Tường trình từ tâm dịch New York: Bác sĩ dùng đến tia hy vọng cuối cùng, 4/5 người vẫn không qua khỏi

Nguyễn Thị Thảo Ngân, Hà Xuân Nam (Nhóm Y học cộng đồng) chuyển ngữ |

"Nếu mọi người trông thấy những điều kinh khủng này, họ sẽ ở yên trong nhà." Đó là cái nhìn từ bên trong cuộc chiến chống lại Covid-19 ở 2 bệnh viện tại Bronx, Mỹ.

Đây không phải là lúc để chết.

Khiếp sợ, đau thương và hiu quạnh

Trong cuộc chiến chống lại virus corona ở tâm dịch của khoa cấp cứu tại Bệnh viện Jack D. Weiler ở Bronx, nỗi khiếp sợ, đau thương và sự hiu quạnh pha trộn với nhau. Phòng cấp cứu chật kín bệnh nhân với đôi mắt sợ hãi nhìn vào mặt nạ oxy khi đang ráng sức thở. Trông như họ đang dần yếu đi và có thể chết bất cứ lúc nào trong khi tự hỏi liệu có còn gặp lại người thân được nữa không.

Dù không cho người nhà vào thăm, nhưng số lượng bệnh nhân trong mỗi phòng cũng đã gấp đôi so với bình thường. Khoảng 80 bệnh nhân nhiễm virus corona- độ tuổi từ 31 đến 97, phải vào nằm chung một phòng, giường kề giường.

Trong số đó có một số người đang cận kề cái chết. Một nhóm bệnh nhân mới đến ngồi chờ ở một góc phòng để nhân viên y tế sắp xếp vị trí; họ nhìn những gì đang xảy ra xung quanh trong sợ hãi. Các bác sĩ và điều dưỡng thì vội vã mặc áo quần bảo hộ - một số trong đó chỉ là dụng cụ tự chế tạm thời, chẳng hạn mũ bảo hộ làm từ mặt nạ thợ hàn gắn với kính trượt tuyết.

Sự thật là các bác sĩ cũng sợ hãi và hoàn toàn kiệt sức, choáng ngợp trước cái chết và thực sự bất lực khi không thể làm được gì. Bác sĩ Nicole Del Valle, 29 tuổi, kể với tôi rằng điều khiến cô ấy rất đau lòng là cô đang điều trị cho một phụ nữ 30 tuổi mắc COVID-19, người này lại có cô em gái 23 tuổi vừa qua đời cũng vì căn bệnh này. Lo sợ, bác sĩ Del Valle đã gọi cho em gái, dặn không được ra khỏi nhà.

Cả ngày ở trong bệnh viện, bác sĩ Del Valle vẫn giữ vững tinh thần lạc quan khi cô tiến hành đặt nội khí quản cho bệnh nhân, nắm tay họ, và cùng với họ chiến đấu giành lại sự sống – nhưng khi trở về nhà, cô khóc.

Tôi đã dành ngày hôm nay chỉ ở trong các bệnh viện thành phố New York để thấy được sự vất vả, đau khổ trong quá trình làm việc của các nhân viên y tế. Hai bệnh viện ở Bronx bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Weiler và Montefiore thuộc trung tâm y tế Moses, mỗi bệnh viện chỉ cho phép tôi và một người quay video được vào khoa cấp cứu trong một ngày, là các điểm nóng nơi bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị.

Tường trình từ tâm dịch New York: Bác sĩ dùng đến tia hy vọng cuối cùng, 4/5 người vẫn không qua khỏi - Ảnh 2.

Các bác sĩ trong phòng cấp cứu tại Bệnh viện Jack D. Weiler ở Bronx. Nguồn: Michael Kirby Smith

Chúng tôi cũng đã quay lại một đoạn video ngắn với hy vọng càng nhiều người Mỹ nhận thức được sự nguy hiểm của COVID-19 thì họ sẽ càng muốn duy trì sự giãn cách xã hội để cứu mạng sống của họ và cả của bác sĩ.

Các nhà báo rất hiếm khi được phép vào bệnh viện trong những giai đoạn như thế này. Các phóng viên và nhiếp ảnh nói thâm nhập vào các đơn vị quân đội ở Iraq hoặc Afghanistan còn dễ hơn nhiều so với thâm nhập vào khu vực mà các bác sĩ đang chiến đấu với đại dịch.

Các bệnh viện lo ngại về các quy tắc bảo mật của HIPAA (một luật nhằm bảo mật thông tin y khoa của bệnh nhân), nguy cơ nhiễm bệnh và cả khả năng xảy ra những chuyện không dự tính được.

Không may là còn rất nhiều người Mỹ thiếu hiểu biết về đại dịch COVID-19 hay sự nguy hiểm của chúng. Họ vẫn nghĩ virus corona chả có gì đáng lo - vì vậy nhiều người định tổ chức một bữa tối Phục sinh hoành tráng, tụ tập nhiều người trong công viên.

Cách tốt nhất để hiểu được căn bệnh này không phải từ thông báo trong các cuộc họp thường kỳ của Nhà Trắng mà chính là sự thật quá tải ở tuyến đầu chống dịch. Bronx là một trong những vùng đa dạng dân cư nhất trong nước Mỹ, những bệnh nhân tôi gặp trong tuần qua đều thuộc nhiều chủng tộc khác nhau nhưng chủ yếu là da đen và da màu. Họ chủ yếu bị sốt, kiệt sức, và yếu ớt đến nỗi không thể trả lời phỏng vấn. Sự đau đớn hiện rõ trong đôi mắt họ.

"Tôi ghét nó", một trợ lý bác sĩ Chelsea Gifford 29 tuổi tại Montefiore Moses chia sẻ. "Bạn sẽ có cảm giác đau nhói trong người khi bệnh nhân nói với bạn là họ sợ hãi nhưng bạn lại không có cách nào chữa trị."

Cô Gifford nhớ lại một bệnh nhân sống trong một trung tâm cứu trợ. "Tôi rất sợ"- bệnh nhân đó đã nói với cô ấy. "Tôi không muốn bị nhiễm virus corona. Vùng tôi ở đã có người chết vì Covid-19".

Cô nắm tay, nhìn vào mắt cậu ấy và nói: "Chúng tôi sẽ làm hết sức để anh yên tâm hơn. Chúng tôi biết những gì đang xảy ra thực sự rất đáng sợ nhưng có chúng tôi ở đây, chúng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ."

Gifford nói cô rất khó ngủ và thường xuyên gặp ác mộng - không phải cô lo sợ bị nhiễm virus mà lo sợ rằng chính cô sẽ lây nhiễm virus cho bố mẹ và người thân. Cô sống cùng với bố mẹ nhưng chỉ ở trong phòng của mình, dùng các đồ dùng riêng vì thực hiện cách ly tại nhà. Cô chỉ nói chuyện với người thân qua cánh cửa đóng kín. Cô rửa tay rất nhiều đến nỗi tay xây xát.

Mỗi khi lái xe đi làm và thấy người dân New York vẫn đang đi dạo tại công viên, coi đại dịch như một điều rất bình thường, Gifford rất tức giận. "Nếu mọi người trông thấy những điều kinh khủng này, họ sẽ ở yên trong nhà"-cô vừa nói vừa diễn tả dáng vẻ sợ hãi của những bệnh nhân đang thở hổn hển.

Tường trình từ tâm dịch New York: Bác sĩ dùng đến tia hy vọng cuối cùng, 4/5 người vẫn không qua khỏi - Ảnh 3.

Trang bị bảo hộ cá nhân rất quan trọng khi nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Nguồn: Michael Kirby Smith

Đặt nội khí quản - phương pháp cuối cùng để cứu bệnh nhân nhưng hầu hết không thành công

Một công việc thường quy trong suốt đại dịch này là đặt nội khí quản- nỗ lực cuối cùng để cứu sống bệnh nhân khi họ không thể thở máy được nữa. Đây là phương pháp cuối cùng cứu lấy bệnh nhân - nhưng thật không may, hầu hết đều không thành công. Không có thống kê ở quy mô lớn, nhưng tại thành phố New York, trong 5 bệnh nhân có đến 4 người không qua khỏi khi được đặt nội khí quản.

Vì thế, các nhân viên y tế thường cho bệnh nhân Covid-19 có cơ hội gọi điện thoại cho người thân trước khi họ được đặt nội khí quản, vì biết đâu được- đó chính là cơ hội cuối cùng họ nói chuyện với nhau. Nhưng đôi khi việc đặt nội khí quản phải tiến hành cấp bách (đến nỗi nhân viên y tế không thực hiện được việc cho bệnh nhân gọi điện thoại với người thân).

Tại bệnh viện Weiler, tôi thấy một phụ nữ 68 tuổi diễn tiến xấu đi nhanh chóng, mức oxy giảm mạnh. Một nhóm gồm một bác sĩ, một điều dưỡng gây mê, một điều dưỡng cấp cứu và một nhà trị liệu hô hấp được gọi đến ngay với đầy đủ đồ bảo hộ.

Với nhân viên y tế, đặt nội khí quản là một việc cực kỳ căng thẳng vì virus sẽ bị phun ra từ phổi vào không khí. Vì vậy, quy trình này được thực hiện trong một căn phòng áp lực âm cách biệt, virus chỉ ở trong phòng không phát tán ra ngoài được. Một hộp nhựa được đặt trên đầu bệnh nhân, và bác sĩ gây mê đặt nội khí quản thông qua các lỗ ở trên hộp.

Bệnh nhân được gây mê và gây tê. Một thiết bị được đưa vào miệng bệnh nhân để giữ cho nó luôn há ra, và một ống truyền được luồn qua hai dây thanh khoảng hơn 25 cmh rồi xuống phổi. Đầu còn lại của ống nối với một máy thở, và tiến hành bơm oxy vào.

Nhân viên y tế thường cho bệnh nhân Covid-19 có cơ hội gọi điện thoại cho người thân trước khi họ được đặt nội khí quản, vì có thể đó chính là cơ hội cuối cùng họ nói chuyện với nhau.

Rất kinh khủng khi bạn thức dậy mà không thể nói chuyện được vì có một ống thông xuống dưới tận cổ họng. Vì vậy bệnh nhân được đặt nội khí quản cần được uống thuốc an thần để họ không giằng cái ống ra. Các bác sĩ nói rằng vì một số lý do, bệnh nhân COVID-19 cần dùng thuốc an thần nhiều hơn so với các bệnh nhân khác. Ngoài ra, để an toàn, cả tay của họ cũng bị trói.

Bên cạnh người phụ nữ là một người đàn ông lớn tuổi đã được đặt nội khí quản vào đầu ngày nhưng đang yếu đi nhanh chóng. Đối với bệnh nhân COVID-19 máy thở đôi khi là hy vọng duy nhất – nhưng thực sự nó cũng không đáp ứng được bao nhiêu.

Có lẽ, điều tương tự cũng xảy ra với cả hydroxychloroquine, thuốc chống sốt rét mà Tổng thống Trump đã ca ngợi là liều thuốc có thể thay đổi cục diện của đại dịch. Hầu hết bệnh nhân đến điều trị ở cả hai bệnh viện vùng Bronx đều được dùng hydroxychloroquine, đôi khi phối hợp với azithromycin (một loại kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp), nhưng vẫn có nhiều bệnh nhân tử vong. Một số bác sĩ nghĩ rằng những loại thuốc này sẽ có tác dụng nếu được điều trị cho bệnh nhân sớm, nhưng tôi đã nói chuyện với các đồng nghiệp khác ở tuyến đầu, và không ai tin rằng thuốc chống sốt rét có thể thay đổi cục diện.

Dành 12 giờ liền bên giường bệnh để an ủi bệnh nhân

Điều ấn tượng nhất trong các bệnh viện lúc này không phải là máy thở, máy chụp CT hay các thiết bị công nghệ cao khác, mà chính là lòng nhân hậu, trắc ẩn và sự can đảm của nhân viên y tế. Riêng với tôi, gây ấn tượng nhất chính là cử chỉ nắm tay động viên bệnh nhân của các y bác sĩ.

Katherine Chavez, một điều dưỡng tại Montefiore Moses, nhớ lại một người đàn ông ở độ tuổi 40 không có tiền sử bệnh tật. Ông được đặt nội khí quản và cô đã dành cả 12 giờ bên giường bệnh khi ông đang cố gắng vật lộn với căn bệnh. "Anh ấy nắm lấy tay tôi, và tôi cứ nói với anh ấy rằng hãy bình tĩnh, mọi chuyện rồi sẽ ổn."

Bác sĩ Michael P. Jones là người phụ trách quản lý công việc tại các khoa cấp cứu ở cả hai bệnh viện đã gửi email cho các bác sĩ trẻ vào tháng trước để yêu cầu họ đến giường bệnh và an ủi các bệnh nhân Covid-19:

"Nếu có thể, hãy dành chút thời gian để nói về gia đình, cuộc sống, ước mơ của người bệnh. Hãy hỏi bệnh nhân rằng họ có muốn gọi điện cho người thân không. Và cuối cùng, có hai điều rất khó: nắm chặt tay bệnh nhân trong một phút khi họ sắp không qua khỏi, và yêu cầu toàn bộ nhân viên y tế có mặt tại đó im lặng trong 5 -10 giây, cúi đầu và mặc niệm bệnh nhân không may tử vong.

Điều này giúp chúng tôi duy trì được sự nhân văn và mang đến cho bệnh nhân hay người nhà của họ một chút an ủi rằng người thân của họ đã được đối xử tôn trọng."

Nhiều người nghĩ các bác sĩ và y tá sẽ rất dễ chìm vào giấc ngủ khi họ đã bị kiệt sức như vậy, nhưng không phải: khi luôn trong tình trạng lo lắng thì rất khó ngủ.

"Tôi có thể nhìn thấy sự sợ hãi trong mắt bệnh nhân của tôi." cô Chavez nói với tôi về bệnh nhân mà cô ấy nắm tay. Nhưng cũng có nỗi sợ trong ánh mắt cô. "Tôi không biết virus có lây trong không khí hay không, vì tôi đã ở trong phòng bệnh đến 12 tiếng đồng hồ rồi. Tôi không biết con virus đã làm với tôi nữa".

Bác sĩ: Chúng tôi hay gặp ác mộng

Tường trình từ tâm dịch New York: Bác sĩ dùng đến tia hy vọng cuối cùng, 4/5 người vẫn không qua khỏi - Ảnh 7.

Lịch trực của một số nhân viên y tế ở tuyến đầu. Nguồn: Michael Kirby Smith

Nhân viên y tế có nguy cơ đặc biệt cao về bị phơi nhiễm và tử vong cao, có lẽ vì họ tiếp xúc với một lượng lớn virus. Tại các bệnh viện mà tôi đến, có một số bác sĩ trẻ đã bị nhiễm bệnh, một người phải nằm điều trị trong đơn vị hồi sức tích cực.

Bác sĩ Michael Tarr, 29 tuổi, đặc biệt lo lắng sau khi điều trị cho một phụ nữ 27 tuổi bị mắc COVID-19 nặng. "Chúng tôi đã cố gắng thử mọi cách để cứu sống cô ấy. Có một thứ gì đó đã làm cho cô ấy dễ bị tổn thương hơn do virus, nhưng chúng tôi lại không tìm thấy gì." Bệnh nhân này vẫn còn đang thở máy ở I.C.U, nhưng tình trạng thực sự rất tệ.

"Nói chung, cảm giác giống như một vòng luẩn quẩn. Mỗi ngày bạn phải suy nghĩ rằng: tôi có bị nhiễm virus không? Tôi có thể lành bệnh không? Hay sẽ trở thành một trong những người trẻ (bị nhiễm bệnh đó? Vì lý do gì? Và tôi có chết không?"- Tarr nói thêm.

Tarr kể anh hay gặp ác mộng vì virus corona. Vợ sắp cưới của anh là bác sĩ Sara Rezai, đang tiến hành đặt nội khí quản cho bệnh nhân, nói với tôi rằng cô ấy hiểu rõ vì cô ấy cũng có những cơn ác mộng như vậy.

Can đảm không phải là không sợ hãi; can đảm là khi những người chiến sĩ sẵn sàng lao vào trận chiến bất chấp nỗi sợ hãi của họ. Điều đó cũng hoàn toàn tương tự như nỗi lo của bác sĩ Tarr, hoặc của các điều dưỡng như cô Chavez khi họ phải làm việc tại tâm dịch mỗi ngày. Điều tương tự cũng xảy ra với các trợ lý bác sĩ, kỹ thuật viên, nhà trị liệu hô hấp và cả người lao công (những người phải đối mặt với tình trạng nguy hiểm tương tự nhưng lại ít được biết đến hơn cũng như được dành cho ít phúc lợi hơn). Những nhân viên y tế làm việc tại tuyến đầu như thế này đang chịu những rủi ro lớn, nhưng nhiều công dân Mỹ đang làm họ thất vọng.

Bác sĩ Tarr thừa nhận: "Rất thất vọng. Bạn muốn một quốc gia tiên tiến như Mỹ có thể hành động theo phương cách là quốc gia đứng đầu thế giới. Nhưng bạn thấy đấy, Mỹ cũng đang phải vật lộn để có thể đủ máy thở. Nguồn cung đã hết, mà trước đó, chúng tôi còn từng nghĩ điều này sẽ không bao giờ xảy ra."

Tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân xảy ra tại hầu hết các bệnh viện, nhưng những nơi tôi đến thăm dường như vẫn có đủ máy thở. Tuy nhiên, khi đang ở Weiler, các nhân viên đột nhiên nhận ra rằng họ gần như đã hết mặt nạ, khẩu trang, các thiết bị cần thiết để đặt nội khí quản, thậm chí họ sẽ không được cung ứng trong nhiều tuần. Họ đã ra sức tìm kiếm để có đủ số thiết bị cho đến hiện tại."

Bệnh viện Weiler và Montefiore Moses không giống như một số bệnh viện khác; họ cho phép các nhân viên đem theo thiết bị bảo hộ cá nhân đến nơi làm việc. Bác sĩ Tarr đã mua một mặt nạ thợ hàn tại Amazon để gắn với chiếc kính trượt tuyết mà anh được tặng. Khoảng 23.000 kính trượt tuyết đã được những người trượt tuyết gởi cho các bệnh viện thông qua một nhóm tên là "Goggles for Docs". Chúng rất được ưa chuộng vì rất thoải mái và bảo vệ tốt.

Những người mà tôi đã nói chuyện đều rất cảm kích về sự quyên góp các thiết bị bảo hộ cá nhân, thực phẩm và các hỗ trợ khác. Họ cũng thừa nhận rằng cảm xúc của đội ngũ y bác sĩ tại đây không gì đong đếm được.

"Tôi nghe những đồng nghiệp nói rằng"-bác sĩ Jones nói về 84 bác sĩ mà ông đang hướng dẫn-"Cảm xúc của họ đã kiệt quệ, họ thất vọng về những điều đã được nghe, vì đã có thông tin sai lệch truyền ra bên ngoài."

"Chúng tôi liệu có thể tiếp tục thêm hai tuần nữa không?" anh ấy hỏi. "Có. Vậy thêm hai tuần nữa thì sao?? Có lẽ. Sau đó lại thêm hai tuần nữa được không? Tôi không biết."

Đứng trước chọn lựa: Ai sẽ được cứu? Ai sẽ bị bỏ lại?

Đã có nhiều thay đổi tại các khoa cấp cứu của bệnh viện trong thời gian đại dịch này. Thay đổi tồi tệ nhất là còi báo động đầu giường kêu liên tục. Chỉ cần một cái còi báo động của khoa cấp cứu tại Montefiore Moses reo thì 20 còi báo động khác cũng đồng loạt hú lên.

Các bác sĩ giải thích rằng hầu hết là báo động giả. Các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân đều có thể được theo dõi thông qua màn hình tại phòng trực. Khi đó, cần có người mang đồ bảo hộ cá nhân đi bộ đến giường bệnh để tắt còi báo động.

"Nếu muốn sử dụng đồ bảo hộ cá nhân hiệu quả, bạn không thể lãng phí một chiếc áo choàng mỗi khi còi báo động hú." bác sĩ David Esses, trưởng khoa cấp cứu lưu ý. Vì vậy, họ thường để mặc cho nó reo.

CPR (kỹ thuật hồi sức tim phổi) đôi khi trở nên công việc "làm cho có lệ". Trước đây, các bác sĩ có thể dành 30 phút để cứu sống một bệnh nhân lớn tuổi, nhưng hiện tại, mỗi lần ép ngực đều có thể giải phóng virus corona và lây nhiễm cho người khác. Vì vậy, khi nhận thấy không có khả năng thành công, các bác sĩ có thể dừng sau vài phút thực hiện CPR.

Hiện tại các nhân viên y tế đều có thể sẵn sàng nói về khả năng tử vong, một điều mà các hệ thống y tế chưa bao giờ mong muốn. Với nguồn lực khan hiếm, các nhân viên y tế đang suy nghĩ về những gì sẽ xảy ra nếu họ phải sử dụng máy thở: Ai sẽ sống, ai sẽ bị bỏ lại?

Bác sĩ Jones nhớ lại một bệnh nhân lớn tuổi mắc chứng mất trí nhớ dài ngày đang yếu đi vì Covid-19. Nếu như trước kia, các bác sĩ sẽ quyết định đặt nội khí quản cho bà, nhưng trong trường hợp này, Jones gọi điện cho các thành viên gia đình bà và hỏi họ có thực sự muốn tiến hành không? Cuối cùng, gia đình quyết định không đặt nội khí quản, và bà đã ra đi thanh thản vào ngày hôm đó.

Tường trình từ tâm dịch New York: Bác sĩ dùng đến tia hy vọng cuối cùng, 4/5 người vẫn không qua khỏi - Ảnh 9.

Các bác sĩ với một bệnh nhân trong phòng cấp cứu của Trung tâm Y tế Montefiore Nguồn: Michael Kirby Smith

Một thay đổi lớn nữa là các khoa cấp cứu gần như chỉ có các trường hợp nhiễm virus corona. Không có nhiều người bị gãy chân, đột quỵ hoặc bị súng bắn như bình thường. Điều này có thể một phần vì ít người ở ngoài đường hơn, và có thể một số gia đình mong muốn rằng người thân lớn tuổi của họ sẽ ra đi lặng lẽ ở nhà hơn là đến bệnh viện vào thời điểm này.

Một số giường bệnh được đánh dấu là D.D.R. và D.N.I. - Không được hồi sức, và không được đặt nội khí quản.

Nếu bạn chưa sẵn sàng, thì đây là thời điểm thích hợp để học các hướng dẫn y tế cho chính bạn và những người thân.

Khi còi báo động hú lên, các nhân viên y tế nhận thông báo từ cấp trên triệu tập các đội y tế đến một trường hợp khẩn cấp. Bầu không khí vô cùng khẩn trương. Sau đó, những chiếc điện thoại đỏ reo lên.

Đó là chiếc điện thoại dùng để nhận cuộc gọi từ xe cứu thương, thông báo một bệnh nhân bị bệnh nặng đang trên đường đến.

Bệnh viện Weiler nỗ lực giải phóng giường bệnh bằng cách chuyển các bệnh nhân đến Montefiore Moses, nhưng xe cứu thương chuyển bệnh mới đến thường nhanh hơn khi chuyển bệnh đi. Mặc dù có các làn phân chia bên ngoài, nhưng đôi khi vẫn có tình trạng kẹt cáng vận chuyển ở lối vào của các điểm nóng.

Gần 800 người dân New York chết vì COVID-19 mỗi ngày

Từ khoa cấp cứu, nhiều bệnh nhân được đưa đến ICU (đơn vị hồi sức tích cực) với số lượng tăng gấp đôi kể từ khi xảy ra đại dịch, nhưng ở đó lại rất tĩnh mịch và im lặng, khác hẳn với khoa cấp cứu. Hầu hết bệnh nhân được uống thuốc an thần và nằm trên giường bệnh trong phòng áp lực âm; chuyển động duy nhất là trong các dòng nguệch ngoạc trên màn hình điện tử. Một bệnh nhân hồi phục sau 10 ngày thở thở đã vẫy tay chào tôi, nhưng cô ấy là trường hợp hiếm hoi; nhiều bệnh nhân nhiễm virus corona nằm trong ICU không bao giờ trở về nhà được nữa.

Gần 800 người dân New York chết vì COVID-19 mỗi ngày, nhưng có lẽ nó còn ít hơn nhiều so với thực tế. Sau khi họ chết, các bác sĩ điền thông tin vào giấy chứng tử, các y tá và kỹ thuật viên sửa soạn thi thể và đeo thẻ thông tin vào ngón chân. Trước kia, người chết sẽ được phủ một tấm vải và đem đến nhà xác; nhưng bây giờ họ chỉ được bọc trong túi và chỉ một giây sau, có một đội đưa thi thể đến nhà xác bệnh viện. Và vì không còn chỗ nữa nên cứ sau vài ngày thì một chiếc xe tải đông lạnh (chứa tử thi) bên ngoài được thay thế.

Linda Berger Spivack, giám đốc lâm sàng của điều dưỡng tại Weiler cho biết: "Chúng tôi đang làm việc với các nhà tang lễ, tuy nhiên họ cũng đang rất quá tải."

Cái chết thường là điều đau khổ và không đáng có nhưng bây giờ nó xảy ra rất tàn bạo. Con người chúng ta sống để hỗ trợ lẫn nhau, nhưng virus đã tiến hóa để vô hiệu lợi điểm này- vì thế trong thời kỳ dịch bệnh này, con người thường chết một mình.

Hiện tại, đợt sóng dịch có thể đang tràn qua New York - điều đó cũng có nghĩa là nó sẽ sớm đến những nơi khác nếu giãn cách xã hội không được tuân thủ. Bác sĩ Esses nói "Các nơi khác nên nhìn vào bài học ở New York. Nếu không, điều tương tự sẽ xảy ra ở đó. Và đến lúc kịp nhận ra thì đã quá muộn rồi."

Hãy để tôi nói lời cuối cùng với bác sĩ trẻ Nicole Del Valle, người đã dũng cảm trấn an bệnh nhân trong cả ngày làm việc và sau đó về nhà để khóc. Tôi yêu cầu cô ấy nhắn tin đến những người sống ở những nơi chưa bị virus tấn công, những người không tin vào việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Cô ấy nói "Các bệnh viện vẫn còn cực kỳ quá tải. Một trong những khó khăn đối với các bác sĩ cấp cứu là nhìn những người bệnh đang đau đớn mà không có gia đình bên cạnh. Đây là khoảng thời gian khó khăn cho tất cả mọi người ở đây."

"CHÚNG TÔI Ở ĐÂY ĐỂ NÓI VỚI MỌI NGƯỜI RẰNG: LÀM ƠN HÃY Ở NHÀ!"

Theo: Nicholas Bristof, bài đăng trên The New York Times

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại