Binh sĩ Ukraine giơ quốc kỳ trên nóc một tòa nhà ở Kupiansk ngày 10-9 - Ảnh: REUTERS
Nguồn: New York Times, Viện nghiên cứu chiến tranh. Việt hóa: Duy Linh - Đồ họa: N.KH.
"Hơn 3.000km2 đã về với Ukraine kể từ đầu tháng 9 đến nay. Tại thành phố Kharkov, chúng tôi không chỉ tiến công về phía nam và phía đông mà còn cả phía bắc. Lực lượng có lúc chỉ cách biên giới Nga độ 50km", đại tướng Valeriy Zaluzhnyy, tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, tuyên bố trên mạng xã hội chiều 11-9.
Lợi thế từ sự bất ngờ
Các quan chức Ukraine hôm 10-9 cho biết quân đội nước này đã chiếm thành phố Izium ở phía đông, một trung tâm đường sắt chiến lược quan trọng mà các lực lượng Nga đã chiếm giữ vào mùa xuân sau một trận chiến đẫm máu kéo dài nhiều tuần.
Danh sách các thành phố, thị trấn và làng mạc mà Ukraine tái chiếm liên tục được kéo dài trong mấy ngày qua khiến nhiều người đặc biệt ấn tượng.
Theo nhận định của Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW - có trụ sở tại Mỹ) về các đợt phản công của Ukraine, các lực lượng Ukraine đã xâm nhập các tuyến phòng thủ của Nga, có nơi tiến sâu khoảng 70km và chiếm lại hơn 3.000km2 trong 5 ngày qua kể từ ngày 6-9.
Diện tích này lớn hơn nhiều diện tích các vùng mà Nga đã chiếm được trong tất cả các chiến dịch kể từ tháng 4 đến nay.
Việc tái chiếm được Izium và sắp tới rất có thể là thành phố Kharkov nằm sát biên giới Nga được kỳ vọng sẽ trở thành bước ngoặt của cuộc chiến, hoặc ít nhất là ở mặt trận phía đông bắc.
"Các lực lượng Ukraine đã không khựng lại sau khi tiếp cận thị trấn đầu tiên ở mặt trận này. Họ cố tình chọn đi vòng qua các thị trấn để tiến sâu hơn vào phía sau phòng tuyến của Nga" - ông Rob Lee, một nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại (Mỹ), nêu nhận định với báo New York Times.
Thành công tương đối của Ukraine (do vẫn chưa biết Nga có tái chiếm các khu vực đã mất hay không) có ý nghĩa quan trọng, không chỉ về mặt lãnh thổ mà còn tinh thần. Ukraine ban đầu không chọn mặt trận đông bắc làm nơi mở chiến dịch phản công đầu tiên mà là các tỉnh phía nam như Kherson.
Do vậy, việc đẩy mạnh hoạt động mặt trận phía bắc theo hướng Kharkov dường như là một bất ngờ đối với Nga và cả giới quan sát.
Trong những tuần gần đây, hàng chục ngàn binh sĩ Nga đã được điều động xuống củng cố các phòng tuyến tại mặt trận phía nam. Điều đó, nói như báo New York Times, đã khiến lực lượng Nga tại mặt trận đông bắc mỏng đi. Và chỉ cần một đợt tấn công mạnh của Ukraine tại mặt trận này, phòng tuyến của Nga đã bị chọc thủng.
Chúng tôi muốn kết thúc chiến tranh nhưng bối cảnh và thời cơ hiện nay đã khác. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 10-9 nhấn mạnh đàm phán với Nga ở thời điểm hiện tại là "không khả thi".
Khó khăn ở mặt trận phía nam
Vẫn còn rất nhiều điều chưa biết về chiến dịch phản công lần này của Ukraine. Trong tuyên bố hôm 10-9, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định quân đội nước này đang rút lui có kiểm soát tại Izium nhằm tái tổ chức, phục vụ mục tiêu "giải phóng Donbass".
Theo Bộ Quốc phòng Nga, chiến dịch rút quân đã bắt đầu từ cách đây 3 ngày, tức trước khi các cánh quân của Ukraine tiến về Izium.
"Đây là một biện pháp nhằm hạn chế thương vong vô nghĩa. Những thành phố này rồi sẽ được Nga kiểm soát trở lại" - ông Ramzan Kadyrov, người đứng đầu Cộng hòa Chechnya thuộc Nga và chỉ huy các tay súng Chechnya trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine, tuyên bố ngày 11-9.
Việc Nga rút khỏi Izium có thể là một thất bại chiến thuật nhưng xét trên tổng thể, Matxcơva vẫn đang giữ lợi thế về mặt quân sự và thời gian.
Việc Ukraine bất ngờ đẩy mạnh phản công ở mặt trận đông bắc nếu nhìn ở góc độ tích cực cho thấy sự linh hoạt và phối hợp tốt giữa các cánh quân ở các mặt trận.
Nói như ông Taras Berezovets, một sĩ quan thuộc lực lượng đặc nhiệm Ukraine, chiến dịch phản công ở miền nam của Ukraine chỉ là một màn kịch nhằm đánh lừa Nga điều quân từ mặt trận đông bắc xuống miền nam.
Ở góc độ kém lạc quan, việc Ukraine tập trung mặt trận đông bắc cho thấy quân đội nước này đang gặp khó khăn trong chiến dịch phản công tại miền nam, vốn tập trung nhiều trung tâm công nghiệp và cảng biển quan trọng của đất nước.
Trên thực tế, việc tiến quân tại mặt trận phía nam đang chậm chạp vì những rào cản tự nhiên: các con sông.
Trong vài tháng qua, sử dụng hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp, Ukraine đã phá sập 4 cây cầu lớn bắc qua sông Dnepr và cơ bản cô lập được hàng chục ngàn quân Nga đang ở bờ tây sông Dnepr, chia cắt với các tuyến tiếp tế tại Kherson.
Giờ đây, khi Ukraine trở thành người tấn công, họ phải đối mặt với những gì người Nga đã trải qua mấy tháng qua: làm thế nào để vượt sông và đảm bảo tiếp tế cho các lực lượng tiến sâu vào khu vực mà đối phương đã kiểm soát, bày binh bố trận sẵn?
Ukraine không có nhiều thời gian, tối đa là 90 ngày cho chiến dịch vừa phản công vừa giữ như chính Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận. Bởi vì sau 90 ngày đó, khó có thể đoán trước mức độ ủng hộ mà phương Tây dành cho Ukraine sẽ vơi bao nhiêu trong một mùa đông cần nhiều khí đốt Nga.