Bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại Trung tâm Hồi sức, BV Đại học Y Dược TP HCM.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.793 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, nhờ có sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các cấp và sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc, hy sinh quên mình của đội ngũ y, bác sĩ… tình hình tử vong do COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có chuyển biến. Tuy nhiên, việc giảm tử vong này còn chậm.
Thứ trưởng đã đưa ra các giải pháp cụ thể như sau:
1. Bảo đảm thiết lập đủ cơ sở thu dung
Để giảm tỷ lệ tử vong, thứ nhất, Bộ Y tế đề nghị thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thành phía Nam bảo đảm thiết lập đủ cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. Trên cơ sở diễn biến và dự báo tình hình dịch COVID-19 tại địa phương, các địa phương tiếp tục rà soát phương án thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 để khẩn trương, chủ động thiết lập, bổ sung, đầu tư và sẵn sàng hoạt động trong thời gian nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều tri ̣theo mô hình tháp 3 tầng (theo hướng dẫn tại Quyết định 4111/QĐ-BYT ngày 26/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
Bộ Y tế cho biết các tỉnh thành cần phải huy động tối đa các cơ sở hiện có tại địa phương của nhà nước và tư nhân để lên phương án thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng; ưu tiên, thiết lập từ những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẵn có để chuyển đổi công năng thành cơ sở điều trị COVID-19 tầng 2, tầng 3 của mô hình tháp 3 tầng.
Bên cạnh đó, các tỉnh thành cần phải nâng cao vai trò của trạm y tế xã, phường, thị trấn và thành lập các trạm y tế lưu động, tổ cộng đồng để triển khai quản lý, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà nếu vượt quá năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở địa phương; củng cố, kiện toàn và điều phối hiệu quả hoạt động hệ thống cấp cứu 115, xe vận chuyển người bệnh từ cộng đồng đến cơ sở thu dung, điều trị và giữa các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.
Đảm bảo đủ cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19.
2. Đủ trang thiết bị cấp cứu, hồi sức tích cực
Thứ 2, các tỉnh thành cần bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu, hồi sức tích cực, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc điều trị cho các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo các phương án bảo đảm công tác y tế, đặc biệt chuẩn bị cho tình huống xấu/nghiêm trọng xảy ra trong thời gian sớm nhất:
- Tầng 1 bảo đảm tối thiểu có chai ô-xy khí đáp ứng nhu cầu xử trí cấp cứu cho người bệnh thở ô-xy qua mặt nạ, thở ô-xy gọng kính.
- Tầng 2 bảo đảm tối thiểu có máy thở ô-xy dòng cao, máy thở không xâm nhập, chai ô-xy khí, bình ô-xy lỏng, đường khí nén, đường hút áp lực, dàn hóa hơi để đáp ứng nhu cầu cấp cứu, hồi sức tích cực cho người bệnh thở ô-xy dòng cao, thở máy không xâm nhập cho người bệnh tiến triển nặng.
- Tầng 3 bảo đảm tối thiểu có máy thở ô-xy dòng cao, máy thở không xâm nhập và xâm nhập, bồn ô-xy lỏng, đường khí nén, đường hút áp lực, dàn hóa hơi, bình ô-xy lỏng và chai ô-xy khí để đáp ứng nhu cầu cấp cứu, hồi sức tích cực cho người bệnh nặng và nguy kịch.
Các địa phương cần chuẩn bị và cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân cho các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. Trường hợp cần thiết được phép sử dụng vượt định mức vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ đã quy định tại các văn bản của Bộ Y tế để bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế; chuẩn bị kịp thời các gói an sinh, gói thuốc điều trị ngoại trú khi triển khai điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà; phân công UBND quận/huyện có trách nhiệm quản lý, hỗ trợ kịp thời các ca F0 trên địa bàn và theo dõi sát sao kết quả thực hiện việc chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.
3. Đào tạo nhân lực phù hợp với các phương án thiết lập cơ sở thu dung
Thứ 3, các địa phương cần bảo đảm nhân lực và năng lực chuyên môn theo các phân tầng: Chủ động rà soát nguồn nhân lực của địa phương, lập kế hoạch đào tạo, huy động nhân lực phù hợp với các phương án thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID -19 tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương; đào tạo cho bác sĩ về chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu xử trí, cấp cứu, điều trị cho người bệnh tại cơ sở tầng 1, 2, 3: tối thiểu các kỹ thuật cấp cứu cơ bản, truyền nhiễm, nội khoa cho bác sĩ tại tầng 1, 2 và kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao cho các bác sĩ hồi sức tích cực tại tầng 3.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần đào tạo cho điều dưỡng để đáp ứng yêu cầu theo dõi, chăm sóc người bệnh tại các cơ sở thuộc 3 tầng (cho những người chưa có kinh nghiệm về truyền nhiễm): điều dưỡng thuộc tầng 1 và 2 được đào tạo về theo dõi, chăm sóc người bệnh mức độ nhẹ, vừa; tầng 3 được đào tạo về kiến thức, thực hành kỹ thuật về theo dõi, chăm sóc người bệnh nặng, nguy kịch, người bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn tại Quyết định số 1125/QĐ-BYT ngày 08/02/2021.
Tăng cường nhân lực chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Các địa phương cũng cần tăng cường huy động nguồn nhân lực của các bộ, ngành, cơ sở tư nhân, sự tham gia tích cực của cộng đồng và mạng lưới các tình nguyện viên, sinh viên khối trường đại học sức khỏe, "thầy thuốc đồng hành", người về hưu… cùng tham gia vào công tác tư vấn, quản lý, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2; có các hình thức động viên, chia sẻ và chế độ đãi ngộ cụ thể, phù hợp bằng tài chính và phi tài chính với đội ngũ nhân viên y tế, quân đội, công an… và mạng lưới tham gia tư vấn, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2.
4. Đảm bảo chuyên môn chăm sóc và điều trị COVID-19
Thứ 4, các tỉnh thành cần bảo đảm công tác chuyên môn chăm sóc và điều trị COVID-19 cập nhật, triển khai, áp dụng các hướng dẫn chẩn đoán, chăm sóc và điều trị của Bộ Y tế đã ban hành.
Các cơ sở thu dung, quản lý, điều trị người mắc COVID-19 thực hiện tốt công tác đánh giá, phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 (theo Quyết định 3646/QĐ-BYT ngày 31/7/2021), đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng người bệnh vào các khoa, buồng bệnh phù hợp và xử trí cấp cứu kịp thời; nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều trị ở 3 tầng, đặc biệt quan tâm cung cấp đủ lượng nước đưa vào cơ thể và bảo đảm chế độ dinh dưỡng, chế độ chăm sóc và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh và nhân viên.
Ngoài ra, cần tăng cường kết nối, hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa giữa các cơ sở thu dung, quản lý điều trị COVID-19 tại 3 tầng; thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác điều trị, chăm sóc tại 3 tầng và báo cáo Sở Y tế tỉnh, thành phố và Bộ Y tế.
5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều trị
Thứ 5, các tỉnh thành cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều trị và tổng hợp, báo cáo:
- Thiết lập hệ thống công nghệ thông tin kết nối giữa các cơ sở thu dung, quản lý, điều trị COVID-19 và hệ thống cấp cứu 115 về khả năng tiếp nhận và thông tin người bệnh để bảo đảm tiếp nhận, cấp cứu kịp thời người bệnh.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và tổ chức tốt việc quản lý, điều phối các nguồn lực để kịp thời tiếp nhận, điều tri ̣người bệnh.
- Cung cấp thông tin và hướng dẫn cho người dân, người bệnh về thông tin liên lạc của hệ thống cấp cứu 115, y tế cơ sở, cơ sở thu dung, quản lý, điều trị COVID-19, mạng lưới thầy thuốc tình nguyện… để liên hệ được khi cần.