Nga lo ngại về sự hỗ trợ của quân đội Mỹ và NATO cho Ukraine cũng như việc liên minh quân sự này đang mở rộng ảnh hưởng về phía đông. (Ảnh: TASS)
Hôm 22/12, trong một cuộc phỏng vấn với kênh Ukraine 24, ông Smeshko cho rằng, trong trường hợp đàm phán lý thuyết về tình trạng trung lập đối với NATO, Ukraine nên đưa ra tất cả các điều kiện cùng nhau.
“Trong trường hợp này về lý thuyết, việc trao đổi địa vị trung lập của chúng tôi, trước hết, để khôi phục biên giới Ukraine vào năm 1991 - Crimea, Donbass và toàn bộ biên giới quốc gia nên được chuyển giao cho sự bảo vệ chủ quyền của Kiev”, cựu lãnh đạo SBU giải thích.
Thứ hai, ông Smeshko đề xuất yêu cầu sửa đổi Bản ghi nhớ Budapest. Văn kiện này cần được bổ sung bằng một thỏa thuận mới, trong đó quy định hậu quả của “bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây áp lực chính trị, kinh tế, quân sự và hạt nhân” đối với Kiev.
Bản ghi nhớ Budapest được ký kết vào ngày 5/12/1994 bởi các nhà lãnh đạo của Nga, Ukraine, Mỹ và Vương quốc Anh.
Theo đó, Ukraine hủy bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân thời Liên Xô lớn thứ ba thế giới tại thời điểm đó để đổi lấy sự đảm bảo của quốc tế về sự độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ sẽ được tôn trọng.
Bên cạnh đó, Kiev phải từ bỏ tất cả kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân và tham gia vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
"NATO cũng nên trở thành một bên của thỏa thuận này để có những đảm bảo về an ninh cho Ukraine trong tương lai", vị tướng SBU cho biết thêm.
Điều kiện thứ ba, được đề xuất bởi ông Smeshko là ngay cả việc Ukraine khi không gia nhập NATO, nước này cũng sẽ có quyền tham gia các thỏa thuận quân sự song phương với những quốc gia sẵn sàng hợp tác.
Nga lo ngại về sự hỗ trợ của quân đội Mỹ và NATO cho Ukraine cũng như việc liên minh quân sự này đang mở rộng ảnh hưởng về phía đông. (Ảnh: TASS)
Sau cuộc đảo chính năm 2014, Ukraine bắt đầu con đường gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO. Kiev đã từ bỏ tình trạng không liên kết và đặt việc gia nhập EU và NATO là ưu tiên chính của chính sách đối ngoại.
Hôm 16/12, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cho biết, từ nhiều năm nay nước này đã tự xem mình là một thành viên trong liên minh. Tuy nhiên, cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, trong cuộc họp với ông Zelensky đã từ chối tiết lộ ngày Ukraine có thể gia nhập NATO.
Moscow đã nhiều lần lên tiếng về việc không thể chấp nhận được khi NATO mở rộng sang biên giới với Nga.
Hôm 8/12, Tổng thống Vladimir Putin cho hay, sau khi Ukraine gia nhập NATO, các vũ khí đe dọa Nga có thể được triển khai ở nước này. Nhà lãnh đạo Nga cũng bày tỏ hy vọng rằng “mọi lo ngại về sự mở rộng của NATO” sẽ được lắng nghe.
Bên cạnh đó, theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, NATO đang bắt đầu “tự tay o ép Ukraine”, đồng thời nhấn mạnh rằng đối với Moscow những hành động như vậy là một “lằn ranh đỏ”.
Thư ký báo chí của tổng thống nhấn mạnh, Nga không đe dọa bất kỳ ai, mà chỉ thực hiện các biện pháp chống lại mối đe dọa gần biên giới của mình.
Trước đó, Nga công bố các dự thảo thỏa thuận với Mỹ và NATO, trong đó đặc biệt là các điều khoản về đảm bảo an ninh chung ở châu Âu, về việc không triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn, cũng như từ chối việc NATO mở rộng sang phía đông, bao gồm cả các nước cộng hòa cũ của Liên Xô.