TS.BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, qua phản ánh của các bệnh nhân, tất cả các Phòng khám Trung Quốc đều “giăng sẵn” kịch bản như sau: Khi bệnh nhân bước vào phòng khám sẽ được tiếp tân giải thích là chỉ phải xét nghiệm, siêu âm với mức phí vài trăm ngàn đồng.
Do đa phần bệnh nhân đến với các phòng khám này chủ yếu mắc bệnh thầm kín, khó nói nên nếu bệnh nhân là nữ thì sẽ được chẩn đoán bị khí hư, viêm loét cổ tử cung. Nếu là bệnh nhân nam thì được chẩn đoán hẹp bao quy đầu, viêm đường tiết niệu… để bệnh nhân chấp nhận điều trị.
Đến khi bệnh nhân nằm trên bàn thực hiện thủ thuật, các bác sĩ người Trung Quốc sẽ thực hiện rửa, thông tiểu. Khi bệnh nhân kêu đau, thông qua các thông dịch viên các bác sĩ sẽ nhân cơ hội nói bệnh nhân mắc bệnh nặng và tư vấn ba gói điều trị gồm: gói thuốc của Châu Âu có giá 20 triệu đồng, gói vừa giá 10 triệu đồng và gói Việt Nam giá 7 triệu đồng.
Dù bệnh nhân có chọn gói cao nhất thì các bác sĩ cũng tiếp tục nói bệnh nhân bị thừa da, thừa bao quy đầu có thể gây ung thư, nặng thì sẽ tử vong và yêu cầu cắt bỏ. Sau khi cắt thừa bao da quy đầu, bác sĩ tiếp tục nói bệnh nhân còn thừa da ở hậu môn, cần phải cắt….
Cứ như vậy, từ vài trăm nghìn ban đầu, có bệnh nhân đã tốn 70-80 triệu đồng cho một lần vào phòng khám Trung Quốc.
Ngoài vẽ bệnh để móc túi bệnh nhân, theo ông Bùi Minh Trạng, các phòng khám Trung Quốc còn có những sai phạm như: kê đơn thuốc bằng tiếng Trung Quốc mà không dịch ra tiếng Việt, không lập hồ sơ bệnh án, thực hiện kỹ thuật không theo phác đồ, hồ sơ bệnh án bằng tiếng Việt nhưng do bác sĩ Trung Quốc ký tên điều trị, thực hiện nhiều kỹ thuật chưa được phê duyệt, niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh không đúng quy định…
Ông Trạng còn nêu nhiều phòng khám Trung Quốc tìm cách đối phó với cơ quan quản lý y tế như hồ sơ khám bệnh không ghi rõ địa chỉ bệnh nhân; khi thanh tra đến làm việc với phòng khám để làm rõ phản ánh của bệnh nhân thì phòng khám lại thương lượng với người bệnh, trả lại tiền và yêu cầu người bệnh rút lại khiếu nại đối với phòng khám.
Ông Trạng đặt vấn đề: "Vì sao có nhiều bệnh nhân phải "thiếu nợ" phòng khám Trung Quốc, phải thế chấp chứng minh nhân dân, giấy tờ xe, thậm chí cả xe máy? Có sinh viên trong túi chỉ có 1 triệu đồng đến khám bệnh mà phòng khám cho thiếu tới 7-8 triệu đồng.
Trong khi tất cả bệnh nhân này đều không phải bệnh cấp cứu, cần điều trị ngay. Như vậy có phải lừa dối người bệnh không?".
Ông Trạng cũng bức xúc cho rằng cách đây một năm, thanh tra Sở Y tế đã tổ chức cuộc họp với đại diện các phòng khám Trung Quốc và đã nói nhiều về các vấn đề nêu trên, nhưng vi phạm tại các phòng khám vẫn không thuyên giảm.
Hiện trên địa bàn thành phố có 250 phòng khám đa khoa nhưng chỉ có 17 phòng khám Trung Quốc là bị phản ánh nhiều nhất.
Sắp tới, Sở Y tế sẽ công khai số điện thoại người phụ trách chuyên môn kỹ thuật của các phòng khám. Nếu có sai phạm thì người phụ trách chuyên môn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Sở Y tế cũng yêu cầu các phòng khám Trung Quốc phải gửi bảng giá chi tiết về Sở Y tế để Sở đăng công khai bảng giá lên trang web, đồng thời, Sở Y tế cũng sẽ xem xét lại danh mục dịch vụ kỹ thuật, nhất là những dịch vụ liên quan đến các bệnh nhạy cảm và hay vi phạm ở phòng khám.
Nếu cần thiết sẽ không duyệt cho phòng khám Trung Quốc thực hiện dịch vụ kỹ thuật đó nữa. Nếu không thực hiện, phòng khám có thể sẽ bị tạm ngưng hoạt động.
Các phòng khám phải thực hiện nghiêm túc việc chẩn đoán bệnh, công khai minh bạch trong hồ sơ bệnh án, bác sĩ nào chẩn đoán bệnh nhân 2-3 lần, Sở sẽ mời phòng khám và bác sĩ đó lên làm việc.
Thanh tra Sở Y tế cũng sẽ công khai số điện thoại bác sĩ phụ trách chuyên môn cho phòng khám Trung Quốc lên trang web để người bệnh có bức xúc gì sẽ gọi điện thoại trực tiếp và các bác sĩ này phải có trách nhiệm giải quyết, không thể né tránh mãi.
Bên cạnh đó, thanh tra Sở sẽ làm rõ xem có hay không việc bác sĩ cho phòng khám Trung Quốc thuê mướn bằng cấp, chứng chỉ hành nghề…