Thế nhưng, cây chổi ấy lại là một trong những biểu tượng oai hùng nhất mà kíp thủy thủ đoàn nào cũng mong muốn có được, bởi nó tượng trưng cho việc con tàu đã tiêu diệt được toàn bộ đội tàu của đối phương, quét sạch chúng trên biển.
Các nhà sử học không rõ truyền thống treo chổi này bắt nguồn từ đâu, nhưng theo câu chuyện được lưu truyền nhiều nhất thì truyền thống này do một Đô đốc Hà Lan khởi xưởng trong những năm 1650, sau khi con tàu của ông quét sạch quân Anh trong trận hải chiến Dungeness.
Chiến thắng vang dội của tàu Wahoo
Kíp thủy thủ của tàu Wahoo giành thắng lợi lớn giữa cuộc giao tranh 5 ngày căng thẳng với quân Nhật. Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 24/1/1943, khi tàu Wahoo đang trinh sát một căn cứ tiền tuyến của Nhật Bản trên hòn đảo nhỏ gần Papua New Guinea.
Trong lúc thực hiện nhiệm vụ, các thủy thủ trên tàu phát hiện 1 tàu khu trục của Nhật gần đó.
Mang theo nhiều ngư lôi và không phát hiện thấy mối đe dọa nào khác xung quanh, tàu Wahoo quyết định tấn công. Nó bắn ra loạt 3 quả ngư lôi nhưng không trúng mục tiêu, do đánh giá thấp tốc độ của chiếc tàu khu trục Nhật.
Wahoo tiếp tục bắn quả ngư lôi thứ 4 sau khi tính toán tốc độ của tàu đối phương nhưng vẫn không thành công.
Ngay lập tức, con tàu của Nhật lao vun vút về phía tàu Wahoo, tìm cách tiêu diệt chiếc tàu ngầm của Mỹ. Lúc này, kíp thủy thủ của tàu Wahoo đã đưa ra một quyết định liều lĩnh, họ giữ con tàu ở nguyên vị trí.
Khi chiếc tàu khu trục chỉ còn cách Wahoo hơn 1km, con tàu Mỹ bắn quả ngư lôi thứ 5 nhưng một lần nữa trượt mục tiêu.
Tàu khu trục Hayate của Hải quân Đế quốc Nhật năm 1925. Con tàu này tương đối nhỏ và yếu nhưng lại thích hợp để tiêu diệt tàu ngầm và bảo vệ các tàu cùng phe (Ảnh: Puclic Domain/We are the Mighty).
Tại khoảng cách hơn 700m, tàu Wahoo tiếp tục bắn quả ngư lôi thứ 6 và cũng là quả ngư lôi cuối cùng bố trí phía trước tàu.
Nguy cơ thất bại lớn tới mức thiếu tá hải quân Mỹ Dudley Morton đã phải ra lệnh một cú lặn gấp ngay sau khi bắn.
Tuy nhiên, quả ngư lôi cuối cùng đã bắn trúng giữa con tàu Nhật, làm gãy sống tàu và khiến nồi hơi trên tàu phát nổ.
Tàu Wahoo giành thắng lợi đầu tiên.
26/1, một ngày sau vụ tấn công, tiếp tục trở thành ngày định mệnh của tàu Wahoo.
Chỉ vài tiếng sau khi mặt trời mọc, một sĩ quan trên tàu phát hiện ra làn khói phía chân trời và thiếu tá Morton ra lệnh cho tàu Wahoo tiến hành đánh chặn.
Họ phát hiện thấy một đoàn gồm 4 tàu: 1 tàu chở dầu, 1 tàu vận tải chở lính và 2 tàu chở hàng.
Chúng đều là mục tiêu có giá trị cao, tuy nhiên, quan trọng nhất là 2 tàu chở lính và chở dầu, bởi đánh chìm tàu chở lính đồng nghĩa quân Mỹ có thể bảo toàn hàng nghìn mạng sống, còn đánh chìm tàu chở dầu sẽ chặt đứt nguồn nhiên liệu cho tàu chiến Nhật Bản, khiến cỗ máy chiến tranh của đế quốc này bị kìm lại.
USS Wahoo là một trong những tàu ngầm thành công và nổi tiếng nhất của Mỹ thời Thế chiến II (Ảnh: Puclic Domain/We are the Mighty).
Chúng không có tàu hộ tống đi cùng nhưng tàu Wahoo vẫn phải cảnh giác trước những khẩu pháo hạm trên tàu đối phương và nguy cơ bị đâm. Con tàu Mỹ bắn loạt 4 quả ngư lôi vào 2 chiếc tàu chở hàng, 3 quả trúng mục tiêu. Chiếc đầu tiên chìm xuống, còn chiếc thứ hai hư hại.
Wahoo tiếp tục chuyển hướng tấn công tàu chở dầu và tàu chở lính của Nhật Bản. Lúc này, chiếc tàu vận tải chở lính tăng tốc, lao thẳng về phía tàu Wahoo.
Thiếu tá Morton lại quyết định đi một nước cờ mạo hiểm, thay vì tìm cách tránh tàu đối phương, Wahoo đợi con tàu của Nhật tiến tới gần rồi bắn ngư lôi.
Sau khi quả ngư lôi được bắn đi, chiếc tàu Nhật buộc phải cơ động vòng tránh. Nhưng cũng chính vì thế mà nó để lộ mạn tàu, trở thành "mồi ngon" cho chiếc tàu ngầm Mỹ.
Tàu chở dầu của Hải quân đế quốc Nhật thời Thế chiến II (Ảnh: Puclic Domain/We are the Mighty).
Tàu Wahoo bắn thêm 2 quả ngư lôi nữa về phía tàu vận tải Nhật và lặn xuống để tránh bị tấn công. Con tàu vẫn đang lặn xuống khi cả 2 quả ngư lôi đánh trúng mục tiêu.
Quả ngư lôi đầu tiên không phát nổ nhưng quả ngư lôi cuối cùng được ngắm bắn một cách cẩn trọng đã gây ra vụ nổ lớn, đặt dấu chấm hết cho chiếc tàu Nhật.
8 phút sau, tàu Wahoo nổi lên trên mặt nước và thấy chiếc tàu vận tải đã bị tiêu diệt.
Trong lúc tàu chở dầu và chiếc tàu chở hàng bị hư hại tìm cách trốn thoát, thiếu tá Morton ra lệnh đánh chìm tất cả các xuồng có người lái được triển khai từ chiếc tàu vận tải.
Quyết định này đã gây tranh cãi, song lúc đó, lý trí của Morton cho rằng những chiếc xuồng này là mục tiêu chính đáng và bất cứ tên lính nào còn sống sót trong trận giao tranh này cũng có thể sẽ tiếp tục giết chết lính bộ binh và lính thủy đánh bộ Mỹ trong các cuộc giao tranh trên bộ.
Một vài giờ sau, Wahoo tìm thấy và tiếp tục tấn công 2 chiếc tàu còn sống sót của Nhật. Chiếc tàu chở dầu và tàu chở hàng đã di chuyển về phía bắc nhưng không thể chạy đủ nhanh để thoát khỏi tàu ngầm Mỹ.
Wahoo đợi màn đêm buông xuống và bắn 2 quả ngư lôi về phía tàu chở dầu. Một quả trúng mục tiêu nhưng chiếc tàu Nhật vẫn đủ khả năng để di chuyển nhanh.
Số ngư lôi trên tàu Wahoo lúc này chỉ còn lại 4 quả còn 2 con tàu Nhật vẫn tiếp tục cơ động vòng tránh.
Wahoo quyết định phục kích và nghiên cứu cách di chuyển của chúng.
Chiếc Helldiver của Hải quân Mỹ bay qua một chiếc tàu chở dầu đang bốc cháy của Nhật Bản năm 1945 (Ảnh: Hải quân Mỹ).
Khi đã chắc chắn, họ quyết định tiếp tục tấn công. Cặp ngư lôi đầu tiên nhằm vào tàu chở dầu. Một quả trúng vào giữa tàu, làm gãy sống tàu và nhanh chóng khiến con tàu chìm nghỉm.
Để chống trả, chiếc tàu chở hàng đã bắn ra tất cả những loại vũ khí mang theo vào con tàu Mỹ và suýt trút nữa trúng mục tiêu, khiến tàu Wahoo phải lặn xuống.
Sau đó, phía chân trời bất ngờ xuất hiện ánh đèn pha, có thể là tín hiệu cho thấy một chiếc tàu chiến của Nhật sẽ đến giải cứu chiếc tàu chở hàng.
Giây phút quyết định đã tới, Wahoo cẩn trọng ngắm phát bắn cuối cùng. Hai quả ngư lôi đã đánh chìm được chiếc tàu chở hàng trước khi tàu chiến Nhật kịp đến.
Chiếc chổi đã trở thành biểu tượng của chiến thắng (Ảnh: Hải quân Mỹ).
Kíp thủy thủ tàu ngầm Mỹ nhanh chóng rời khỏi khu vực và tiếp tục chuyến tuần tra của mình. Họ tìm cách tấn công một đội tàu khác vào ngày 27/1 và trinh sát cơ sở thuốc nổ của Nhật vào ngày 28/1 trước khi quay trở về Trân Châu Cảng với chiếc chổi.
Ngoài tàu Wahoo, nhiều tàu khác của Mỹ cũng sử dụng chiếc chổi như một biểu tượng của thắng lợi lớn, chẳng hạn như tàu USS Cheyenne năm 2003 khi mọi tên lửa Tomahawk mà nó bắn ra trong cuộc chiến tại Iraq đều đánh trúng mục tiêu.