MANPADS Piorun GROM-M là hệ thống tên lủa do Ba Lan sản xuất. Nguồn: militaryleak.com
Hệ thống tên lửa phòng không di động vác vai (MANPADS) Piorun GROM-M
Đáp lại các động thái gần đây của Nga, ngày 1/12/2021, Tổng thư ký NATO tuyên bố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các thành viên sẵn sàng tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine trước mọi hình thức gây hấn.
Ukraine không phải là thành viên của NATO, nhưng nước này tham gia Hội đồng Hợp tác NATO với tư cách là một quốc gia đối tác vào năm 1991 và chương trình Đối tác vì Hòa bình vào năm 1994. Tháng 6/2020, Ukraine được nâng cao quy chế Đối tác Cơ hội với NATO.
Quy chế này cho phép Ukraine tiếp cận ưu tiên các cuộc tập trận của NATO, đào tạo và trao đổi thông tin cũng như nhận thức tình huống, nhằm tăng khả năng tương tác. Ngày 1/2/2022, Ba Lan tuyên bố sẽ viện trợ về nhân đạo và quân sự cho Ukraine, trong đó bao gồm hệ thống tên lửa phòng không di động vác vai (MANPADS) Piorun GROM-M.
Piorun (Piorun nghĩa là "tiếng sét"; trong tiếng Ba Lan, tên đầy đủ của loại vũ khí này là Przenośny Przeciwlotniczy Zestaw Rakietowy Piorun - PPZR Piorun). Piorun có thiết kế dựa trên 9K38 Igla (SA-18 Grail) do Liên Xô sản xuất dùng để tiêu diệt máy bay bay thấp, trực thăng và các phương tiện bay không người lái. Hệ thống Piorun bao gồm cả bộ phận phóng và tên lửa có tổng trọng lượng 16,5 kg.
Giai đoạn phát triển ban đầu được cho là kết thúc trước cuối năm 2014, nhưng thời hạn sau đó đã được lùi sang tháng 9/2015. Piorun được giới thiệu lần đầu tiên trước công chúng tại Triển lãm Quốc phòng MSPO vào tháng 9/2015 với tên gọi GROM-M. Piorun có các đặc điểm hoàn toàn mới đáp ứng yêu cầu chiến tranh trong tương lai, bao gồm các hệ thống gây nhiễu và tấn công đường không.
Nó sử dụng một tên lửa tầm ngắn một tầng mới gắn một đầu đạn mới có thể bắn trúng mục tiêu bay ở khoảng cách từ 400m đến 6 km và từ độ cao tối thiểu 10m đến tối đa 4 km. Một ngòi nổ gần được sử dụng cho tên lửa, cho phép tiêu diệt hiệu quả hơn các mục tiêu trên không kích thước nhỏ, chẳng hạn như UAV. Tên lửa Piorun có xác suất bắn trúng 10% khi bị gây nhiễu.
Liệu Piorun GROM-M có thể “lấp lỗ hổng” trong hệ thống phòng không Ukraine?
Piorun được thiết kế để một người lính vận hành, bao gồm một tên lửa một tầng, một bệ phóng hình ống sử dụng một lần, một nguồn cung cấp năng lượng trên mặt đất và một cơ cấu khai hỏa. Piorun được trang bị một bàn phím nhỏ ở bên phải của mô-đun khai hỏa có thể được sử dụng để chọn các loại mục tiêu, môi trường và chế độ làm việc. Ngoài ra còn có một kính ngắm quang học dùng cho cả ban ngày và ban đêm gắn trên ống phóng.
Đáng nói, các tên lửa GROM của Ba Lan và Stinger do các nước Baltic viện trợ không lấp đầy được lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống phòng không tầm trung đến tầm cao hiện đại của Ukraine. Vấn đề nan giải là loại hệ thống tiên tiến mà Ukraine rất cần lại không thể được chuyển giao và tích hợp kịp thời.
Giống như các MANPADS khác, Piorun không thể phát huy khả năng trước các máy bay chiến đấu phản lực và máy bay không người lái bay cao sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác hoặc thả bom không điều khiển.
Tuy nhiên, nó gây ra mối đe dọa chết người đối với trực thăng tấn công bay thấp hoặc trực thăng vận tải chở quân, cũng như các máy bay chiến đấu có nguy cơ lao xuống tấn công các mục tiêu mặt đất bằng hỏa lực đại bác, bom và rocket không điều khiển.
Đặc biệt, chúng có thể gây tổn thất cho các máy bay không người lái giám sát chiến thuật nhỏ hơn có thể được Nga sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo binh có tính sát thương cao.
Ở Syria, sự hiện diện của MANPADS đã buộc không quân Nga phải bay cao hơn, làm giảm độ chính xác và hiệu quả của vũ khí, đặc biệt là khi không kích các mục tiêu đang di chuyển.
Không những vậy, MANPADS có thể xâm nhập gần các căn cứ không quân của đối phương gây ra mối đe dọa đối với máy bay cất và hạ cánh, đặc biệt là máy bay vận tải. Chúng có thể được sử dụng như một phương tiện phòng thủ căn cứ cuối cùng trong sứ mệnh chống lại tên lửa hành trình./.