Uống một lon nước ngọt mỗi ngày, cơ thể bị hủy hoại thế nào?

Thanh Loan |

Nếu chỉ uống một lon nước ngọt 300 ml thì đã đủ nhu cầu lượng đường đơn trong cả ngày. Lạm dụng nước ngọt là nguyên nhân mắc nhiều bệnh lý: tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... và làm suy giảm chức năng tinh hoàn đối với nam giới.

Dưới đây là những phân tích khi về việc lạm dụng nước ngọt của TS. BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám và Tư vấn Dinh dưỡng Người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Trong nước ngọt chứa gì?

Trong nước ngọt không có chất xơ, không có vitamin, chất khoáng hay dinh dưỡng. Nước ngọt chứa rất nhiều đường và các năng lượng không cần thiết. Vì vậy, nước ngọt là thức uống không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nước ngọt lại là loại nước uống được nhiều người ưa thích.

Trong 1 chai nước ngọt có gas chứa một lượng đường lớn, tương đương tới 22 gói đường dùng để pha cà phê. Với khối lượng đường đó bạn có thể sử dụng trong 22 cốc cà phê và tiêu thụ trong ít nhất 10 ngày.

Khi lượng đường quá lớn đi vào cơ thể khiến hàm lượng insulin trong cơ thể "tăng vọt" để kịp thời phản ứng với lượng đường lớn này. Đồng thời gan cũng nhanh chóng biến đường thành chất béo. Đây là lý do khi thường xuyên uống uống nước ngọt có gas sẽ khiến bạn bị tăng cân, béo phì.

Đường tiếp tục được chuyển hóa thành chất béo, đi sâu vào máu. Lúc này đồng tử của bạn sẽ giãn ra do tác dụng của chất kích thích caffeine trong nước ngọt có ga. Khi lượng caffeine chạy lên não bộ sẽ ức chế toàn bộ hệ thần kinh trung ương khiến bạn có cảm giác tỉnh táo và không buồn ngủ.

Uống một lon nước ngọt mỗi ngày, cơ thể bị hủy hoại thế nào? - Ảnh 1.

Nếu chỉ uống 300 ml thì gần như đã đủ nhu cầu lượng đường đơn trong cả ngày.

Những điều xảy ra với cơ thể sau khi uống nước ngọt có gas

Các nhà khoa học đã đưa ra nghiên cứu về sự biến đổi trong cơ thể người trong 1 giờ đồng hồ sau khi bạn uống 1 chai nước ngọt có gas.

- Sau 10 phút: Một lượng đường tương đương khoảng 10 thìa cà phê sẽ được đưa vào cơ thể bạn, tức là 100% đường bạn cần trong ngày. Dù lượng đường đưa vào khá lớn nhưng bạn không bị nôn mửa do axit photphoric trong lon nước đã kìm hãm vị giác.

- Sau 20 phút: Lượng đường trong máu tăng vọt. Insulin (một loại hoóc môn giúp đường di chuyển từ máu vào tế bào) cũng được giải phóng. Gan nhanh chóng tiếp nhận và chuyển hóa đường thành chất béo.

- Sau 40 phút: Đồng tử của bạn sẽ giãn ra, huyết áp tăng lên đồng thời gan sẽ phản ứng lại bằng cách tăng lượng đường trong hệ tuần hoàn.

- Sau 60 phút: Trải qua những biến đổi trong máu, hệ thần kinh và não bộ thì caffeine bắt đầu phát huy tác dụng lợi tiểu. Tuy nhiên, trong quá trình bài tiết, lượng canxi, magie và kẽm sẽ bị đào thải ra ngoài cũng với natri, nước và chất điện giải. Cơ thể bắt đầu mệt mỏi, uể oải và bạn rất dễ cáu gắt.

Uống một lon nước ngọt mỗi ngày, cơ thể bị hủy hoại thế nào? - Ảnh 2.

Trong 1 chai nước ngọt có gas chứa một lượng đường lớn, tương đương tới 22 gói đường dùng để pha cà phê.

Uống một lon nước ngọt 300 ml là vượt ngưỡng đường cho phép nạp vào 1 ngày

Đối với người trưởng thành không có các bệnh rối loạn chuyển hóa đường hay thừa cân béo phì, lượng đường đơn tối đa nạp vào chỉ được phép chiếm 10% trong tổng số năng lượng của một ngày. Đối với người đái tháo đường, thừa cân, béo phì, lượng đường đơn chỉ nạp vào không quá 5% tổng năng lượng một ngày.

Người trưởng thành 1 ngày cần khoảng 2000 kcal. Lượng đường đơn theo quy định chỉ được chiếm dưới 10% tương đương với khoảng 200 kcal. Trong khi đó, một lon nước ngọt 300 ml chiếm khoảng 140 tới 150 kcal. Vì vậy, nếu chỉ uống một lon nước ngọt 300 ml thì gần như đã đủ nhu cầu lượng đường đơn trong cả ngày.

