Tương lai mới của dự án 70 tỷ USD, đi qua 20 tỉnh thành sẽ thẳng tiến từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau?

Thái Hà |

Đây là nội dung được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề cập trong buổi làm việc ngày 25/9.

Xem xét kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau

Làm việc về tình hình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, ngày 25/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ GTVT tiếp thu, quán triệt chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, cũng như các ý kiến đóng góp tâm huyết của bộ, ngành, chuyên gia và nhân dân; tiếp tục cập nhật, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Quốc hội, tập trung vào những vấn đề có cơ sở khoa học và thực tiễn.

Cụ thể là, ngoài phạm vi đầu tư từ điểm đầu dự án là TP. Hà Nội đến điểm cuối tại TPHCM, cũng cần xem xét, nghiên cứu phương án kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau.

"Bộ GTVT phải phân tích ưu điểm, lợi ích đầu tư toàn tuyến sẽ kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác so với đầu tư trước một số đoạn tuyến. Đánh giá hiệu quả của đường sắt tốc độ cao chuyên vận chuyển hành khách (hoặc kết hợp vận tải hàng hóa khi cần thiết) đối với cả nền kinh tế, chứ không giới hạn trong ngành đường sắt", Phó Thủ tướng nói.

Tương lai mới của dự án 70 tỷ USD, đi qua 20 tỉnh thành: Thẳng tiến từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau? - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Bên cạnh đó, báo cáo tiền khả thi cần thể hiện được quan điểm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế 350 km/h "thẳng nhất có thể", "gặp núi qua núi, gặp sông bắc cầu".

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy, mục tiêu đầu tư dự án là phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư trước năm 2025; giải phóng mặt bằng, khởi công trước năm 2030; hoàn thành toàn tuyến trước năm 2045.

Phạm vi đầu tư của dự án có điểm đầu tại TP. Hà Nội: Tổ hợp ga Ngọc Hồi (đầu mối vận chuyển hành khách và hàng hóa phía nam của khu đầu mối đường sắt Hà Nội). Điểm cuối tại TPHCM: Ga Thủ Thiêm (đầu mối vận chuyển hành khách phía đông của khu đầu mối đường sắt TPHCM).

Tương lai mới của dự án 70 tỷ USD, đi qua 20 tỉnh thành: Thẳng tiến từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau? - Ảnh 2.

Các đại biểu trong buổi làm việc về tình hình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự án có tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài khoảng 1.541 km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; đường sắt Bắc - Nam hiện hữu vận chuyển hàng hóa và khách du lịch chặng ngắn, vốn đầu tư từ 60-70 tỷ USD.

Xây dựng đường sắt tốc độ cao từ Móng Cái đến Cà Mau có ưu điểm gì?

Việc xây dựng đường sắt tốc độ cao đến Móng Cái có nhiều ưu điểm, mang lại lợi ích về kinh tế, thương mại, du lịch, đặc biệt là khi xét đến khả năng kết nối xuyên biên giới tới Trung Quốc. Bởi Móng Cái nằm gần biên giới Trung Quốc, việc xây dựng đường sắt tốc độ cao đến đây sẽ mở ra khả năng kết nối vào mạng lưới đường sắt nước bạn.

Điều này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, du lịch, và giao thương quốc tế, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu cho Việt Nam. Việc kết nối đường sắt tốc độ cao với Trung Quốc sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển, thời gian giao hàng, và tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. 

Tương lai mới của dự án 70 tỷ USD, đi qua 20 tỉnh thành: Thẳng tiến từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau? - Ảnh 3.

Móng Cái - nơi địa đầu Tổ quốc. Ảnh: LĐO

Hơn nữa, đường sắt tốc độ cao sẽ thu hút du khách từ Trung Quốc và các nước khác đến Việt Nam dễ dàng hơn. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy ngành du lịch, đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc. 

Việc có một tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ giúp giảm tải áp lực cho các cửa khẩu đường bộ, giúp hàng hóa lưu thông nhanh hơn, hạn chế tình trạng ùn tắc và nâng cao hiệu quả thông quan.

Bên cạnh đó, việc xây dựng đường sắt tốc độ cao đến Đất Mũi Cà Mau – điểm cực Nam của Việt Nam mang lại nhiều lợi ích quan trọng, đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tiềm năng lớn về nông nghiệp, thủy sản và du lịch. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông còn yếu kém là một rào cản lớn. Đường sắt tốc độ cao sẽ giúp cải thiện kết nối, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tạo động lực cho công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế khác phát triển.

Cùng với đó, Đất Mũi Cà Mau là điểm đến du lịch nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, khu dự trữ sinh quyển thế giới và các văn hóa đặc trưng của miền sông nước. Đường sắt tốc độ cao sẽ thu hút thêm nhiều du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Cà Mau.

Tương lai mới của dự án 70 tỷ USD, đi qua 20 tỉnh thành: Thẳng tiến từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau? - Ảnh 4.

Mũi Cà Mau. Ảnh: Báo Cà Mau

Với chi phí vận chuyển thấp và thời gian nhanh chóng, đường sắt tốc độ cao sẽ giúp giảm chi phí logistics, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa nông sản, thủy sản từ Cà Mau và các tỉnh lân cận trong khu vực đến các trung tâm tiêu thụ lớn hoặc xuất khẩu.

Dự án đường sắt tốc độ cao sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân địa phương thông qua các dịch vụ đi kèm như nhà ga, khách sạn, nhà hàng, và các dịch vụ logistics...  

Thái Hà

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại