Từng "gắn nhãn" xấu khiến con tự ti, bà mẹ có cách sửa sai đáng học hỏi

HIỂU ĐAN |

Cứ như thế, đến một ngày, giật mình nhìn lại, nhận thấy mối quan hệ giữa hai mẹ con ngày càng theo chiều hướng xấu đi, chị Giang mới tìm mọi cách để kết nối lại với con.

"Sao con vô trách nhiệm thế? Toàn nói rồi không giữ lời hứa, rồi ai tin nổi con"; "Mẹ không thể chịu nổi cái thói ỷ lại của con, lúc nào cũng chờ người khác phục vụ là sao?"; "Mẹ chả hiểu đầu óc của con bị làm sao? Sao lúc nào con cũng quên thế nhỉ?"...

Đây là những câu nói mà trước đây chị Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) từng thốt ra với con kèm thái độ "3 phần bất lực 7 phần tức giận". Chị liên tục nhắc nhở vì muốn con ghi nhớ. Thế nhưng, không chỉ không hiệu quả, những câu nói "sát thương" này còn găm vào đầu con chân dung của chính mình là những đứa vô trách nhiệm, ỷ lại, đầu óc có vấn đề, không thể chấp nhận nổi với mẹ.

Từng gắn nhãn xấu khiến con tự ti, bà mẹ có cách sửa sai đáng học hỏi - Ảnh 1.

Con trai chị Giang từng bị mẹ "gắn nhãn" xấu

Khi con bước vào giai đoạn cấp 2, cậu bé phản ứng rất quyết liệt với cách ứng xử này của mẹ, không còn âm thầm mà thể hiện thái độ rất rõ: Không trả lời lại, thách thức làm ngược lại những gì mẹ bảo và dần lảng tránh việc ở bên mẹ. Đỉnh điểm là đi đâu có mẹ con đều né, con nói con ghét mẹ!

"Ban đầu mình không suy nghĩ nhiều về câu nói đó, nghĩ trẻ con không được đáp ứng yêu cầu thì giận dỗi, ai chả thế rồi phải tập quen thôi! Nhưng khi quan sát nhiều hơn mình cảm thấy đó là những rạn nứt, mất kết nối rất đáng buồn. Cảm thấy đứa con của mình nó cứ xa mình và mình đã thực sự thức tỉnh, mình tìm hiểu và bước đầu nhận thức người cần chỉnh cần uốn là mình chứ không phải là con", chị Giang chia sẻ.

Chị Giang bắt đầu công cuộc "soi" nhưng không phải soi lỗi mà là soi những cử chỉ, hành động tốt để có cái khen con! Mỗi ngày trong 3 tháng qua, gần như ngày nào con cũng nhận được "quà" từ mẹ. Chính chị Giang, qua từng ngày khen con đã tự vỡ ra một điều "con mình ổn mà, nhiều điểm tốt mà", chị cảm thấy thư thái hơn, đôi mắt nhìn con tích cực hơn rất nhiều:

"Con 12 tuổi lại cá tính, đâu dễ nhận những lời khen kiểu con giỏi thế, con ổn quá nữa, con sẽ thấy mẹ 'quay xe' và nghi ngờ. Vậy nên mình phải học khen: Khen cụ thể cái mẹ quan sát được: Con đã nhớ đóng cửa, con nhặt được tiền thì trả lại mẹ, con tắt tivi đúng giờ… Từ hành động tốt con làm được, mình gọi tên thành tính cách tốt để con thấy hành động tốt đó nói lên điều gì về mình một cách rõ ràng: Trí nhớ tốt, trung thực hay giữ lời hứa" ...

Chị viết lời khen vào những chiếc note đặt ở bàn học, bàn ăn, cặp sách… để khiến con ngạc nhiên và để con có thể lưu lại nó, đọc lại về sau. Khi gửi note, chị thường kèm theo một chút quà nhỏ, hay một lời mời…

"Thỉnh thoảng mình bâng quơ khen con trước các thành viên khác: Khi bố con đi làm về mình đều cố gắng kể lại cho bố việc con làm tốt, cố gắng nói to hoặc nhằm lúc con đang gần đó để con cũng nghe thấy. Vì khen cụ thể nên chẳng thấy lố gì. Mình muốn con dần quên đi những chiếc nhãn xấu xí mà mình từng đã gắn. Kiên trì như vậy gần 3 tháng, mình và con đã có những biến chuyển lớn trong kết nối. Bản thân con có cái nhìn tích cực hơn về chính mình" , bà mẹ chia sẻ.

Từng gắn nhãn xấu khiến con tự ti, bà mẹ có cách sửa sai đáng học hỏi - Ảnh 2.
Từng gắn nhãn xấu khiến con tự ti, bà mẹ có cách sửa sai đáng học hỏi - Ảnh 3.
Từng gắn nhãn xấu khiến con tự ti, bà mẹ có cách sửa sai đáng học hỏi - Ảnh 4.
Từng gắn nhãn xấu khiến con tự ti, bà mẹ có cách sửa sai đáng học hỏi - Ảnh 5.
Từng gắn nhãn xấu khiến con tự ti, bà mẹ có cách sửa sai đáng học hỏi - Ảnh 6.

Thành quả ngọt ngào

Một ngày, chị Giang hỏi con có thích về nhà không? Con trai bảo có. Ngày ngày mẹ con luôn ôm nhau, không như trước đây sờ vào tay là con vằng ra. Lúc này, bà mẹ thấy lòng mình rộn ràng bởi những cố gắng "xóa nhãn" cho con đã bước đầu gặt được quả ngọt.

"Với con, mình thấy bạn bắt đầu chú ý đến cảm xúc của mẹ hơn có thể vì bạn đã được nhận sự tôn trọng nên bạn biết thế nào là tôn trọng. Bạn dần dần biến chuyển tích cực trong hành vi, các hành vi tốt được khen theo cách này có thể khiến bạn nhớ rõ nó là cái gì, nên bạn lặp lại hành động tốt nhiều lần sau đó: Đi đường thấy rác sẽ nhặt bỏ vào thùng, giúp đỡ em gái nhỏ hơn 4 tuổi đưa đi học, chia sẻ công việc nhà với em. Bạn và mẹ bàn bạc về việc chơi việc học và bạn có xu hướng tuân thủ các cam kết cùng mẹ vì bạn nhận thức được mẹ đã làm mình vui thì mình cũng sẽ không để mẹ buồn.

Các hoạt động học mẹ con trao đổi cởi mở bạn bắt đầu đồng ý tham gia các hoạt động cờ vua, đi xe đạp, tham gia các cuộc thi nhà trường tổ chức… khác với trước đây vì biết bố mẹ mong muốn nhưng vì đang ghét nên bạn sẽ cố tình làm ngược, nhất quyết không tham gia để trêu tức bố mẹ" , chị Giang chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại