Ung thư phổi nếu được phát hiện sớm có thể được chữa khỏi.
Tại Việt Nam, năm 2020, tỷ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 với 26.262 ca mới, chiếm 14,4%. Ngoài ra, có 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này.
Theo các chuyên gia, ung thư phổi là một trong những bệnh lý ác tính có số lượng người mắc và tỷ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp ở hai giới.
PGS.TS Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K cho biết, biểu hiện của ung thư phổi thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu. Điều đó dễ khiến người bệnh chủ quan nghĩ rằng, đó là các bệnh hô hấp.
“Các biểu hiện điển hình mà người bệnh cần lưu ý đi khám là: Ho khan dai dẳng, sụt cân, đau ngực; ho ra máu... Đặc biệt là với những người nguy cơ cao như có thói quen hút thuốc lâu năm, tiếp xúc với khói thuốc lá trong một thời gian dài, sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích... thì ngay khi có những biểu hiện ban đầu, cần phải lưu ý tới khám để phát hiện và điều trị kịp thời”, PGS.TS Phạm Gia Bình cho hay.
Một trường hợp điển hình là bệnh nhân B.V.V (62 tuổi, ở Hà Nội). Bệnh nhân tới thăm khám do đột nhiên thấy đau tức ngực, ho húng hắng, cảm giác đau tăng khi ho, thi thoảng khạc đờm trắng trong khoảng 1 tuần.
Quá trình thăm khám, ông V. cho biết có thói quen hút thuốc lá 20 năm qua, trung bình 2 bao/ngày. Tại viện, bệnh nhân được chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết và chụp CT lồng ngực, siêu âm tuyến giáp, siêu âm ổ bụng.
Hình ảnh chụp CT phát hiện nốt ở thùy trên phổi trái với kích thước 12 x 13mm, bờ tua gai, co kéo nhẹ nhu mô phổi lân cận, đặc biệt ngấm thuốc cản quang mạnh sau khi tiêm. Bác sĩ thăm dò chức năng còn phát hiện bệnh nhân có nhiều hạch lớn xung quanh trung thất và khối bất thường ở thượng thận trái với kích thước 3,7 x 4,3cm.
Nhận thấy có dấu hiệu tổn thương nghi ngờ ác tính, bác sĩ nhanh chóng chỉ định sinh thiết xuyên thành ngực khối ở phổi và khối thượng thận, kèm thêm các xét nghiệm dấu ấn ung thư. Không nằm ngoài tiên lượng của các bác sĩ, kết quả chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc ung thư phổi giai đoạn IV đã di căn tuyến thượng thận và hạch trung thất.
Thực tế, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Tại Việt Nam, 90% bệnh nhân ung thư phổi có tiền sử hút thuốc lá.
Nhiều nghiên cứu y khoa chỉ ra rằng, nguy cơ ung thư phổi ở những người hút thuốc cao hơn gấp 10 lần so với những người không hút thuốc. Thời gian hút thuốc càng nhiều với tần suất càng lớn, nguy cơ mắc bệnh càng cao.
Trên thực tế, ung thư phổi nếu được phát hiện sớm có thể được chữa khỏi. Tuy nhiên, nếu nhận biết muộn (ở giai đoạn III, IV), tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ khoảng 5%.
Ở Việt Nam, đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao vì thường được phát hiện muộn. Bệnh diễn tiến âm thầm, lặng lẽ. Vì vậy, chủ động tầm soát phát hiện bệnh sớm là yếu tố tiên quyết để có thể chiến thắng trong cuộc chiến chống ung thư.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân đều nên chủ động tầm soát ung thư phổi định kỳ hằng năm ngay từ khi chưa xuất hiện triệu chứng, đặc biệt là với các nhóm như: Người trong độ tuổi từ 50 - 80 tuổi, đang hút thuốc lá hoặc bỏ thuốc lá trong vòng 15 năm trở lại; Người thường xuyên hít phải khói thuốc; Người có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi hoặc có tiền sử phơi nhiễm khí Radon (một loại khí phóng xạ xuất hiện tự nhiên có thể tìm thấy trong môi trường, nhà ở, trường học, nơi làm việc).