'Vaccine ý thức' giúp bạn sống an toàn giữa đại dịch COVID-19

TS.BS. Lê Thanh Hải |

Trên thực tế, tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19 vẫn có thể mắc bệnh. TS.BS. Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Phổi Thừa Thiên Huế có lời khuyên với bạn đọc về các cách cụ thể để sống chung an toàn với dịch.

Thông tin đã tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19, nhưng vẫn mắc phải COVID-19 không có gì là mới mẻ nữa. Vừa mới đây, theo báo cáo cập nhật đầu tháng 11/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh, khảo sát các F0 nhập viện tầng 2 ghi nhận có 86% đã tiêm mũi 1 và mũi 2.

Câu hỏi thực tiễn đặt ra là: "Tiêm đủ 2 liều vaccine vẫn mắc COVID-19, vậy làm sao để sống chung an toàn với dịch COVID-19 lâu dài?". Hiện nay, có nhiều biện pháp để sống chung an toàn với dịch đã được các cơ quan chức năng triển khai và đang từng bước cho thấy hiệu quả trong kiểm soát dịch hiện nay.

Qua lý luận và thực tiễn gần 2 năm qua, có thể thấy ngoài việc tiêm đủ liều vaccine và tăng cường miễn dịch cơ thể, có một biện pháp căn cơ và bền bỉ lâu dài chính là ý thức phòng chống, nắm rõ, vận dụng linh hoạt cách sống chung với dịch của mỗi chúng ta - cũng có thể xem như một loại vaccine phòng chống COVID-19 hữu hiệu và đây có thể gọi là "vaccine ý thức".

Để cụ thể hóa "vaccine ý thức", chúng ta có thể kể ra 10 đầu công việc cần làm sau đây:

1. Luôn ý thức việc tiêm vaccine phòng COVID-19

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho thấy là cách tiếp cận và chuẩn bị chiến lược nhất hiện nay, là biện pháp tiên quyết có thể giúp bạn phòng nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 một cách hiệu quả. Nếu bạn đã tiêm đủ liều vaccine, ngay cả khi bạn mới được tiêm mũi 1, nếu không may bị nhiễm virus SARS-CoV-2, bệnh sẽ nhẹ hơn và khó chuyển nặng.

Thực tế đúng như vậy, bằng chứng theo thống kê tại TP. Hồ Chí Minh đầu tháng 11/2021, mặc dù các F0 tầng hai có đến 86% đã tiêm mũi 1 và mũi 2, nhưng tất cả đều có triệu chứng nhẹ, không cần phải hồi sức cấp cứu. Đây là một bằng chứng quá thuyết phục giá trị của tiêm vaccine ngừa COVID-19 .

Vaccine ý thức giúp bạn sống an toàn giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ giảm nguy cơ bệnh nặng nếu nhiễm SARS-CoV-2.

2. Luôn ý thức việc giữ khoảng cách an toàn lên kế hoạch học và làm việc online hay trực tiếp trong tình huống có dịch hay bình thường mới

Ngoại trừ những người sống chung trong ngôi nhà bạn, hay những người quen sinh hoạt làm việc chung hàng ngày cơ bản đã xác định an toàn theo hướng dẫn.

Còn lại, bạn hãy tự luôn để mắt xung quanh và giữ khoảng cách an toàn theo khuyến cáo với mọi người. Lẽ tất nhiên, trong bình thường mới, các dịch vụ kinh tế xã hội có tương tác đã được nhà nước thiết kế theo khoảng cách an toàn, nhưng bạn phải luôn nhớ giữ khoảng cách là biện pháp căn cơ khi bạn sống chung với dịch.

Mặc dù, các hoạt động online có những hạn chế nhất định, nhưng là lựa chọn khá phù hợp cho việc giảm thiểu tương tác trực tiếp khi sống chung lâu dài với dịch. Bạn phải rèn khả năng thích ứng cao trong mọi tình huống: học tập huấn online, họp giao ban online, giải quyết công việc online... đan xen với làm việc trực tiếp theo yêu cầu từng nghề nghiệp.

3. Bạn phải xác định khẩu trang như vật bất ly thân và thay khẩu trang theo khuyến cáo

Thực tế cho thấy, đôi lúc bạn dễ quên chuẩn bị khẩu trang, khi cần thiết dùng ngay làm bạn vô cùng lúng túng.

Vì vậy, bạn phải luôn để sẵn khẩu trang ở nhiều nơi để tiện cho việc thích ứng lâu dài trong sống chung với dịch, để sẵn trong nhà, nơi làm việc, trong xe ô tô, cốp xe mô tô, trong túi xách… và phải nhớ thay khẩu trang mới theo quy định. Luôn nhớ rằng, dùng một khẩu trang quá thời hạn cho phép, còn nguy cơ nhiễm trùng hơn cả không dùng khẩu trang!

Mặc dù, khẩu trang không phải là cách phòng ngừa tối ưu, nhưng rõ ràng có tác dụng ngăn chặn phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 qua giọt bắn hay các hạt li ti của nước bọt khi nói chuyện, ho hay hắt hơi. Có nhiều loại khẩu trang lưu hành hiện nay, nên dùng những khẩu trang đã được khuyến cáo. Đọc kỹ cách dùng và áp dụng thật hợp lý ở tất cả các tình huống hàng ngày trong công việc và sinh hoạt.

Vaccine ý thức giúp bạn sống an toàn giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Đeo khẩu trang có tác dụng ngăn chặn phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 qua giọt bắn hay các hạt li ti của nước bọt khi nói chuyện, ho hay hắt hơi.

4. Bạn phải hình thành thói quen rửa khử khuẩn tay hàng ngày, hạn chế đưa tay sờ lên mắt mũi miệng

Nghe thì dễ, nhưng nếu xem lại tất cả sinh hoạt diễn ra trong một ngày, bạn sẽ thấy có nhiều thời điểm bạn đã quên rửa và khử khuẩn tay. Bạn tự xem mình có thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi cầm nắm những vật và sờ vào những nơi bẩn, rửa tay sau khi đi vệ sinh, sau khi dùng ngón tay ấn vào nút xả nước bồn cầu…

Tập rèn thói quen rửa khử khuẩn tay đúng lúc, giúp ngăn chặn hiệu quả phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 qua việc tiếp xúc và sờ nắm vào đồ vật bẩn.

Khi rửa tay, khuyến cáo bạn rửa tay dưới vòi nước chảy, chỉ cần sử dụng các xà phòng diệt khuẩn thông thường, và rửa trong thời gian tối thiểu 20 giây.

Hàng ngày, bạn sờ lên mặt khoảng 20 lần. Tạo thói quen hạn chế sờ tay lên mắt mũi miệng giúp tránh phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng là một thực hành cần đặt ra khi bạn sống chung với dịch.

5. Bạn phải tự rèn thói quen súc rửa mũi và họng hàng ngày

Nghiên cứu cho thấy súc rửa mũi và họng là cách loại trừ hiệu quả virus SARS-CoV-2 bám và có mặt nhiều trên niêm mạc mũi và họng, là cách ngăn hiệu quả virus xâm nhập sâu vào phổi và phế nang.

Hiện nay, có nhiều video hướng dẫn cách sục, súc họng và mũi của các cơ quan y tế và các chuyên gia y học, bạn tải xem và tập ngay bây giờ. Bạn phải súc mũi họng 2-3 lần mỗi ngày như thói quen, ngoài ra cần súc mũi họng khi bạn vừa tách ra từ một công việc có nhiều người tham dự, hoặc khi ra khỏi các cơ sở khám chữa bệnh hoặc vừa trở về nhà…

Vaccine ý thức giúp bạn sống an toàn giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Súc họng thường xuyên để loại bỏ và ngăn virus xâm nhập sâu.

6. Bạn cần tự rèn cách nín thở trong bất cứ tình huống dự báo có nguy cơ lây nhiễm (ho, hắt hơi…) hay gặp người lạ bất ngờ

Do khẩu trang thông dụng không thể ngăn chặn tất cả không khí môi trường bên ngoài lọt vào bên trong, bạn vừa mang khẩu trang nhưng phải rèn thêm khả năng nín thở trong một thời gian ngắn, có như vậy mới hạn chế được các nguy cơ lây nhiễm phát sinh bất ngờ.

Ví dụ, bạn đang nói chuyện với một người khác, mặc dù có mang khẩu trang, nhưng người đối diện bạn ho và hắt hơi mạnh bất ngờ, chắc chắn các hạt nước bọt sẽ lan mạnh và dày đặc quanh khu vực nói chuyện. Những lúc như vậy, chỉ có tự nín thở trong một thời gian ngắn là cách tối ưu và là phản ứng nhanh nhạy nhất để tránh hít phải các hạt nước bọt có nguy cơ lây nhiễm.

Ví dụ, khi bạn đi ra đường, hay trong siêu thị, nhà hàng, công sở… không thể tránh khỏi người khác đi ngược và gần lại bạn, hay xuất hiện bất ngờ gần bạn. Rõ ràng, với các tình huống vừa nêu, bạn không thể giữ kịp khoảng cách theo khuyến cáo, mặc dù bạn đang mang khẩu trang, vậy cách tốt nhất là bạn nín thở và di chuyển nhanh ra xa và giữ khoảng cách an toàn.

Để nín thở lâu thì khó thật, nhưng nín thở trong 5-10 giây trở lại hầu như ai cũng làm được. Sau một thời gian tự rèn, nín thở khi có một người lạ xuất hiện gần hoặc những tình huống bất ngờ, và chỉ nín thở trong vài giây là không khó và dần hình thành một phản xạ có điều kiện cho riêng bạn hết sức tự nhiên.

7. Bạn cần nhanh chóng nắm bắt cách làm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 khi cần thiết

Khi bạn đã chấp nhận sống chung, bạn không nên chủ quan về việc phơi nhiễm virus SARS-CoV-2. Cảnh giác bằng cách, bạn hãy tự học theo hướng dẫn và sử dụng test nhanh tìm kháng nguyên virus SARS-CoV-2 khi bạn thấy nghi ngờ hoặc được cảnh báo.

Tốt nhất, bạn sử dụng các test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế phê duyệt. Nếu có kết quả dương tính, bạn tự cách ly không tiếp xúc với mọi người và trao đổi ngay với cơ quan chức năng để xử trí kịp thời.

8. Bạn cần luôn có ý thức tăng cường sức đề kháng cơ thể, vệ sinh nhà cửa thông thoáng để sống chung lâu dài với dịch

Có quá nhiều cách để nâng cao sức đề kháng của bạn, bạn có thể đọc nắm và thực hiện qua các tài liệu chính thống. Bao gồm ăn uống lành mạnh, tập thể dục 30 phút mỗi ngày như đi bộ, đạp xe, bơi lội… hạn chế rượu bia, điều chỉnh cân nặng, ngủ đủ giấc, quản lý tốt căng thẳng, sử dụng các bài thuốc dân gian đông y đã được cơ quan y tế phê duyệt trong việc giúp thải độc và tăng sức đề kháng cơ thể.

Những vật dụng để lại xung quanh bạn, bạn phải tổ chức và sắp xếp một cách gọn gàng và khoa học. Hút bụi, làm sạch bụi bẩn bề mặt nhà cửa sẽ cho một cái nhìn tinh tươm và đầy năng lượng. Loại bỏ bụi bẩn và đồ đạc không còn dùng khỏi nhà bạn cũng sẽ giúp loại bỏ "rác bẩn" khỏi tâm trí của bạn và làm cho bạn nhận được một năng lượng tích cực. Bạn hãy lên lịch vệ sinh thông thoáng nhà cửa như là một công việc thường quy, đây là giải pháp quan trọng giúp loại trừ nơi ẩn náu của virus.

Vaccine ý thức giúp bạn sống an toàn giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Tập luyện tăng cường sức khỏe và khả năng đề kháng của cơ thể là cách phòng bệnh chủ động, hữu hiệu

Làm chủ thông tin là chìa khóa chính giúp bạn đề ra cho mình giải pháp phù hợp nhất trong sống chung với dịch. Biết những vùng nguy cơ xanh, vàng, cam đỏ chính tại các vùng trên địa bàn bạn đang cư trú, các vùng trong nước và ngoài nước là vô cùng quan trọng. Những thông tin đầy đủ sẽ giúp bạn định hướng được các hoạt động sinh hoạt và làm việc hàng ngày của chính bạn.

Ví dụ, biết những vùng đang có dịch COVID-19 bùng phát, bạn sẽ tránh đến để bảo đảm an toàn. Bạn muốn đến du lịch ở một nước, rõ ràng những thông tin dịch tễ COVID-19 ở nơi muốn đến giúp bạn chuẩn bị các tiêu chí để chấp nhận nhập cảnh, để có thể đi lại ở vùng nào trong nước đến du lịch, nhằm đảm bảo an toàn cho bạn và những người đi theo.

10. Bạn cần tích cực chữa và kiểm soát các bệnh nền và học cách tự chữa theo các tài liệu chính thống, nếu không may bạn là F0 hay F1

Khi tuổi ngày một cao, bạn khó tránh khỏi mắc các bệnh nền như bệnh tim mạch, đái tháo đường, béo phì, bệnh thận… Nhưng thật không may, đây là những yếu tố nguy cơ cao đối với bệnh COVID-19 . Để sống chung với dịch một cách có kiểm soát, đồng nghĩa bạn phải tích cực chữa và quản lý tốt các bệnh nền đang sẵn có trong cơ thể.

Nếu không may bạn trở thành F0 hay F1, bạn hết sức bình tĩnh, không hoảng sợ, các cơ quan y tế sẽ hướng dẫn cho bạn cách cách ly tập trung hay tại nhà và xử trí theo quy định. Để tự tin và phối hợp hiệu quả, bạn cần tự đọc, tìm hiểu và nắm chắc các hướng dẫn tự chăm sóc tại nơi tập trung hay tại nhà. Tất cả cũng vì mục đích cuối cùng, bạn sống chung an toàn với dịch COVID-19.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

covid

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại