Nội dung chính
- Nhiều bệnh nhân ung thư từ chối điều trị để về nhà uống nước hoa đu đủ đực.
- Thực hư chuyện hoa đu đủ đực "diệt" ung thư.
Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K (Hà Nội), đã gặp không ít trường hợp có cơ hội điều trị tiên lượng tốt nhưng từ chối điều trị, cuối cùng phải hối hận.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân nam 65 tuổi tại Thanh Hóa. Cách đây ba tháng, bệnh nhân phát hiện ung thư, có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ và nối đại tràng. Bệnh nhân không đồng ý điều trị vì sợ đụng dao kéo, sau đó xin ra viện.
Bác sĩ Nam giải thích bệnh nhân phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm nên sau phẫu thuật, chỉ cần bổ sung hóa – xạ trị là có cơ hội khỏi bệnh trên 90%. "Người nhà bệnh nhân cũng khuyên bệnh nhân ở lại mổ. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn đùng đùng đòi về trước sự bất lực của mọi người", bác sĩ Nam nói.
Khi về nhà, bệnh nhân được mọi người mách uống nước xạ đen và hoa đu đủ đực để "chữa ung thư". Sau ba tháng uống theo lời mách, bệnh nhân quay lại viện trong tình trạng suy kiệt nặng, gầy rộc.
Bác sĩ Nam rất tiếc cho bệnh nhân vì không còn cơ hội điều trị, khối u to sắp vỡ, di căn phúc mạc, đại tràng nhiều hạch. Bệnh nhân phải mổ cấp cứu để ngăn chặn khối u vỡ nhưng sau đó, bác sĩ không thể làm gì thêm.
Một trường hợp khác là bệnh nhân 57 tuổi tại Hải Dương được chẩn đoán mắc ung thư thực quản. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật mở thông dạ dày, ăn qua xông. Người đàn ông này khẳng định chỉ phẫu thuật cắt thực quản, không mở dạ dày vì bản thân vẫn ăn được cơm, cháo và xin ra viện.
Khi về nhà, bệnh nhân uống nước lá - hoa đu đủ đực và lá xạ đen. Khoảng hai tháng sau, bệnh nhân suy kiệt, không ăn, uống được do khối u bít tắc thực quản. Bác sĩ phải mở thông dạ dày để xông thức ăn và xạ trị thu nhỏ u. Tuy nhiên, việc điều trị chỉ mang tính chất tạm thời, cơ hội triệt tiêu bệnh rất khó.
Trường hợp khác là một bệnh nhân mắc ung thư gan cần phải điều trị thu nhỏ khối u, sau đó phẫu thuật. Bệnh nhân xin về nhà suy nghĩ thêm trước khi quyết định điều trị. Trong thời gian này, bệnh nhân đã mua hoa đu đủ khô về pha trà, uống lá xạ đen và rất nhiều loại khác mà gia đình không nhớ tên. Hai tháng sau, khi khối u lan ra toàn bộ gan, di căn lên phổi, bệnh nhân tới viện cấp cứu. Lúc này, bác sĩ chỉ lắc đầu vì không thể làm gì thêm cho bệnh nhân.
Hoa đu đủ có chữa được ung thư?
Bác sĩ Nam khẳng định hiện nay, chưa có tài liệu nào nghiên cứu về tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư của hoa đu đủ đực trên người. Cho tới nay, tác dụng chống ung thư của dịch chiết lá đu đủ, hoa đu đủ mới được ghi nhận trong ống nghiệm và trên chuột. Một số loại tế bào ung thư nhạy cảm với dịch chiết lá đu đủ, hoa đu đủ trong ống nghiệm là tế bào ung thư tiền liệt tuyến, gan, cổ tử cung, phổi, tụy, vú…
Ngoài ra, dịch tiết của lá hoa đu đủ đã được chứng minh là làm giảm tính di căn của ung thư như giảm sự kết dính, di chuyển và xâm lấn bằng cách giảm chất nền ngoại bào – chất hoạt động như chất hấp dẫn hóa trị để kết dính và di chuyển tế bào. Tuy nhiên, các nghiên cứu còn hạn chế và tác dụng mới được ghi nhận trên số ít tế bào ung thư nên cần phải nghiên cứu thêm.
Các chuyên gia ung bướu khuyến cáo người dân không nên tin vào những lời đồn thổi mà đánh mất cơ hội điều trị khỏi bệnh.