Rối loạn lo âu lan tỏa rất phổ biến, tỷ lệ người bị bệnh trong 1 năm là 3-8%. Tỷ lệ nữ và nam bị rối loạn lo âu lan tỏa là khoảng 2-1. Tỷ lệ rối loạn lo âu lan tỏa trong suốt cuộc đời là 5-8%.
Các triệu chứng lo âu bao gồm hai nhóm triệu chứng: Lo lắng quá mức; Các triệu chứng cơ thể như tăng trương lực cơ, mất khả năng thư giãn, mệt mỏi…
Các biểu hiện của rối loạn lo âu lan tỏa
Các đặc tính cơ bản của rối loạn lo âu lan tỏa là lo lắng quá mức kèm theo căng cơ hoặc bồn chồn. Những lo lắng của bệnh nhân là quá mức và gây trở ngại cho các mặt khác của cuộc sống. Trương lực cơ tăng được biểu hiện như run rẩy, bồn chồn.
Nhức đầu, mất khả năng thư giãn, khó tập trung chú ý, mất ngủ, dễ bị kích thích, mệt mỏi là các triệu chứng đặc trưng của rối loạn lo âu lan tỏa.
Bệnh nhân bị rối loạn lo âu lan tỏa thường tìm đến một bác sĩ đa khoa hoặc nội khoa để được giúp đỡ cho một triệu chứng cơ thể. Ngoài ra, bệnh nhân thường tìm đến một chuyên gia cho một triệu chứng đặc biệt của mình (ví dụ, tiêu chảy mạn tính).
Một bệnh thực tổn hiếm khi được tìm thấy. Bệnh nhân có phản ứng khác nhau sau khi được chẩn đoán là rối loạn lo âu lan tỏa.
Một số bệnh nhân chấp nhận chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa và hợp tác điều trị thích hợp; những người khác thì không chấp nhận chẩn đoán lo âu lan tỏa, họ tìm kiếm sự tư vấn y tế bổ sung khác.
Tập thư giãn giúp hỗ trợ điều trị bệnh rối loạn lo âu lan tỏa.
Các triệu chứng của lo âu lan tỏa là rất rõ ràng, diễn ra hàng ngày, kéo dài ít nhất 6 tháng và thường có xu hướng phát triển mạn tính. Bệnh phải có ít nhất 6 triệu chứng cơ thể và không phải là thứ phát sau một bệnh thực tổn khác.
Tiến triển và tiên lượng của rối loạn lo âu lan tỏa
Bệnh nhân thường đến khám lần đầu ở độ tuổi 20. Chỉ có một phần ba số bệnh nhân đã đến khám và điều trị ở chuyên khoa tâm thần. Nhiều người đi đến bác sĩ đa khoa, nội khoa, tim mạch, hô hấp hoặc tiêu hóa, tìm cách chữa trị cho các triệu chứng cơ thể của rối loạn.
Rối loạn lo âu lan tỏa tăng theo thời gian, thường phối hợp với các bệnh thực tổn. Rối loạn lo âu lan tỏa là một rối loạn mạn tính, có thể kéo dài suốt đời. Sau 5 năm bị bệnh, chỉ có 18-35% số bệnh nhân lui bệnh hoàn toàn.
Bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa thường tự tìm kiếm thuốc điều trị, vì vậy dễ dẫn đến phụ thuộc rượu, ma túy và các thuốc bình thần.
Những bệnh nhân rối loạn lo âu khởi phát sớm trước 20 tuổi dễ có nhiều tổn thất do lo âu mang đến, họ thường không có yếu tố chấn thương tâm lý thúc đẩy bệnh phát triển, có tiền sử hay sợ hãi ở trẻ em, môi trường gia đình bị rối loạn, ít được sự giúp đỡ của xã hội.
Điều trị
Điều trị bằng thuốc
Hoá dược đóng vai trò quan trọng trong điều trị lo âu lan tỏa trong những năm gần đây. Trong tương lai gần, hóa dược vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ yếu để điều trị bệnh này.
Thuốc điều tri bao gồm thuốc bình thần (diazepam, bromazepam, clonazepam), thuốc chống trầm cảm (clomipramin, sertralin, paroxetin, venlafaxin, mirtazapin) hoặc các thuốc an thần kinh thế hệ mới (quetiapin, olanzapin).
Mặc dù một số bệnh nhân chỉ cần điều trị bằng thuốc trong thời gian từ 6 đến 12 tháng, nhưng với hầu hết bệnh nhân cần phải điều trị bằng thuốc trong nhiều năm hoặc phải điều trị suốt đời.
Khoảng 25% bệnh nhân tái phát trong tháng đầu tiên sau khi ngưng điều trị và 60 đến 80% tái phát trong 1 năm sau khi ngừng thuốc.
Mặc dù bệnh nhân phải điều trị lâu dài, nhưng hiếm khi họ trở nên phụ thuộc vào thuốc benzodiazepin, buspirone, venlafaxine hoặc các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs).
Điều trị bằng liệu pháp tâm lý
Một số liệu pháp tâm lý có thể có hiệu quả trong điều trị rối loạn lo âu lan tỏa như liệu pháp nhận thức và hành vi. Các biện pháp này có thể làm giảm lo lắng về thảm họa, giảm lo âu, giảm các triệu chứng cơ thể của lo âu.
Các biện pháp khác để kiểm soát hành vi lo âu như tập thư giãn, tập thở và liệu pháp động lực tâm lý cũng cho kết quả phần nào. Liệu pháp nhận thức đơn độc thì tốt hơn liệu pháp hành vi đơn độc, nhưng tốt nhất là kết hợp cả hai liệu pháp này. Khi đó hiệu quả điều trị sẽ cao hơn và số người bỏ điều trị cũng thấp hơn.
Đối với bệnh nhân và gia đình
Khuyến khích bệnh nhân tập thư giãn hàng ngày để giảm các triệu chứng cơ thể do lo âu, căng thẳng gây ra.
Khuyến khích bệnh nhân tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, tập thể thao và tham gia các hoạt động từng có ý nghĩa trợ giúp trong quá khứ.
Xác định và đối phó với nỗi lo buồn được khuếch đại có thể làm giảm được các triệu chứng lo âu:
- Xác định các mối lo âu bị khuếch đại hoặc có ý nghĩa bi quan (ví dụ con gái đi học về muộn 5 phút bệnh nhân đó lo sợ rằng cháu bị tai nạn).
- Thảo luận cách đối đầu với mối lo sợ đó bị cường điệu khi chúng xuất hiện.