Ứng dụng axit amin trong điều trị dinh dưỡng

thinga |

Bên cạnh vai trò và chức năng sinh lý quan trọng đối với cơ thể sống, gần đây, một số axit amin như BCAA, cystine, theanine hay glutamate còn được phát hiện với khả năng hỗ trợ dinh dưỡng điều trị.

TS. BS. Phạm Đức Minh – Chủ nhiệm Bộ môn, Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Quân y 103 - Học viện Quân y đã cập nhật những khám phá khoa học về khả năng của axit amin tại Hội nghị khoa học chuyên đề: "Cập nhật các phương pháp đánh giá và can thiệp dinh dưỡng tích cực người bệnh". Hội nghị thu hút sự dự của hơn 100 khách mới là các bác sĩ, chuyên gia y tế, chuyên gia dinh dưỡng đến từ nhiều bệnh viện tại Hà Nội.

Hỗ trợ dinh dưỡng điều trị cho bệnh nhân suy thận mạn tính và xơ gan mất bù

Trong số khoảng 20 loại axit amin cần thiết cho cơ thể con người, có 9 axit amin thiết yếu cơ thể con người không tự tổng hợp, phải bổ sung từ bên ngoài. Trong nhóm này, 3 axit amin là valine, leucine và isoleucine được gọi chung là BCAA (Branched-chain amino acids, tạm dịch axit amin chuỗi nhánh) chiếm đến 30 – 40% tổng lượng axit amin thiết yếu trong protein của cơ thể con người.

Bên cạnh tác dụng hỗ trợ dinh dưỡng điển hình trong thể thao như tăng cơ bắp, giảm đau cơ và mệt mỏi khi tập luyện, BCAA còn được bổ sung trong dinh dưỡng điều trị cho bệnh nhân suy thận mạn tính và xơ gan mất bù. Cụ thể, việc bổ sung axit amin chuỗi nhánh qua đường uống có thể cải thiện cảm giác thèm ăn, tình trạng dinh dưỡng, tình trạng giảm albumin máu cho các bệnh nhân này, đồng thời giúp duy trì chức năng thận ở bệnh nhân suy thận và cải thiện kết quả lâm sàng ở bệnh xơ gan tiến triển.

Ứng dụng axit amin trong điều trị dinh dưỡng - Ảnh 1.

Hơn 100 khách mời là các bác sĩ, chuyên gia y tế, chuyên gia dinh dưỡng đến từ nhiều bệnh viện tại Hà Nội tham gia Hội nghị.

Hỗ trợ tăng cường miễn dịch

Khi bổ sung đồng thời 2 loại axit amin cystine và theanine, cơ thể sẽ có khả năng tổng hợp glutathione trong gan. Đây là yếu tố chống oxi hoá và kiểm soát phản ứng miễn dịch, đồng thời cũng làm gia tăng đáng kể quá trình sản xuất kháng thể IgG, giúp ngăn cơ thể khỏi nhiễm trùng và độc tố. Được biết, IgG là kháng thể duy nhất có thể đi qua nhau thai vào thai nhi, tăng cường bảo vệ cho thai nhi trong tử cung.

Hơn nữa, hai axit amin này còn giúp ức chế sự gia tăng viêm nhiễm và ức chế sự phá hủy miễn dịch trong quá trình tập luyện hoặc phẫu thuật. Bổ sung cystine và theanine cũng giúp giảm mắc cảm cúm, cảm lạnh; giảm nhẹ các triệu chứng và thời gian mắc cảm cúm, cảm lạnh

Cân bằng vị ngon cho các thực phẩm giảm muối, hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống

Glutamate là một axit amin tồn tại phổ biến ở nhiều loại thực phẩm trong tự nhiên như thịt, cá, trứng, sữa, rau củ quả… Năm 1908, GS. Kikunae Ikeda, Nhật Bản đã khám phá ra khả năng mang đến vị "umami" hay còn gọi là vị ngon, vị ngọt thịt của glutamate. Từ đó, ông đã phát minh ra "gia vị umami" hay còn gọi là bột ngọt (mì chính).

Bột ngọt (glutamate) không chỉ giúp món ăn giàu vị umami, làm hài hòa các vị cơ bản, tăng vị ngon tổng thể của món ăn mà còn có khả năng làm tăng tiết nước bọt, tăng tiết dịch vị và tăng tốc độ tiêu hóa đối với các bữa ăn giàu đạm, từ đó hỗ trợ quá trình tiêu hóa thực phẩm tốt hơn. Bột ngọt cũng góp phần cải thiện chất lượng sống của người cao tuổi thông qua cải thiện hành vi, thái độ tích cực trong ăn uống, tăng cảm giác ngon miệng và tiêu hóa tốt hơn.

Ứng dụng axit amin trong điều trị dinh dưỡng - Ảnh 2.

Glutamate tồn tại phổ biến ở nhiều loại thực phẩm trong tự nhiên như thịt, cá, trứng, sữa,…

Một vai trò quan trọng khác của bột ngọt (glutamate) là giúp duy trì vị ngon cho thực phẩm giảm muối. Bột ngọt chứa hàm lượng natri thấp, chỉ bằng 1/3 muối ăn; đồng thời, khi thay thế một phần muối ăn bằng bột ngọt có thể giảm đến 50% lượng muối ăn vào và 31.5% lượng natri ăn vào mà vẫn giữ nguyên vị ngon của món ăn. Khả năng này của bột ngọt đã giúp bệnh nhân hoặc những người khỏe mạnh dễ dàng theo đuổi chế độ ăn giảm muối tốt cho sức khỏe và được các cơ quan y tế, sức khỏe tại nhiều nước như Mỹ, Nhật, Malaysia…khuyến nghị thực hiện.

Theo TS. BS. Đức Minh, nhiều cơ quan y tế và sức khỏe thế giới như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ủy ban Khoa học về Thực phẩm của Cộng đồng chung Châu Âu (EC/SCF), Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (US FDA), Bộ Y tế Việt Nam, …đánh giá bột ngọt là an toàn khi được sử dụng dưới dạng gia vị trong chế biến món ăn, không có mối nguy nào đối với trẻ em được chỉ ra khi sử dụng bột ngọt. JECFA và EC/SCF đưa ra liều dùng hàng ngày (ADI) của bột ngọt là "không xác định", mỗi người có thể sử dụng vừa đủ theo theo khẩu vị và thói quen của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại