Sau "Thương chiến" tới "Chiến tranh tuyên truyền": Điềm báo xung đột quân sự Mỹ-Trung?

Hoài Giang |

Tất cả những phản ứng vượt qua ranh giới mong manh của "Thương chiến" sẽ là ngòi nổ cho một cuộc xung đột tiềm năng trong khu vực.

Trung Quốc "nổ phát súng đầu tiên" của Chiến tranh tuyên truyền giữa "Thương chiến"

Tối ngày 20/5, kênh ABC đưa tin kênh phim CCTV6 của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) những ngày gần đây đã bất ngờ chiếu một số bộ phim kinh điển có đề tài Chiến tranh Triều Tiên (Trung Quốc gọi là Chiến tranh chống xâm lược và viện trợ của Mỹ).

"Những người con trai và con gái anh hùng" (1964), "Trận chiến trên núi Thượng Cam Lĩnh" (1954) và "Cuộc tấn công bất ngờ" (1960) là bộ ba phim chiến tranh được chiếu buổi tối ba ngày liên tiếp (vào lúc 20h15) thay thế cho các chương trình thông thường.

Một tác phẩm kinh điển về đề tài chiến tranh khác là "Người bảo vệ tuyến đường sắt" (1960) cũng đã được Trung Quốc chiếu vào tối ngày 20/5 được coi là bộ phim thứ tư của chuỗi phim chiến tranh.

Sau Thương chiến tới Chiến tranh tuyên truyền: Điềm báo xung đột quân sự Mỹ-Trung? - Ảnh 1.

Một người lính LHQ trên một cao điểm trong Trận đánh Thượng Cam Lĩnh năm 1951.

Các nhà phân tích phương Tây chỉ ra mối liên hệ rõ ràng về việc CCTV đột ngột chiếu lại các phim có đề tài chiến tranh: "Tất cả các bộ phim nói trên đều khai thác chủ đề chiến tranh chống lại lực lượng quân sự Hoa Kỳ ở thời điểm cuộc chiến thương mại TQ-Mỹ đang diễn ra".

Trong hơn một năm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực thi ý định tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, và Bắc Kinh đáp trả bằng biện pháp tương tự với hàng nhập khẩu của Mỹ.

Nếu không đàm phán được, "Thương chiến" sẽ biến thành xung đột quân sự Mỹ-Trung?

Cuộc chiến thương mại (hay còn gọi là Thương chiến) đã đạt đến một điểm bùng nổ vào tuần trước với việc thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm sau khi Trung Quốc trả đũa bằng một loạt loại thuế mới.

Những nỗ lực của CCTV6 có thể được coi là một nỗ lực kém tinh tế để thúc đẩy tinh thần dân tộc chủ nghĩa và cổ xúy bạo lực.

Hu Xijin, Biên tập viên của tờ Thời báo Hoàn cầu gần đây đã viết trên twitter rằng Trận chiến trên núi Thượng Cam Lĩnh dạy cho người Trung Quốc rằng "không có cuộc đàm phán bình đẳng nào mà không phải trải qua chiến đấu".

Còn CCTV6 thông qua tài khoản Weibo nói rằng họ "đang sử dụng các tác phẩm phim nghệ thuật để miêu tả thực trạng hiện nay".

Bộ phim "Trận chiến trên núi Thượng Cam Lĩnh" miêu tả sự dũng cảm của binh lính Trung Quốc khi đối mặt với nghịch cảnh và chiến đấu với lực lượng Mỹ và giành chiến thắng.

Sau Thương chiến tới Chiến tranh tuyên truyền: Điềm báo xung đột quân sự Mỹ-Trung? - Ảnh 3.

Thượng Cam Lĩnh là ba cao điểm được gọi là "Tam giác thép" do quân Trung Quốc kiểm soát.

Cũng trên tờ Thời báo Hoàn cầu, một chuyên gia ẩn danh Trung Quốc nói về sự trỗi dậy của Trung Quốc chính là đối mặt với một nước Mỹ hiếu chiến:

Tờ Nhật báo Nhân dân Trung Quốc thì thông qua Weibo đăng một hình ảnh của một lá cờ Trung Quốc kèm một khẩu hiệu:

"Muốn nói chuyện không? Hãy cùng nói chuyện.

Muốn chiến đấu không? Hãy chiến đấu.

Muốn bắt nạt chúng ta? Đừng có mơ!"

Không có gì đảm bảo rằng cuộc "ăn miếng trả miếng" hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm bớt.

Việc Trung Quốc cho người dân nước họ "thưởng thức" với các bộ phim liên quan đến chiến tranh có vẻ không phải là một "điềm tốt".

Sự việc chứng minh cùng với cuộc "Thương chiến" đang phản ánh mối quan hệ ngày càng "chua chát" giữa Bắc Kinh và Washington.

Cùng với việc Mỹ gia tăng thể hiện sức mạnh trên biển Đông, nhiều khả năng trong tình thế căng thẳng hiện tại, Trung Quốc sẽ phản ứng bằng nhằm vào các lực lượng Mỹ. Các kịch bản có thể là quấy rối bằng tàu cá hoặc thiết lập vùng nhận diện vòng không mới.

Tất cả những phản ứng vượt qua ranh giới mong manh của "Thương chiến" sẽ là ngòi nổ cho một cuộc xung đột tiềm năng trong khu vực. Cho tới thời điểm hiện tại cả hai phía Mỹ-Trung đều chưa có dấu hiệu nhượng bộ.

Hôm 17/5, thay vì trả lời câu hỏi về các cuộc đàm phán thương mại mới với ông Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối trả lời và đã rời khỏi bàn làm việc.

Chiến dịch Thượng Cam Lĩnh diễn ra từ 14/10 đến 25/11/1952 tại khu vực phía bắc của Gimhwa-eup, quận Chorwon , tỉnh Kangwon, Bắc Triều Tiên giữa 50.000 quân tình nguyện Trung Quốc và 30.000 quân Liên Hiệp Quốc (trong đó 80% là lính Mỹ và lính Hàn Quốc).

Tuy thương vong khủng khiếp (gần 1/2 quân số) nhưng quân Trung Quốc đã đẩy lùi được các cuộc tấn công của quân LHQ và gây thương vong nặng cho đối phương (1/4 quân số).

Đây là một chiến thắng có tính chất chiến thuật của Trung Quốc và là bước ngoặt của cuộc chiến khiến LHQ phải ra lệnh ngưng các cuộc tấn công cấp cao hơn tiểu đoàn ở giai đoạn còn lại của Chiến tranh Triều Tiên cho tới khi lệnh ngừng bắn được thực thi ngày 27/7/1953.

Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman sau đó đã bình luận rằng trận chiến là một đòn giáng mạnh vào tinh thần của lực lượng Liên Hiệp Quốc dẫn tới quyết định đóng băng và kết thúc chiến tranh 2 năm sau đó.

Một phim tài liệu của phía Mỹ về Trận đánh Thượng Cam Lĩnh (Nguồn AP).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại