Chính quyền bang New South Wales hồi năm 2014 đã cho một nhóm nhà đầu tư được Trung Quốc hậu thuẫn thuê cảng Newscastle, cảng xuất khẩu than lớn nhất thế giới, với giá 1,75 tỉ USD trong vòng 98 năm.
Ngoài ra, Công ty Landbridge Group (Trung Quốc) đang điều hành cảng Darwin sau khi ký thỏa thuận thuê nơi này với giá 506 triệu USD trong vòng 99 năm với chính quyền Lãnh thổ Bắc Úc.
Giờ đây, sức ép đang ngày một tăng lên chính phủ liên bang Úc về việc lấy lại 2 cảng biển quan trọng nói trên giữa lúc quan hệ với Trung Quốc lao dốc.
Một đạo luật vừa thông qua cho phép chính quyền Thủ tướng Morrison hủy bỏ thỏa thuận "Vành đai và con đường" giữa bang Victoria và Trung Quốc. Tuy nhiên, luật này không áp dụng cho các thỏa thuận cho thuê thương mại.
Cảng Darwin. Ảnh: Chính quyền Lãnh thổ Bắc Úc.
Dù vậy, ông Morrison hôm 30-4 khẳng định sẽ xem xét ban hành đạo luật mới nếu nhận được lời khuyên từ Bộ Quốc phòng hoặc các cơ quan tình báo về việc hủy bỏ thỏa thuận cho thuê 2 cảng nói trên vì lý do an ninh quốc gia.
Chính phủ liên bang Úc đang đánh giá mọi thỏa thuận với Trung Quốc sau khi quan hệ song phương xấu đi trong thời gian xảy ra dịch Covid-19.
Ông Peter Jennings, Giám đốc điều hành Viện chính sách chiến lược Úc, nói với tờ Daily Mail rằng chính phủ nước này nên lấy lại 2 cảng biển trên, đồng thời cảnh báo về nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công mạng liên quan đến Trung Quốc nhằm vào hạ tầng quan trọng của Úc.
Trong khi đó, một số chính trị gia Úc nhận định cảng Darwin là tài sản chiến lược và nên thuộc quyền kiểm soát của nước này.
Cảng Newcastle. Ảnh: Shutterstock
Đáng chú ý, thỏa thuận liên quan đến cảng Darwin không chỉ khiến Thủ tướng khi đó của Úc là Malcolm Turnbull bất ngờ, mà còn làm Washington bất bình.
Cảng Darwin được cho là nằm ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trên các tuyến đường vận tải biển quan trọng và là cảng nằm gần nhất các đối tác thương mại lớn của Úc ở châu Á. TP cảng Darwin cũng là nơi đón tiếp lực lượng quân sự của các đối tác và đồng minh, trong đó có lính thủy đánh bộ Mỹ.