Đáng chú ý, một ngày, chúng ta còn nạp vào cơ thể một lượng đường lớn từ nhiều loại thực phẩm khác. Vì vậy, một lon nước ngọt được uống vào sẽ khiến lượng đường vượt quá ngưỡng cho phép.

Để kiểm soát được lượng đường, chúng ta cần lưu ý về lượng đường nạp vào bằng cách đọc các nhãn sản phẩm nước ngọt.

Tuy nhiên, trên nhiều lon nước ngọt vẫn ghi: "có thể sử dụng 2 tới 3 lon/ 1 ngày". Nếu sử dụng như khuyến nghị này, lượng đường sẽ vượt quá nhu cầu khuyến nghị WHO cho phép.

Với cuộc sống hiện đại, chúng ta nên sử dụng hợp lý các loại thực phẩm chứa đường để không ảnh hưởng tới sức khỏe. Và khi không bị mắc các bệnh như đái tháo đường, thừa cân béo phì, chúng ta có thể được tận hưởng được nhiều thực phẩm và đồ uống đa dạng khác.

Uống một lon nước ngọt mỗi ngày, cơ thể bị hủy hoại thế nào? - Ảnh 3.

Nước ngọt ở đây bao gồm các loại nước giải khát có đường như: Nước trái cây, nước tăng lực, trà sữa...

Lạm dụng nước ngọt là nguyên nhân gây nhiều bệnh lý

Vấn đề béo phì do lạm dụng nước ngọt xảy ra ở tất cả các lứa tuổi. Uống nước ngọt nhiều làm tăng nguy cơ mắc cũng như kém kiểm soát bệnh ở những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, các bệnh gan, ung thư, bệnh gút, bệnh loãng xương ở người cao tuổi.

Nước ngọt chứa rất nhiều phốt pho. Việc uống nhiều nước ngọt sẽ khiến cho hệ xương ở người trưởng thành hấp thụ nhiều phố pho hơn lượng can xi sẽ khiến cho mật độ cũng như sự chắc khỏe của xương không được tốt.

Theo các nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, nếu mỗi một người mỗi ngày uống 2 lon nước ngọt/ ngày thường xuyên và đều đặn thì sẽ tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên 30%.

Uống một lon nước ngọt mỗi ngày, cơ thể bị hủy hoại thế nào? - Ảnh 4.

Nếu mỗi một người mỗi ngày uống 2 lon nước ngọt/ ngày thường xuyên và đều đặn thì sẽ tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên 30%.

Khi uống nước ngọt sẽ làm tăng môi trường axit trong miệng sẽ tạo điều kiện rất tốt để vi khuẩn phát triển gây sâu răng. Mặt khác, đường trong nước ngọt lại là nguồn thức ăn vô hạn cho vi khuẩn phát triển.

Riêng đối với trẻ nhỏ, uống nhiều nước ngọt làm giảm khả năng hấp thụ canxi , ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao ở trẻ. Bên cạnh đó, việc uống nước ngọt khiến cho người trẻ mắc các chứng bệnh tim mạch, đái tháo đường sớm hơn so với người trẻ có lối sống lành mạnh.

Các nhà khoa học Đan Mạch cũng tìm ra những dấu hiệu cho thấy, nước ngọt khiến chúng ta đối mặt với nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường. Nếu uống soda mỗi ngày liên tục trong 6 tháng sẽ dẫn đến sự tích tụ mỡ thừa xung quanh gan và cơ xương. Điều này còn có thể dẫn đến nguy cơ kháng insulin trong cơ thể và dẫn tới nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn bình thường.

Các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện chất gây ung thư viết tắt là 4-MIE có trong một số loại nước ngọt có gas. Chất 4-MIE nằm trong caramel làm màu cho nước giải khát. Thử nghiệm của các nhà khoa học cho thấy, hóa chất này có thể gây ra ung thư phổi, gan, tuyến giáp và bệnh bạch cầu ở chuột.

Uống một lon nước ngọt mỗi ngày, cơ thể bị hủy hoại thế nào? - Ảnh 5.

Nam giới uống các loại nước ngọt có thể bị suy giảm chức năng tinh hoàn.

Uống nước ngọt nhiều làm suy giảm chức năng tinh hoàn

Ngày 29/9/2021, các nhà khoa học Mỹ vừa công bố trên Human Reproduction thông tin: Nam giới uống các loại nước ngọt có thể bị suy giảm chức năng tinh hoàn, thể hiện qua giảm số lượng tinh trùng và giảm nội tiết.

Nước ngọt ở đây bao gồm các loại nước giải khát có đường như: Nước trái cây, nước tăng lực, trà sữa... Một lon nước ngọt bình thường chứa 330ml nước ngọt, lon nhỏ chứa 250ml.

Nghiên cứu này thực hiện đối với gần 3.000 nam thanh niên ở Mỹ. Các nhà khoa học cho biết, thanh niên uống từ 220ml nước ngọt mỗi ngày có số lượng tinh trùng giảm đi trung bình 28 triệu con so với thanh niên không uống nước ngọt đồng thời nội tiết tinh hoàn cũng giảm đáng kể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại