Mọc đầy lông vì thần dược chữa ho
Trường hợp của bé Nguyễn T. D (5 tuổi – Sông Mã, Sơn La) nhập viện Nội tiết Trung ương trong tình trạng béo phì, mặt nặng, mọc lông và rậm lông vùng mặt và mép.
Theo gia đình cháu bé cách đây 4 tháng, trẻ xuất hiện ho và sốt. Sau đó, bé được đưa đến khám và điều trị tại Bệnh viện huyện, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm tiểu phế quản đã điều trị nhưng chưa khỏi hoàn toàn. Lúc này, người nhà tự ý đưa trẻ tới phòng khám tư tại địa phương và được nhân viên y tế tại đây cho tiêm corticoid 4 ngày liên tục mỗi ngày 2 mũi không rõ liều lượng.
Sau khi tiêm trẻ đỡ ho nhanh, tuy nhiên sau khoảng một tháng trẻ bắt đầu có dấu hiệu nặng mặt, ăn khỏe hơn bình thường (4 bát cơm/bữa), tăng 3-4kg, tóc mọc thấp, xuất hiện ria mép.
PGS TS Nguyễn Tiến Dũng Nguyên trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ông gặp nhiều bệnh nhi là nạn nhân của các cách tẩm bổ do cha mẹ quyết định.
PGS TS Nguyễn Tiến Dũng
Trường hợp của bé Nguyễn Gia Phúc trú tại thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội là điển hình. Chị Hương, mẹ của Phúc cho biết từ khi 18 tháng tuổi cháu lười ăn, không tăng cân. Đến lúc 2 tuổi là con trai nhưng Phúc chỉ nặng 11kg. Mẹ cháu sốt ruột quá tìm đủ mọi cách để con tăng cân.
Ai mách thuốc nào giúp con hay ăn, bổ sung kích thích ăn là chị Hương mua bằng được. Chị nhẩm tính, các thực phẩm kích thích ăn cho trẻ ở các nhà thuốc, cửa hàng xách tay chị mua đủ cả nhưng không có tác dụng.
Sau đó, chị được người quen mách mua thuốc nam về cho uống với mật ong. Chỉ 4 tháng sau bé ăn khoẻ, mặt mũi to hơn nên chị càng tin tưởng dùng thuốc.
Đến lúc gần 3 tuổi, chị thấy quanh mép và vùng tay, chân của bé đều mọc râu như người lớn. Vợ chồng chị tưởng con bị dậy thì sớm. Họ đưa cháu xuống khám tại Bệnh viện Nhi bác sĩ cho biết cháu bị tác dụng phụ của corticoid phải điều trị.
Thạc sĩ Nguyễn Huy Cường – Nguyên bác sĩ tại khoa Nội tiết đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, ông gặp nhiều bệnh nhân có biểu hiện suy tuyến thượng thận vì các sản phầm có chứa corticoid, đặc biệt ngay cả bệnh nhân bị tiểu đường cũng được kê loại thuốc có chứa hoạt chất này.
Corticoid phải được sử dụng rất chặt chẽ nhưng hiện nay tình trạng mua bán thuốc còn tran lan, cộng thêm nhiều bác sĩ kê đơn thuốc mà không "có tâm" họ vẫn kê các loại thuốc này có nhiều người vì tác dụng kháng viêm rất nhanh của nó nhưng để lại nhiều hệ luỵ cho người bệnh.
Một trong những tác dụng phụ của corticoid đường uống là có thể gây tăng đường máu và tăng đề kháng insulin, có thể dẫn đến tiểu đường type 2. Ngoài ra, corticoid còn gây mụn trứng cá, thay đổi tính cách đột ngột, tăng sự thèm ăn.
Cảnh giác với hội chứng suy tuyến thượng thận
Hình ảnh hội chứng cushing
Trường hợp của bé D. được các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương và được chẩn đoán suy thượng thận do sử dụng corticoid.
Sau khi nhập viện, trẻ được khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả cho thấy Cortisol huyết thanh của trẻ giảm dưới 27.6 (ngưỡng bình thường 69-610), tuyến thượng thận không hoạt động.
ThS.BS Đỗ Gia Nam – Phó trưởng khoa Nội tiết Người lớn cho biết, sau khi nhập viện trẻ được chẩn đoán Hội chứng Giả cushing - suy tuyến thượng thận nặng do lạm dụng thuốc Cortisol điều trị.
Để xử trí kịp thời trước tình trạng nguy hiểm của trẻ, ê kip tiếp nhận đã tích cực điều trị bằng nghiệm pháp kích thích trục tuyến yên – thượng thận bằng hormone synacthen 0.25mg x 1 ống.
Kết quả sau tiêm 30 phút, 60 phút, 120 phút chức năng tuyến thượng thận đã hồi phục. Sau 48 tiếng chức năng tuyến thượng thận của trẻ đã hồi phục và sau một tuần chức năng tuyến thượng thận bình thường.
Sau quá trình sử dụng corticoid trẻ bỗng dưng xuất hiện nhiều lông rậm, cơ thể béo phì, nặng mặt, bác sĩ Gia Nam cho rằng đó là triệu chứng lâm sàng của hội chứng Cushing - suy tuyến thượng thận thường gặp đối với người bệnh sử dụng corticoid quá liều và không đúng chỉ định.
Cũng theo bác sĩ Gia Nam, các thuốc corticoid nếu được dùng đúng chỉ định, đúng liều lượng và thời gian có thể góp phần cứu sống người bệnh với rất nhiều loại bệnh lý nguy hiểm như cơn hen phế quản ác tính, sốc phản vệ, lupus ban đỏ hệ thống, thấp tim, suy tuyến thượng thận, Viêm khớp dạng thấp, xơ cứng rải rác…
Tuy nhiên, nếu dùng với liều lượng cao, kéo dài không có những biện pháp hỗ trợ điều trị để giảm bớt các độc tính của thuốc, corticoid có thể gây ra rất nhiều các tai biến nguy hiểm cho người bệnh.
Bác sĩ Nam cho biết, thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp sử dụng các loại thuốc khác nhau nhưng có thành phần corticoid tại phòng khám tư nhân, đông y gia truyền không đúng liều, không đúng chỉ định trong thời gian dài để chữa các bệnh xương khớp, gout, hen phế quản, bệnh hệ thống….
Thuốc chứa corticoid còn gây suy tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, xẹp đốt sống, gù vẹo cột sống, tăng đường máu, tăng huyết áp, teo cơ, rối loạn tâm thần, trầm cảm, đục thủy tinh thể, suy giảm chức năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ hội …
Đặc biệt, khi việc lạm dụng corticoid lại xảy ra ở trẻ em sẽ làm chậm quá trình phát triển trí tuệ và tinh thần của trẻ.
Xem thêm:
5 dấu hiệu thận đang quá tải