Chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc khởi động sứ mệnh thu thập mẫu vật trên Mặt Trăng và đưa về lại Trái Đất, tướng John Raymond của Lực lượng Không gian Mỹ cho rằng, đã đến Washington tập hợp đồng minh.
Hôm 24.11, tên lửa Long March-5 đã mang theo tàu vũ trụ Hằng Nga của Trung Quốc bay đến Mặt Trăng. Nhiệm vụ của tàu Hằng Nga là mang các mẫu vật giá trị từ Mặt Trăng quay về Trái Đất.
Nếu sứ mệnh này thành công, Trung Quốc sẽ trở thành nước thứ 3 trên thế giới thu được mẫu vật từ Mặt Trăng, sau Mỹ và Liên Xô cũ.
Tuy nhiên, tham vọng khai phá vũ trụ của Trung Quốc chưa dừng lại ở đó. Bắc Kinh cho biết sẽ còn nhiều tàu Hằng Nga khác được phóng. Nước này thậm chí có kế hoạch xây một trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng, cạnh tranh trực tiếp với Mỹ.
“Chúng tôi ngoan nghênh các quốc gia gia, cơ quan không gian quốc tế tham gia hợp tác cùng Trung Quốc khám phá Mặt Trăng và vũ trụ”, Xu Hongliang – Tổng thư ký Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc – phát biểu.
Trung Quốc tuyên bố muốn phóng tàu vũ trụ để thu được mẫu vật từ sao Hỏa, khám phá sao Mộc rồi quay lại Trái Đất.
Trước đó, Trung Quốc bị Mỹ loại khỏi Trạm vũ trụ quốc tế vì lý do an ninh.
Trung Quốc trở thành “mối đe dọa lớn” với Mỹ ngoài không gian, theo tướng quân đội Mỹ (ảnh: SCMP)
Theo tướng Raymond, vũ trụ giờ đã trở thành khu vực cạnh tranh hoàn toàn mới giữa Mỹ và Trung Quốc, mặc dù Mỹ vẫn chiếm ưu thế.
“Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn quyền tiếp cận không gian của Mỹ và có thể khiến chúng ta mất lợi thế”, ông Raymond phát biểu trên trang web của Quốc phòng Mỹ.
“Mỹ cần nhanh chóng tập hợp các đồng minh để khẳng định vị thế cao nhất ngoài không gian. Vũ trụ mang lại cơ hội về kinh tế, khoa học, quân sự cho Mỹ. Chúng ta phải đảm bảo ưu thế tuyệt đối trước mối đe dọa ngày càng lớn từ Trung Quốc”, tướng Raymond nhấn mạnh.
Ông Raymond nói thêm rằng, 9 tháng đầu năm nay, Trung Quốc phóng hơn 29 vệ tinh vào không gian, nhiều hơn cả Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng gặp một số trục trặc và thất bại trong các lần phóng tên lửa.