Ukraine “xẻ thịt” TU-160, bán tháo công nghệ tên lửa vì nghe lời Mỹ

Trịnh Thái Bằng |

Danh sách những dự án công nghiệp quốc phòng hiện có và tiềm năng bị chính quyền Kiev chôn vùi không thương tiếc trong những năm qua nhiều đến mức không thể tưởng tượng nổi. Hầu như toàn bộ nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh của thời kỳ Xô viết đã bị hủy diệt.

Công nghiệp hàng không quân sự, hàng hải quân sự, tăng thiết giáp, công nghiệp cơ bản, động cơ, công nghiệp vũ trụ..danh sách các ngành công nghiệp quốc phòng và lưỡng dụng cùng với các dự án vượt trước thời gian nhiều thập kỷ đã bị chính quyền nhà nước “độc lập” Ukraine hủy diệt không thương tiếc hoặc bán với cái giá gần như cho không chỉ để thực hiện một “giấc mơ EU” và xóa đi cái gọi là tàn tích của một quốc gia thuộc liên bang Xô viết cũ.

Hủy diệt “Thiên nga trắng”

Không có một phi công quân sự nào, dù là bay trên các máy bay cường kích mang bom hay tiêm kích đánh chặn, có thể giữ được bình tĩnh khi nói về sự kiện mà chính quyền Kiev, vô tư và thản nhiên tổ chức khoảng gần 20 năm về trước.

Ngày 05.12.1998, Bộ Quốc phòng Ukraine, với sự ủng hộ tích cực và hậu thuẫn tài chính của Ủy ban Nhà nước về Vũ khí trang bị, sự giúp đỡ nhiệt tình của các cố vấn Mỹ ký một loạt các văn bản kinh hoàng nhất của ngành hàng không quân sự Ukraine.

Ukraine “xẻ thịt” TU-160, bán tháo công nghệ tên lửa vì nghe lời Mỹ - Ảnh 1.

Thỏa thuận này bao gồm việc phá hủy 44 chiếc máy bay ném bom hạng nặng, loại bỏ khỏi lực lượng không quân chiến lược tầm xa cùng với hơn một nghìn tên lửa hành trình X-55, được trang bị cho loại máy bay này.

Tất cả các máy bay ném bom mang tên lửa hạng nặng này cùng với các tên lửa hành trình tầm xa X-55 bị hủy diệt theo cái gọi là chương trình "giảm nguy cơ đe dọa", hay còn gọi là chương trình Nunn - Lugar.

Những tác giả của các văn kiện tàn khốc này đề xuất phương án hủy diệt những vũ khí, trang thiết bị quân sự của Liên xô, phân bổ trên các nước cộng hòa SNG thành nhiều giai đoạn.

Lực lượng không quân tầm xa Liên xô trước đây và các nước cộng hòa thuộc khối SNG gây bất an hơn tất cả đối với các thượng nghị sĩ Mỹ và các tướng lĩnh Lầu Năm Góc.

Bởi lẽ chính các phương tiện tấn công tầm xa này khiến cho các “diều hâu” luôn có cảm giác bất an khi thực hiện các chuyến bay tuần tiễu trên các đại dương, đe dọa trực tiếp lực lượng hạt nhân chiến lược của quân đội Mỹ.

Ukraine “xẻ thịt” TU-160, bán tháo công nghệ tên lửa vì nghe lời Mỹ - Ảnh 2.

Nạn nhân đầu tiên bị máy chém công nghiệp huy diệt ở Priluki là một trong những Thiên nga trắng mới nhất, chiếc Tu-160 số hiệu 24, chỉ có 466 giờ bay và nếu được khai thác sử dụng đúng, như các phi công vẫn nói, "có thể bay thêm 50 năm nữa".

Tham gia vào buổi “lễ” hoành tráng này đối với chính quyền Ukraine và đám tang đau đớn nhất, như đưa một người thân về cuối trời là kíp lái của Thiên nga trắng số 24 cùng với nhiều phi công khác.

Tham gia buổi lễ “hiến tế” này không chỉ có các đại diện chính quyền Ukraine, thể hiện sự phấn kích tột độ mà còn có tác giả của chương trình hủy diệt này, thượng nghị sĩ Mỹ Richard Lugar với gương mặt tràn đầy sự hân hoan.

Một thời gian sau đó, chính Richard Lugar với thượng nghị sĩ da đen trẻ tuổi Barack Obama đến Nga để theo dõi quá trình phá hủy một số tên lửa đạn đạo theo chương trình cắt giảm vũ khí hạt nhân.

Một điều đáng chú ý là, chính quyền Kiev quyết định hủy diệt nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh của mình ngay từ khi chưa có một ai nghĩ đến những ý tưởng “Maidan”.

Thú vị hơn nữa là không chỉ có các nhà ngoại giao Nga nỗ lực đấu trang ngăn chặn Kiev thực hiện kế hoạch hủy diệt kinh hoàng này năm 1999, mà còn có cả đại diện cao cấp của chính phủ Mỹ.

Thông qua đại diện cao cấp Washington, công ty Mỹ Platforms International Corporation đã mua 3 chiếc Tu-160 cùng với vật tư, các bộ phận thay thế dự phòng với một giá rẻ mạt như cho không là 20 triệu USD.

Các chuyên gia hàng không khẳng định: thương vụ mua Tu-160, theo tuyên bố từ phía Mỹ nhằm mục đích sử dụng như phương tiện mang, phóng tên lửa hành trình mục tiêu chỉ là giả tạo.

Người Mỹ muốn khai thác những bí mật công nghệ trong quá trình thiết kế khung sườn máy bay, động cơ và những công nghệ hàng không khác mà các kỹ sư Liên Xô đã rất thành công trong quá trình phát triển máy bay siêu âm chiến lược tầm xa.

Trong chiến dịch giải cứu các máy bay Tu-160 khỏi sự hủy diệt không thể tránh khỏi, các nhà ngoại giao Nga, bằng tất cả các biện pháp có thể, cứu được 8 chiếc Thiên Nga trắng. Nga buộc phải chấp nhận đổi Thiên nga trắng để xóa nợ khí gas của Ukraine.

Những chiếc Tu-160 cuối cùng bị xẻ thịt thành sắt vụn vào cuối năm 2001, bắt đầu từ đó, không quân chiến lược tầm xa chấm dứt sự tồn tại trong quân đội Ukraine. Chính quyền Ukraine được vài chục triệu USD và những lời khen ngợi nhiệt tình từ Washington DC.

Miền đất “hứa” của tăng thiết giáp

Công nghiệp tăng thiết giáp Ukraine, được chính các chuyên gia tăng thiết giáp Ukraine nhận xét ngắn gọn: “Không có tương lai”. Được định hướng phục vụ cho các lực lượng vũ trang Liên Xô, Ukraine có hạ tầng cơ sở của một nền cộng nghiệp nặng khổng lồ, trong đó có Nhà máy chế tạo ô tô - xe máy Kharkov mang tên V. A. Malysheva.

Ngay sau khi Ukraine rời khỏi Liên bang Xô viết, nhà máy cũng hoàn toàn tự do không còn phụ thuộc hoặc liên quan đến bất cứ điều gì, không có sự hỗ trợ của nhà nước, không có những đơn đặt hàng lớn đủ để tồn tại và cũng không có công việc lẫn định hướng cho tương lai.

Ukraine “xẻ thịt” TU-160, bán tháo công nghệ tên lửa vì nghe lời Mỹ - Ảnh 3.

Một chiếc T-64B đang được tháo rời, chuẩn bị cho nâng cấp thành xe tăng xuất khẩu Oplot

Hiện đơn đặt hàng cấp nhà nước cho sản xuất tăng, thiết giáp của một cơ sở khổng lồ của ngành công nghiệp nặng Liên Xô có thể không bằng một đơn đặt hàng nhỏ của Bộ quốc phòng Nga hiện nay.

Thay vì đầu tư sản xuất tăng thiết giáp thế hệ mới và phát triển của các phương tiện chiến đấu bộ binh tiên tiến trong tương lai. Chính quyền Ukraine đang cho phép bán tất cả những gì tồn kho của ngành công nghiệp vang bóng một thời với giá rẻ mạt cho tất cả những khách hàng muốn mua.

Ukraine “xẻ thịt” TU-160, bán tháo công nghệ tên lửa vì nghe lời Mỹ - Ảnh 4.

Xe tăng Oplot, phiên bản xuất khẩu của Ukraine

Những phát triển mới cơ bản trong lĩnh vực tăng thiết giáp, những sản phẩm được cho là có khả năng “giành được thắng lợi” trên thương trường quốc tế hầu như gặp thất bại.

Xe tăng chủ lực Oplot, ngay từ đầu được các chuyên gia tăng thiết giáp Ukraine gắn mác "đặc biệt" và "trên phương diện kỹ thuật không còn gì liên quan đến các xe tăng Liên Xô", trên thực tế, được phát triển trên thân xe T-64B, hàng nghìn chiếc đang được lưu giữ trong kho xe của cựu Quận khu Kiev.

Vũ trụ - chào vĩnh biệt

Một trong những công nghệ đắt giá từ thời kỳ Xô viết, bây giờ được Ukraine bán lậu với bất cứ giá nào và cho bất cứ ai là những dự án chinh phục không gian.

Cục thiết kế huyền thoại “Miền Nam” ngày xưa, hiện nay ngay cả các chuyên gia Ukraine trong lĩnh vực du hành vũ trụ và phát triển tên lửa cũng không còn muốn nhớ lại và nói về nó với những lời tốt đẹp. Việc chảy máu chất xám và công nghệ sang các nước khác từ lâu đã không phải là chủ đề nóng nếu so với vấn đề “miễn thị thực nhập cảnh” vào EU.

Rất nhiều nhà khoa học Ukraine hoàn toàn không ngạc nhiên với sự phát triển ấn tượng tên lửa chiến lược của Triều Tiên, Trung Quốc và thậm chí Iran, họ biết chắc chắn, các chuyên gia công nghệ vũ trụ và tên lửa Ukraine đi tìm miền đất hứa ở đâu.

Trong danh sách những dự án công nghệ đạt được những thành tựu đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực tên lửa phải kể đến dự án chế tạo tên lửa đẩy “Antares”, tên lửa hạng nặng tiên tiến “Dnhepr”, phát triển chung giữa Nga – Ukraine và hàng loạt các dự án tên lửa và chinh phục không gian khác của Liên Xô cũ đều không có đơn đặt hàng từ phía chính quyền Kiev, dần đi vào dĩ vãng.

Ukraine “xẻ thịt” TU-160, bán tháo công nghệ tên lửa vì nghe lời Mỹ - Ảnh 5.

Dự án tên lửa hạng nặng Dnhepr cũng đang bị đóng băng vô thời hạn

Những công nghệ tiên tiến, được phát triển trong các dự án tên lửa và không gian đã trở thành mặt hàng thương mại và được bán ra thị trường chợ đen thế giới. Bán các sản phẩm trí tuệ, được phát triển từ thời Liên Xô trong suốt thời gian Ukraine độc lập đã trở thành một mô hình kinh doanh của chính quyền Kiev.

Mặc dù mô hình kinh doanh “bán tất cả” đang đánh thiệt hại nặng nền kinh tế khoa học công nghệ cơ bản của Ukraine và phá hủy tận móng của nền công nghiệp quốc phòng Ukraine, những thành quả công nghiệp quân sự Liên Xô đang được khách hàng nước ngoài tích cực lùng sục đặt mua và sử dụng triệt để, khách hàng hàng đầu của nền công nghiệp quốc phòng Liên Xô nửa thế kỷ trước đây là Trung Quốc.

Không có gì ngạc nhiên khi hầu hết tất cả các thành tựu khoa học quân sự Trung Quốc đều có dấu tích đâu đó của Liên Xô cũ và nhanh chóng đạt vị trí cao trên thế giới.

Trong thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng tranh luận sôi nổi về việc Trung Quốc đang mua lại từ phía Ukraine công nghệ chế tạo Block – E, mô-đun tàu đổ bộ, được các nhà khoa học Liên xô phát triển vào giai đoạn những năm 1960 – 1970. Mô-đun tàu vũ trụ Block – E được phát triển để thực hiện kế hoạch đổ bộ các phi hành gia xuống Mặt Trăng.

Ukraine “xẻ thịt” TU-160, bán tháo công nghệ tên lửa vì nghe lời Mỹ - Ảnh 6.

Các chuyên gia Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ chinh phục không gian nhận định rằng, cơ cấu thiết kế của mô-đun đổ bộ “Block-E” rất phù hợp với nhưng nhiệm vụ chinh phục không gian mà Cơ quan vũ trụ quốc gia Trung Quốc đang triển khai trong tương lai gần.

Để thực hiện được hợp đồng, các chuyên gia Ukraine, phối hợp với các nhà khoa học Trung Quốc phải chế tạo lại và thử nghiệm hoạt động của mô-đun tàu đổ bộ, được thiết kế từ 50 năm trước, đồng thời chuyển giao toàn bộ các hồ sơ tài liệu công nghệ bằng văn bản và được số hóa.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình "Ngôi sao" nhà nghiên cứu lịch sử chinh phục không gian, phó tiến sĩ khoa học Oleg Slusar cho biết:

"Tất cả thương vụ này cuối cùng dẫn đến một thực tế là Trung Quốc sẽ mua công nghệ vũ trụ với giá rất rẻ, trên cơ sở công nghệ nền tảng sẽ phát triển mô-đun phù hợp với nhu cầu thực tế của ngành khoa học vũ trụ quốc gia này, sau đó sẽ thực hiện phóng các mô – đun được thiết kế mới dựa trên nền tảng công nghệ Xô viết, có thể đổ bộ thành công các phi hành gia lên bề mặt của Mặt Trăng".

Các chuyên gia Ukraine tin tưởng rằng, họ đang là thành viên của một nhóm các chuyên gia quốc tế, sẽ được tích hợp vào chương trình chinh phục vũ trụ của thế giới, những đóng góp của họ cho sự phát triển của công nghệ đổ bộ này sẽ được đánh giá cao trong cộng đồng khoa học vũ trụ quốc tế.

Dường như các chuyên gia Ukraine chưa bao giờ hiểu rằng, Trung Quốc không quan tâm nhiều lắm đến sự phát triển của bất cứ chương trình quốc tế nào, đặc biệt là với phương Tây.

Thực tế, Ukraine hiện nay đơn giản là bán rẻ, bán tất cả những gì mà ngành công nghiệp và khoa học Liên Xô đạt được trong nhiều thập kỷ lao động và sáng tạo cật lực, những thành tựu khoa học công nghệ vô giá của hàng trăm triệu công dân Liên Xô.

Bằng cách này, Ukraine đã nhanh chóng phá hủy vị thế quốc gia trong mọi lĩnh vực khoa học công nghệ, trở thành đất nước tụt hậu, phụ thuộc vào nhập khẩu công nghệ nước ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại