Từng ăn trái đắng, vì sao Nga vẫn bán vũ khí tiên tiến cho TQ?

Hải Vy |

Moscow đã lặng lẽ khôi phục lại các thỏa thuận cung cấp công nghệ vũ khí tiên tiến cho Bắc Kinh.

Theo tờ Financial Times, đây là dấu hiệu cho thấy các vấn đề địa chính trị và kinh tế đang lấn át những lo ngại của Nga về nguy cơ Trung Quốc sao chép vũ khí.

Nga bán vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc

Trong tuần này, các quan chức Nga và Trung Quốc tới tham dự triển lãm hàng không Chu Hải đều thông báo rằng Moscow sẽ chuyển giao lô máy bay chiến đấu Su-35 đầu tiên (gồm 4 chiếc) cho Bắc Kinh vào cuối năm nay.

"Chúng tôi đang thực hiện hợp đồng ký kết tháng 11 năm ngoái" - ông Vladimir Drozhzhov, phó Giám đốc Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật-quân sự cho biết, đồng thời lưu ý thêm rằng Trung Quốc đã ký thỏa thuận bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Nga.

Các phi công Trung Quốc đang được đào tạo tại Nga và sắp tới sẽ tự lái Su-35 về nước. Thỏa thuận cung cấp 24 máy bay chiến đấu Su-35 trị giá 2 tỷ USD dự kiến sẽ được hoàn tất trong vòng 3 năm.

Mặc dù trong tuần này, Trung Quốc vừa ra mắt tiêm kích tàng hình tiên tiến do nước này tự chế tạo nhưng phải mất vài năm nữa, Bắc Kinh mới có thể triển khai chúng với quy mô lớn.

Theo Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm, Trung Quốc hiện là nước có mức chi tiêu quân sự lớn thứ 2 thế giới, với ngân sách quốc phòng năm ngoái là 215 tỷ USD.

Nước này còn là quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều thứ 3 thế giới trong giai đoạn 2011-2015. Trong khi đó, Nga đang nắm giữ vị trí nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới.

Từ hợp đồng Su-35, cùng với thỏa thuận cung cấp tên lửa đất-đối-không S-400 (ký năm 2014, dự kiến giao hàng năm 2018), có thể thấy Nga đang nới lỏng lệnh cấm bán các hệ thống vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc mà nước này áp đặt từ năm 2004.

Theo ông Drozhzhov, tổng giá trị các hợp đồng giữa 2 phía lên tới 8 tỷ USD.

Từng ăn trái đắng, vì sao Nga vẫn bán vũ khí tiên tiến cho TQ? - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không S-400

Vì sao?

Vasily Kashin, một chuyên gia về công nghiệp vũ khí Trung Quốc nhận định, các thỏa thuận này là "dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang quay trở lại là một trong những nước nhập khẩu nhiều nhất vũ khí Nga".

Vị chuyên gia cho rằng, công nghệ Nga sẽ tăng cường đáng kể năng lực phòng không của Trung Quốc, nhất là khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang trở nên căng thẳng do những tranh chấp ở tây Thái Bình Dương.

"Xét tới việc Nga đang làm mọi cách để ngăn cản kế hoạch chiến lược của Mỹ và đồng minh thì không có gì ngạc nhiên khi họ sẵn sàng cung cấp một số vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc" - Allan Behm, chuyên gia an ninh tại Canberra nhận định.

Thập niên 90 của thế kỷ trước là giai đoạn Bắc Kinh phụ thuộc nhiều nhất vào công nghệ của Moscow. Đây là thời điểm Trung Quốc đang hiện đại hóa quân đội, trong khi ngân sách quốc phòng của Nga đã cạn kiệt.

"Trong những năm 1990, nhờ có Trung Quốc và Ấn Độ, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã sống sót" - Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ tại Moscow cho hay.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa 2 phía đã trở nên xấu đi sau khi Bắc Kinh sao chép một số hệ thống vũ khí của Nga - rùm beng nhất là J-11, bản sao của máy bay chiến đấu Su-27/30.

"Đó là điều Trung Quốc luôn làm trong mọi lĩnh vực của ngành kinh tế", ông Kashin nói, "bạn phải tính toán mức độ rủi ro".

Tới năm 2014, xuất hiện một số nhân tố khiến Nga và Trung Quốc nối lại quan hệ trong lĩnh vực này. Bắc Kinh nhận ra rằng nước này vẫn cần tới vũ khí Nga.

Song Zhongping, một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh cho biết, mặc dù Nga không còn hỗ trợ quốc phòng cho Trung Qốc nhiều như giai đoạn 1980, 1990 nhưng "vũ khí Nga thực sự đã cải thiện năng lực chiến đấu của PLA".

Trong khi đó, sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, các lệnh trừng phạt kinh tế do phương Tây áp đặt và giá dầu tụt dốc đã khiến Moscow gặp khó khăn.

"Đột nhiên Nga rơi vào cuộc chiến tranh lạnh với phương Tây và cần sự hỗ trợ chính trị từ phía Trung Quốc" - ông Pukhov nói.

Mặc dù Nga bắt đầu đàm phán cung cấp S-400 và Su-35 trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine nhưng sau sự kiện này, các thỏa thuận cuối cùng mới được thông qua. Ông Kashin cho rằng, nguy cơ các máy bay Su-35 và tên lửa S-400 bị sao chép tương đối nhỏ, bởi các thỏa thuận trên không bao gồm chuyển giao công nghệ.

"Họ không thể sao chép động cơ máy bay, việc sao chép các thiết bị điện tử mất nhiều thời gian tới mức phía sản xuất có đủ khả năng để cho ra đời hệ thống mới trong khoảng thời gian đó" - ông Kashin nói.

Bên cạnh đó, vẫn có một số hệ thống vũ khí mà Nga chắc chắn sẽ không bán cho Trung Quốc, chẳng hạn như công nghệ cho phép tên lửa hành trình của tổ hợp Iskander cơ động ở tốc độ cao, khiến hệ thống phòng thủ của đối phương khó lòng ngăn chặn.

Ngoài ra, Moscow cũng sẽ không cung cấp cho Bắc Kinh các hệ thống vệ tinh có khả năng phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại