởi so với các loại tên lửa chống hạm mà Hải quân Việt Nam đang có trong biên chế BrahMos sở hữu các lợi thế và tính năng kỹ chiến thuật vượt trội hơn hẳn.
Ở thời điểm hiện tại BrahMos được đánh giá là một trong những dòng tên lửa hành trình siêu âm uy lực nhất thế giới. Ảnh: Sputnik.
Về cơ bản năng lực tác chiến của BrahMos không quá vượt trội so với dòng tên lửa P-800 Oniks hay Yakhont trên các tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P của Việt Nam. Tuy nhiên, BrahMos và các biến thể của nó cho phép triển khai trên nhiều nền tảng phóng khác nhau điều mà tên lửa Yakhont không có được.
Với ba biến thể BrahMos, BrahMos-A và BrahMos-M, loại tên lửa hành trình siêu âm này có thể được phóng đi từ các bệ phóng di động trên mặt đất, từ trên hạm, từ tàu ngầm và cả từ trên không.
Chưa hết, với BrahMos, Việt Nam không chỉ có thể cải thiện năng lực tác chiến phòng thủ ven bờ chúng ta còn có thể sử dụng nó để tăng cường sức mạnh cho các biên đội tàu tên lửa tấn công nhanh hoặc hộ vệ hạm thay vì quá phụ thuộc vào các tên lửa chống hạm Kh-35E/Uran-E của Nga.
Mặc dù các dòng tên lửa chống hạm của Nga từ lâu đã quá nổi tiếng về độ tin cậy cũng như sức mạnh, tuy nhiên chúng không phải là không có hạn chế, nhất là ở các biến thể xuất khẩu.
Đồng thời sự phổ biến của các loại tên lửa này trên thế giới khiến chúng có thể bị đối phương nghiên cứu và sử dụng nhiều cách thức khác nhau để giảm thiểu sức mạnh tối đa của chúng. Do đó Việt Nam rất cần tới một loại vũ khí "át chủ bài" như BrahMos.
BrahMos và các biến thể của nó cho phép triển khai trên nhiều nền tảng phóng khác nhau điều mà Yakhont không có được. Ảnh: DefPost.
Sử dụng BrahMos còn là cách giúp chúng ta hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn cung các loại vũ khí tấn công sử dụng công nghệ cao từ một quốc gia duy nhất, từ đó đa dạng hóa kho vũ khí tấn công chiến lược của mình.
Cũng cần phải lưu ý rằng, tên lửa BrahMos là một sản phẩm liên doanh giữa Ấn Độ và Nga dựa trên thiết kế của Yakhont nên ở một mặt nào đó chúng ta sẽ không mất quá nhiều thời gian cũng như cơ sở hạ tầng cho việc vận hành loại tên lửa siêu thanh này từ các kinh nghiệm có được từ quá trình sử dụng các tổ hợp Bastion-P.
Hy vọng với mối quan hệ hợp tác quốc phòng tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ trong nhiều năm trở lại gần đây, thông tin hai nước đang đàm phán cho hợp đồng BrahMos là hoàn toàn có cơ sở.
Bản thân Liên doanh BrahMos Aerospace hiện đang triển khai thực hiện hợp đồng nghiên cứu và sản xuất 3 dòng tên lửa đất đối đất, diệt hạm trị giá tới 7 tỷ USD với Quân đội Ấn Độ. Đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam mua được BrahMos với giá thành thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại của Nga.