“Suy dinh dưỡng là vấn đề phổ biến của bệnh nhân ung thư không chỉ tại thời điểm nhập viện mà còn là gánh nặng trong suốt thời gian điều trị”. Thông tin trên được bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Kim Ngân, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM, trình bày tại Hội nghị dinh dưỡng TP.HCM mở rộng lần thứ 7 được tổ chức vào ngày 28-7.
Nhiều biến chứng do suy dinh dưỡng
Hậu quả của việc hút thuốc liên tục hơn 30 năm đã khiến ông TVM (52 tuổi, ở tỉnh Long An) ho dai dẳng suốt ngày. Chưa hết, ông M. còn luôn đau ngực, đau xương và có nốt sưng ở cổ. Sau khi khám BS, ông M. tá hỏa khi biết bị ung thư phổi và phải vào BV Ung bướu TP.HCM điều trị.
Do khối u đã di căn nhiều nên ông M. phải xạ trị ba đợt. Trong quá trình xạ trị, BS khuyên ông M. nên cố gắng ăn nhiều để lấy lại sức. Tuy nhiên, do luôn rơi vào tình trạng mỏi mệt, lại thường đau họng nên ông M. ăn uống rất ít.
Hậu quả của việc thiếu chất dinh dưỡng đã khiến ông M. sụt ký thấy rõ và thời gian điều trị lâu hơn. Điều này khiến căn bệnh ung thư phổi đã gây ra một số biến chứng cho ông M. như khó thở, ho ra máu, kể cả tràn dịch màng phổi.
Cách đây hai năm, bà NTTH (48 tuổi, ở TP.HCM) bị sụt ký bất thường và đau bụng dai dẳng. Chưa hết, bà H. còn rơi vào tình trạng buồn nôn và đầy hơi… nên bà đến BV khám. Bà H. xanh mặt khi BS bảo bị ung thư dạ dày.
Sau khi nhập viện, bà H. được các BS cắt bỏ một đoạn dạ dày. Tiếp theo, bà H. được xạ trị để diệt các tế bào ung thư sót lại. Trong quá trình xạ trị, bà H. luôn buồn nôn và tiêu chảy. Chưa hết, vùng da xạ trị luôn đỏ và ngứa nên bà H. thường xuyên khó chịu. Những nguyên nhân trên khiến bà H. ăn uống rất ít, sức khỏe suy sụp nên đã kéo dài thời gian điều trị .
Suy dinh dưỡng tăng sau khi điều trị
Trong năm 2017, nhóm khảo sát của BV Ung bướu TP.HCM gồm BS Nguyễn Thị Kim Ngân, BS Trần Thị Anh Tường và cộng sự đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu tình trạng dinh dưỡng ở bệnh nhân ung thư và một số yếu tố liên quan tại BV Ung bướu TP.HCM”.
Nghiên cứu đã thực hiện trên 480 bệnh nhân ung thư vú, vòm hầu, thanh quản, phổi, dạ dày… “Kết quả nghiên cứu cho thấy gần 35% bị suy dinh dưỡng ngay tại thời điểm nhập viện. Tuy nhiên, sau khi điều trị, con số này tăng lên gần 38%” - BS Ngân trình bày.
Theo BS Ngân, mức năng lượng bệnh nhân ung thư cần đạt được mỗi ngày là 1.675 kcal. Tuy nhiên, chỉ gần 6% bệnh nhân ăn đủ hơn nhu cầu. Số bệnh nhân còn lại ăn không đủ nhu cầu. Thậm chí có bệnh nhân thu nạp năng lượng mỗi ngày ít hơn 500 kcal.
“Những nguyên nhân khiến bệnh nhân ung thư ăn kém bao gồm đau (36%); chán ăn (33%); nôn (30%); mất ngủ, kiêng ăn, mệt (34%)” - BS Ngân cho biết.
BS Ngân cho biết thêm nghiên cứu còn cho thấy 80% bệnh nhân ung thư sống ở tỉnh. Bên cạnh đó, gần 50% bệnh nhân có thu nhập và trình độ học vấn thấp. Những nguyên nhân nói trên khiến cho sự quan tâm đúng mức đến dinh dưỡng của bệnh nhân còn nhiều hạn chế.
BS Ngân còn cho rằng theo hướng dẫn của Hiệp hội Dinh dưỡng thế giới, khi bệnh nhân ung thư có nguy cơ suy dinh dưỡng, ăn kém thì cần được tư vấn bổ sung dinh dưỡng qua đường miệng (tức phải ăn). Chưa hết, khi bệnh nhân ăn không đủ 50% nhu cầu trong một tuần thì cần được tư vấn nuôi ăn qua ống thông. Trường hợp bệnh nhân không dung nạp được qua đường tiêu hóa thì phải được nuôi tĩnh mạch.
“Thế nhưng trong nghiên cứu chỉ có 12,6% bệnh nhân đã suy dinh dưỡng được khám và tư vấn suy dinh dưỡng; 19% bệnh nhân được nuôi ăn qua sonde (ống thông - PV); 9% bệnh nhân dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch” - BS Ngân nói.
Có một điều cũng đáng quan tâm: Suy dinh dưỡng làm cho 6,5% bệnh nhân phải trì hoãn; 6% phải ngừng điều trị; 3,7% có bệnh lý nhiễm trùng nặng kèm theo như viêm phổi, nhiễm trùng huyết…
BS Nguyễn Thị Kim Ngân, khoa Dinh dưỡng BV Ung bướu TP.HCM