Tướng lĩnh, cố vấn Nga đổ máu để "lên đời" quân đội Syria

Trịnh Thái Bằng |

Ngày 02.05.2017, TASS dẫn nguồn tin từ Bộ quốc phòng Nga thông báo: khi đang thực hiện nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện các đơn vị pháo binh của quân đội Syria, trung tá Aleksey Buchelnikov bị trọng thương do trúng đạn bắn tỉa của phiến quân và tử vong tại trận địa. Cũng đã có tướng Nga vấp mìn tại chiến trường Palmyra...

Như vậy, trường hợp trung tá Aleksey Buchelnikov hy sinh trên chiến trường Syria khi đang thực hiện sứ mệnh cố vấn quân sự giúp đỡ quân đội Syria đã nâng tổng số quân nhân Nga thiệt mạng trên khu vực chiến trường này đến 30 người.

Cuộc chiến phức tạp giữa quân đội Syria và các lực lượng Hồi giáo cực đoan khiến sứ mệnh giúp đỡ, hỗ trợ quân đội Syria thực sự vô cùng nguy hiểm.

Sứ mệnh giúp đỡ quân đội Syria của lực lượng cố vấn quân sự Nga trên chiến trường Syria đã được tiến hành từ rất lâu.

Trong bài phát biểu tại Hội thảo an ninh quốc tế lần thứ V ở Moscow, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, tướng Valery Gerasimov phát biểu: "cố vấn quân sự Nga hỗ trợ, giúp đỡ Bộ tư lệnh tối cao quân đội Syria trong việc lên kế hoạch tiến hành các chiến dịch quân sự chống lại các nhóm vũ trang bất hợp pháp, tham gia vào công tác huấn luyện đào tạo và chuẩn bị tiến hành các hoạt động quân sự của các đơn vị chiến đấu trên tiền tuyến cũng như các đơn vị dự bị động viên khu vực".

Tướng lĩnh, cố vấn Nga đổ máu để lên đời quân đội Syria - Ảnh 1.

Mối quan hệ hợp tác quân sự Nga - Syria thể hiện trong cuộc gặp giữa tư lệnh trưởng lực lượng quân đội Nga ở Syria và Tổng tham mưu trưởng quân đội Syria

Từ năm 1956, Một nhóm các chuyên gia quân sự Liên Xô, biên chế trong tổ chức của một đơn vị hợp thành đã đến Syria trong sứ mệnh giúp đỡ phát triển lực lượng quân sự của quốc gia này. Sau khi Mỹ đối mặt với thực tế thất bại ở chiến trường Việt Nam, hướng tấn công chiến lược đã có sự thay đổi.

Điều đó dẫn đến trong giai đoạn năm 1973 đến 1983, số lượng quân nhân viễn chinh đã tăng lên rõ rệt cùng với sự xuất hiện của các đơn vị thường trực chiến đấu của quân đội Liên Xô. Chiến trường Syria lại trở thành cuộc đối đầu giữa Liên Xô và Mỹ trong cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng ở khu vực địa chính trị then chốt vùng Trung Đông.

Tại Syria, theo yêu cầu của chính quyền quốc gia này, trong nhiều thập kỷ đã tồn tại theo truyền thống một hệ thống cố vấn và các chuyên gia quân sự mạnh, có mặt hầu hết trong trong tất cả các đơn vị tham mưu điều hành và đào tạo, huấn luyện của quân đội Syria.

Đôi khi ngay cả từ phía chính quyền Syria và Liên Xô đòi hỏi các sĩ quan quân đội có những trách nhiệm vượt quá quyền hạn của các cố vấn quân sự, ví dụ như những chiến thắng và trách nhiệm về những thất bại trên chiến trường.

Các cố vấn quân sự Liên Xô và các chuyên gia không quân, hải quân, phòng không, tăng thiết giáp thậm chí còn phải tham gia trực tiếp trong các hoạt động tác chiến trên chiến trường, đặc biệt là trên mặt trận Syria – Israel trong rất nhiều cuộc chiến tranh trước đây như Cuộc chiến tranh 6 ngày (1967), Cuộc chiến tranh tiêu hao (Chiến tranh cường độ thấp (1970), Cuộc chiến đường không (1972), Cuộc chiến ngày tận thế (1973), Cuộc chiến Lenanon (1982), Cuộc tấn chiếm và phong tỏa Lebanon của NATO (1983).

Trong những năm sau này, các chuyên gia quân sự Xô viết truyền đạt cho ngưởi Ả rập kinh nghiệm chiến đấu, huấn luyện đào tạo người Syria sử dụng vũ khí trang bị và phương tiện chiến đấu được Liên Xô viện trợ.

"Từ cuối những năm 70 của thế kỷ 20, các cố vấn quân sự Liên xô không được phép trực tiếp tham gia chiến đấu ở Syria, cựu cố vấn của giám đốc Học viện quân sự Syria ở Aleppo, đại tá Anatoly Matveichuk cho biết.

Tất cả các nhóm cố vấn quân sự từ thời điểm những năm 1970 chỉ được thực hiện chức năng tư vấn tham mưu kỹ thuật, giáo dục đào tạo, huấn luyện sử dụng vũ khí trang thiết bị quân sự mà Liên Xô cung cấp cho Syria”.

Nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra với đơn vị cố vấn, chuyên gia quân sự Liên Xổ ở Syria trong giai đoạn này là huấn luyện tạo nguồn cán bộ quân sự có trình độ cao cho quân đội Syria.

Có hai lĩnh vực được tập trung giáo dục đào tạo và huấn luyện, đó là tư tưởng chiến lược, tư duy chiến dịch chiến thuật và kỹ năng khai thác sử dụng các phương tiện, vũ khí trang bị hiện đại cũng như kỹ chiến thuật thông thường.

Một thực tế phải thừa nhận là, bất chấp mọi nỗ lực của các cố vấn chuyên gia, những quân nhân Syria dũng cảm trong chiến đấu nhưng lại rất khó khăn để nắm bắt những tư duy phức tạp của chiến tranh hiện đại cũng như trong công tác khai thác sử dụng các phương tiện chiến đấu hiện đại không đạt được kết quả mong muốn theo những chuẩn mực đặt ra.

Có thể thấy được những nhược điểm này trong các trận chiến của quân đội Syria với các lực lượng thánh chiến ngày nay.

Sau một thời gian dài suy sụp, quân đội Syria để giành được chiến thắng trong cuộc chiến tranh này, phải tổ chức lại từ đầu. Đây là một sứ mệnh không tưởng cho một quân đội, tham gia vào một cuộc chiến tranh du kích quy mô lớn.

Để làm được điều đó, Nga buộc phải tăng cường lực lượng cố vấn quân sự ở Syria, căn cứ trên cơ sở phát triển tình hình trong quốc gia này.

Lực lượng cố vấn quân sự là lực lượng hoàn toàn riêng biệt, không liên quan đến lực lượng chiến đấu và bảo vệ các mục tiêu chiến lược – căn cứ sân bay quân sự Hmeymim ở Latakia cũng như bảo vệ các đơn vị tham gia hòa giải dân tộc và lực lượng quân cảnh Nga ở các vùng giải phóng.

Theo cựu cố vấn quân sự, đại tá Anatoly Matveichuk: "Nhiệm vụ tổ chức liên kết phối hợp các quân binh chủng quân đội Syria đối với các cố vấn quân sự Nga là nhiệm vụ chiến lược.

Những chiến dịch quân sự được tiến hành ở Aleppo, Palmyra, Hama là những hoạt động quân sự mang tính chiến dịch chiến lược. Nhưng chiến dịch này cần kiến thức quân sự và kinh nghiệm chỉ huy, điều hành tác chiến của bộ máy cố vấn tham mưu Nga..

Hầu hết các chuyên gia, cố vấn quân sự cao cấp Nga ở Syria là những sĩ quan có rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc chiến tranh ở Afghnistan và các chiến dịch chống khủng bố ở Chechnya.

Một ví dụ điển hình, các cố vấn, chuyên gia tăng thiết giáp Nga chỉ trong một tháng đã huấn luyện một kíp xe người Syria khai thác sử dụng thành thạo xe tăng T-72 mà trước đó phải cần đến 3 tháng. Hiệu quả hoạt động của các cơ quan tham mưu đơn vị chiến đấu quân đội Syria cũng tăng gấp 3 lần so với nửa cuối năm 2015.

Trong cơ cấu tổ chức của lực lượng cố vấn quân sự Nga ở Syria, những sĩ quan cao cấp Nga đảm nhiệm sứ mệnh giảng dạy trong các học viện quân sự Syria, cố vấn cho các cơ quan tham mưu cao cấp của quân đội Syria. Những sĩ quan trung cấp và sơ cấp thực hiện nhiệm vụ cố vấn cho các đồng nghiệp Syria ở cấp lữ đoàn đến tiểu đoàn.

Các chuyên gia kỹ thuật quân sự Nga đảm nhiệm sứ mệnh huấn luyện chuyển loại vũ khí trang thiết bị hiện đại hơn mà Nga cung cấp đều đặn theo nhu cầu thực tế của chiến trường theo những Hiệp ước đã ký với chính quyền Syria.

Ngoài ra còn có một đội ngũ đông đảo các phiên dịch quân sự, sử dụng cả đến các học viên trường đại học quân sự khoa ngoại ngữ vào năm cuối.

Theo chuyên gia quân sự Vladislav Shurigin, trong thời kỳ trước đây, lực lượng cố vấn quân sự của Nga ở Syria đã đạt đến con số 3.000 người, trong thời kỳ của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov, con số này bị cắt giảm đến 5 lần.

Theo yêu cầu nhiệm vụ hiện nay, lực lượng cố vấn quân sự đang dần tăng cường đáp ứng yêu cầu giúp đỡ, hỗ trợ quân đội Syria chiến đấu chống lại lực lượng Hồi giáo cực đoan thánh chiến. Tương tự như trước đây, các cố vấn quân sự Nga thực hiện các nhiệm vụ tham mưu cố vấn từ phát triển chiến lược đến các những hoạt động chỉ huy điều hành tác chiến cấp chiến dịch chiến thuật.

Trong giai đoạn cuối thể kỷ 20 sang thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, lực lượng vũ trang Syria suy giảm trầm trọng về chất lượng.

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2015, quân đội Syria gánh chịu tổn thất nặng về của cuộc chiến tranh, thất bại hầu hết trên tất cả các mặt trận từ tư tưởng chính trị tinh thần, cơ cấu tổ chức lực lượng đến các trận chiến trên chiến trường thực tế.

Lực lượng chiến binh thánh chiến, được huấn luyện bởi các chuyên gia quân sự nước ngoài, dày dạn kinh nghiệm về chiến tranh tư tưởng chính trị tinh thần, đường lối chiến tranh du kích toàn diện cho đến kỹ năng tác chiến thực tế, đã thể hiện năng lực chiến đấu vượt trội trước một đội quân bị đánh tan rã về tư tưởng và tổ chức kỷ luật.

Tướng lĩnh, cố vấn Nga đổ máu để lên đời quân đội Syria - Ảnh 2.

Lực lượng đặc nhiệm Nga tham gia chiến dịch giải phóng thành phố Palmyra

Đối với các cố vấn quân sự Nga, nhiệm vụ không còn đơn giản như thời kỳ trước đây.

Hầu hết các lực lượng quân sự Nga có mặt ở Syria, từ lực lượng đặc nhiệm, quân cảnh đến các cố vấn quân sự đều buộc phải tham gia công tác đào tạo, huấn luyện, tham mưu tác chiến dưới mọi hình thức khác nhau, bao gồm cả những nhiệm vụ khó khăn như thực hiện một trận đánh theo chiến thuật đặc công hoặc huấn luyện thực tế bắn tỉa, tham mưu cố vấn cho lực lượng pháo binh quân đội Syria tổ chức hỏa lực yểm trợ bộ binh trên chiến trường.

Môi trường làm việc của các cố vấn Nga trong điều kiện tác chiến trên chiến trường Syria cũng thực sự khó khăn.

Các cố vấn quân sự Nga thực tế buộc phải trở thành các chiến binh đa nhiệm, từ công tác chuẩn bị các phương tiện kỹ thuật, lên kế hoạch chiến đấu trên bản đồ, tổ chức trinh sát cho đến tổ chức các đơn vị hỏa lực, các hoạt động liên kết phối hợp, hậu cần...hầu như tất cả để đảm bảo cho một trận đánh, một chiến dịch hoạt động nhịp nhàng.

Hơn thế nữa, môi trường tư tưởng phức tạp khiến các cố vấn, chuyên gia quân sự Nga cũng phải hết sức cẩn trọng trong các nhiệm vụ để đảm bảo an toàn cho chính mình.

Những sự cố xảy ra như bị tấn công bằng mìn cài trong xe, bị pháo kích, bắn tỉa hay những tình huống khác hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào do mối quan hệ tôn giáo - tư tưởng phức tạp của người Ả rập cũng như sự buông lỏng cảnh giác của binh sĩ Syria.

Hoặc những vụ tấn công vào đoàn xe hòa giải dân tộc của Nga, các đơn vị bảo vệ rút lui, để mặc cho binh sĩ Nga tự xoay xở.

Trên thực tế, các cố vấn quân sự Nga không có khả năng điều hành các đơn vị quân đội Syria trên chiến trường, đó là quyền lực của các sĩ quan chỉ huy quân đội Syria. Một phần không nhỏ các ý kiến tham mưu không được chấp nhận, hoặc không được triển khai đúng theo yêu cầu đặt ra.

Một trong những ví dụ rõ nhất khiến các đơn vị đặc nhiệm Nga phải phá hủy kho vũ khí, rút lui nhanh chóng khỏi chiến trường Palmyra là các đơn vị quân đội Syria sau một vài đòn tấn công bằng xe đánh bom tự sát VBIED đã tháo lui nhanh chóng không chiến đấu trước cuộc tấn công của IS.

Mặc dù thực tế chiến trường thực sự khó khăn đối với các cố vấn quân sự Nga hiện nay, nhưng vị trí vai trò và sứ mệnh của bộ máy cố vấn quân sự Nga đóng vai trò then chốt trong việc giành thắng lợi trên chiến trường, tương tự như lực lượng Không quân Nga ở Syria.

Một số các đơn vị vũ trang Syria tác chiến hiệu quả khi được các sĩ quan Nga tham mưu cố vấn như Lữ đoàn 103 Vệ binh Cộng hòa trên chiến trường Latakia, lực lượng Diều hâu Sa mạc và lực lượng Tiger, lực lượng không quân Syria do Nga huấn luyện ở Hmeymim.

Gần đây nữa là quân đoàn tình nguyện số 5 do các cố vấn Nga huấn luyện. Nhưng ở hầu hết các đơn vị còn lại, tình trạng trì trệ, vô kỷ luật chiến trường và tâm lý chiến đấu ỷ lại vào không quân Nga – Syria vẫn rất nặng nề.

Quân đội Syria cần phải thay đổi hầu như về căn bản, từ cơ cấu tổ chức các lực lượng vũ trang (chính quy và tình nguyện), nghĩa vụ và hợp đồng, cơ quan quân sự tư nhân và quân đội chính quy thường trực, đến học thuyết quân sự, tư duy chiến lược chiến thuật, kỹ năng chiến đấu cũng như nền tảng tư tưởng chính trị tinh thần.

Chỉ có như vậy mới có thể giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống khủng bố phức tạp này, điều đó có nghĩa là nhiệm vụ của các cố vấn quân sự Nga rất nặng nề và có thể sẽ còn có những thương vong không thể tránh khỏi của các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, thực hiện sứ mệnh cố vấn ở Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại