UAV được dùng hiệu quả ở Nagorno-Karabakh, châu Âu buộc phải tìm cách phòng thủ

Trung Hiếu |

Cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh 2020, với sự hiệu quả đáng sợ của UAV, đã vạch ra nhiều bài học cho vấn đề phòng thủ quân sự ở châu Âu cũng như trên thế giới.

Cảnh tượng sau khi UAV của Azerbaijan khóa mục tiêu rồi phóng rocket vào một xe tải quân sự của phe Armenia ở vùng Nagorno-Karabakh (ảnh trích xuất từ video clip của Bộ Quốc phòng Azerbaijan).

Cảnh tượng sau khi UAV của Azerbaijan khóa mục tiêu rồi phóng rocket vào một xe tải quân sự của phe Armenia ở vùng Nagorno-Karabakh (ảnh trích xuất từ video clip của Bộ Quốc phòng Azerbaijan).

Trong thập kỷ qua, thế giới ít nhiều đều biết Azerbaijan đã đều đặn nâng cấp lực lượng vũ trang của mình. Nhưng ngay cả khi đó, ít chuyên gia có thể ngờ rằng chỉ trong một tháng rưỡi chiến sự vào gần cuối năm 2020, Azerbaijan đã giành thắng lợi áp đảo trước Armenia tại mặt trận Nagorno-Karabakh.

Azerbaijan giành được thắng lợi trong cuộc chiến vừa qua phần lớn là nhờ vào công nghệ và tài chính. Azerbaijan có điều kiện để mua nhiều thiết bị quân sự và được Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cung cấp các công nghệ tốt hơn của Armenia.

Nhưng bài học rút ra từ cuộc chiến Nagorno-Karabakh 2020 sâu hơn nhiều và phức tạp hơn nhiều các vấn đề công nghệ thuần túy. Châu Âu và các khu vực trên thế giới hẳn sẽ phải nghiên cứu nghiêm túc vấn đề này.

Bài học thứ nhất: Chiến lược và chính trị

Tiến trình mỗi cuộc chiến tranh đều chịu ảnh hưởng của bối cảnh chính trị cụ thể phát sinh ra nó và cuộc chiến tranh Karabakh lần này không phải là ngoại lệ.

Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ rất tự tin vào thành công trong chiến dịch tái chiếm này vì Nga ngay từ đầu cuộc chiến đã tỏ ra không có ý định hỗ trợ Armenia bên ngoài phần lãnh thổ được quốc tế công nhận của họ.

Nga cũng coi áp lực quân sự từ Azerbaijan là công cụ để làm suy yếu Thủ tướng Armenia, Nikol Pashinyan, người đã lãnh đạo cuộc “cách mạng màu” vào năm 2018 để lật đổ chế độ cũ. Hơn nữa, hành động của Azerbaijan có khả năng buộc Armenia phải chấp nhận “các kế hoạch hòa bình” được đàm phán trước đây, mà theo đó vị thế địa chính trị của Nga sẽ được củng cố.

Tình huống chính trị bất lợi này của Armenia đã chuyển biến thành bất lợi quân sự của họ trên chiến trường.

Nhận thấy việc Nga làm ngơ trước sự can thiệp quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ quân sự đáng kể cho Azerbaijan. Trong khi đó, Armenia tuy nhận được 8 chiếc máy bay đánh chặn Su-30 từ Nga nhưng lại chưa dùng các phi cơ này để đối đầu với F-16 và UAV (phi cơ không người lái) của Azerbaijan. Lý do có thể là Nga không muốn Armenia trực tiếp đối đầu với đối phương bằng vũ khí hiện đại này.

Bài học thứ 2: Máy tính và mạng lưới điện tử

Giống như ở Syria và Libya, hệ thống phòng không Nga tỏ ra kém hiệu quả trước các UAV nhỏ và chậm. Điều này đã làm dấy lên cuộc tranh cãi ở phương Tây về việc liệu hệ thống phòng không của Nga có bị đánh giá cao quá mức hay không.

Hệ thống phòng không “hiện đại” nhất của Armenia, S-300PT, PS, và 9K37M Buk-M1 thì đều được phát triển vào thập niên 1980. Bản thân các quả tên lửa của các hệ thống này vẫn mạnh mẽ nhưng hệ thống cảm biến của chúng được thiết kế để phát hiện, nhận diện, và bám theo các chiến đấu cơ chuyển động nhanh, và hệ thống định vị cùa các hệ thống đó thường bỏ qua các UAV nhỏ và chậm.

Như nhiều hệ thống của thập niên 1980, nhiều yếu tố vi tính trong đó chịu ảnh hưởng nặng của phần cứng, và việc lập trình lại đòi hòi phải chỉnh sửa toàn bộ hệ thống mà người Armenia thì chưa làm điều này.

Ngoài ra, các hệ thống vũ khí đó cũng không có khả năng tích hợp diện rộng, nghĩa là tích lũy và kết hợp các tín hiệu phản hồi thô từ nhiều radar khác nhau thành một bản báo cáo tổng hợp về tình hình. Phương pháp này rất cần để đối phó với các mục tiêu nhỏ và khó quan sát, trong đó có các UAV hiện đại và các máy bay tàng hình.

Không có phiên bản xuất khẩu nào của các hệ thống phòng không Nga (xuất sang Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Triều Tiên, và Iran) sở hữu năng lực này. Có một sự khác biệt lớn giữa hệ thống phòng không Nga dùng để bảo vệ căn cứ Nga ở Armenia và Syria với hệ thống phòng không Nga xuất khẩu sang Armenia và Syria.

Các UAV của Azerbaijan lượn lờ tự do trên bầu trời Nagorno-Karabakh do Armenia không có hệ thống gây nhiễu đủ khả năng làm gián đoạn tín hiệu kết nối các UAV này với các trạm điều khiển. Chỉ trong các ngày cuối cùng của cuộc chiến, Nga mới sử dụng hệ thống tác chiến điện tử Krasukha đặt tại thành phố Gyumri của Armenia để ngăn chặn UAV Azerbajan xâm nhập sâu vào khu vực Armenia kiểm soát để trinh sát.

Ngoài ra Azerbaijan còn sử dụng vũ khí UAV cảm tử bay lảng vảng trên chiến trường. UAV này có thể hoạt động trong điều kiện bất lợi do nó có cơ chế tự động, không cần điều khiển từ xa. Trải nghiệm với vũ khí này sẽ thúc đẩy nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và các hệ thống vũ khí tự động.

Bài học thứ 3: Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu

Trước chiến tranh 2020, ở cấp độ chiến thuật, quân đội phe Armenia mạnh hơn: Họ có sĩ quan ưu tú hơn, những binh sĩ quyết tâm hơn, và một đội ngũ lãnh đạo linh lợi. Điều này đã chứng tỏ vai trò quyết định trong các cuộc chiến tranh trước đây giữa Armenia và Azerbaijan.

Nhưng lần này Azerbaijan đã tìm được cách khắc chế đối phương. Các UAV giúp Azerbaijan trinh sát các vị trí quân sự của Armenia và thậm chí còn thấy được nơi bố trí lực lượng dự bị của Armenia. Sau đó Azerbaijan dùng pháo thông thường để bắn phá dữ dội các vị trí này, khiến cho thế phòng ngự của Azerbaijan bị suy yếu.

Sau đó UAV dẫn đường cho lực lượng pháo binh, pháo giàn, và tên lửa của Azerbaijan tấn công triệt hạ các cầu đường nối lực lượng hậu bị với mặt trận.

Một khi phía Armenia đã cạn kiệt lực lượng dự bị thì quân Azerbaijan bắt đầu xông lên với số lượng lớn để áp đảo các vị trí của Armenia hiện đã rơi vào trạng thái cô lập.

Quá trình này cứ lặp lại ngày này qua ngày khác.

Chiến thuật này cũng có tác dụng ở vùng có địa hình núi non mà phía Armenia cho rằng dễ phòng thủ. Ở vùng núi, thường chỉ có một con đường nối mặt trận với hậu phương, nên UAV dễ dàng phát hiện các mục tiêu trên con đường đó. Điều này thể hiện rõ ở mặt trận Shusha (phía Armenia gọi là Shushi).

Ở phương Tây người ta hay bàn về khía cạnh kỹ thuật trong tác chiến bằng UAV. Nhưng con số thực về các vũ khí bị UAV phá hủy có thể bị phóng đại.

Chiến thuật sử dụng UAV của Azerbaijan mới ấn tượng, có thể do Azerbaijan được các cố vấn quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ giúp sức.

Chiến tranh Karabakh 2020 chắc chắn sẽ buộc các nhà quân sự châu Âu phải suy nghĩ lại nhiều điều. Quân đội nhiều nước châu Âu đã loại bỏ dần nhiều hệ thống phòng không tự hành. Các hệ thống phòng không vác vai (MANPAD) như Stinger và Igla, ít có cơ hội ngắm bắn được các mục tiêu nhỏ như UAV cỡ nhỏ và UAV cảm tử bay lởn vởn.

Trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh vừa qua, số lượng hệ thống MANPAD bị tiêu diệt nhiều hơn số UAV bị chúng phá hủy.

Không một quân đội châu Âu nào có hệ thống phòng không thiết giáp với cảm biến phân giải cao hoặc tổng hợp giúp bảo vệ chính lớp giáp của hệ thống trước mối đe dọa của UAV. Chỉ có Pháp và Đức là có hệ thống gây nhiễu chống UAV (tầm ngắn) và các thiết bị bảo vệ căn cứ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại