Trường hợp bé trai 8 tuổi ở Đoan Hùng, Phú Thọ bị lệch mặt, méo miệng do dùng điều hoà sai cách đã dấy lên nhiều lo lắng về vấn đề sức khoẻ mùa nóng. Những lo lắng này ngày càng dâng cao khi biết được rằng hiện tượng này được chẩn đoán nguyên nhân là từ việc nằm ngủ trong môi trường điều hoà nhiệt độ thấp.
Cứ mỗi khi hè tới, điều hoà lại trở thành vật dụng mà gia đình nào cũng có và sử dụng hầu như mỗi ngày.
Thế nên khi biết được rằng những thói quen sử dụng điều hoà tưởng chừng bình thường cũng có khả năng ảnh hưởng đến sức khoẻ thì việc này được rất nhiều người quan tâm, chứ không riêng những gia đình có con nhỏ.
Trường hợp cháu bé ở Phú Thọ gây nên nỗi lo trẻ em bị méo mặt do ngủ máy lạnh nhiệt độ thấp.
Vậy thì câu hỏi đặt ra ở đây là, việc sử dụng điều hoà nhiệt độ thấp ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ em nói riêng và người lớn nói chung như thế nào? Để giải đáp điều này, chúng tôi tìm đến bác sĩ nhi khoa Trần Thị Huyên Thảo, là tác giả của cuốn sách "Chào con! Ba Mẹ đã sẵn sàng!", người thường xuyên có những chia sẻ nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng trên trang cá nhân có hơn 118 ngàn followers của mình.
Thưa bác sĩ, hiện tượng méo miệng sau khi dùng điều hòa vì sao lại xảy ra, và có ảnh hưởng gì dài lâu đến sức khoẻ của bệnh nhân trong tương lai hay không?
Vì không trực tiếp thăm khám hay biết rõ về ca bệnh nên không thể nói rõ bé trong câu chuyện thật sự bị bệnh gì. Chỉ có điều nên nói rõ: việc tiếp xúc với không khí lạnh, ví dụ như điều hòa nhiệt độ thấp, không phải là nguyên nhân gây ra các triệu chứng thần kinh kể trên. Nhiệt độ không khí hoàn toàn không có bằng chứng liên quan đến bệnh nói chung, cũng như không thể làm tổn thương dây thần kinh để gây yếu liệt cơ (ví dụ ở đây là cơ miệng).
Thông thường nếu một bệnh nhân có yếu tố liệt cơ khu trú, các bác sĩ sẽ cần phải thăm khám xem có nguyên nhân bệnh đặc hiệu, ví dụ như u bướu gây chèn ép, viêm nhiễm khu trú, hoặc có bệnh lý hệ thần kinh trung ương gì đặc biệt hay không, chứ không thể nói chay trên một triệu chứng bất kì.
BS. Huyên Thảo cho biết: việc tiếp xúc với không khí lạnh, ví dụ như điều hòa nhiệt độ thấp, không phải là nguyên nhân gây ra các triệu chứng thần kinh (ảnh minh hoạ).
Cũng về vấn đề này, theo như một bài viết được giám định bởi Đại học Illinois-Chicago, Đại học Dược (University of Illinois-Chicago, College of Medicine), các nguyên nhân gây nên liệt cơ mặt bao gồm viêm nhiễm hoặc sưng thần kinh cơ mặt, chấn thương đầu, khối u não và cổ hoặc đột quỵ, nhưng không có nhắc đến yếu tố nhiệt độ.
Cho dù nhiệt độ thấp không gây ra các triệu chứng thần kinh, nhưng nhiều gia đình vẫn lo lắng về việc sử dụng máy lạnh khi có trẻ nhỏ. Theo chị, nhiệt độ máy lạnh quá thấp có thể mang lại ảnh hưởng gì với trẻ em nói riêng và người lớn nói chung?
Nhiều gia đình và ba mẹ rất căng thẳng với nhau về chuyện nên để nhiệt độ máy lạnh bao nhiêu là đủ. Lý do chính là vì lo sợ nhiệt độ có thể liên quan đến hoặc gây bệnh thêm cho con trẻ. Điều này, như đã nói ở trên, là không đúng.
Việc tiếp cận nhiệt độ thấp một cách đột ngột, hoặc tiếp xúc với luồng gió lạnh, có thể gây ra những phản xạ của cơ thể một cách tự động, ví dụ như, hắt xì hơi, ho, hoặc tiết dịch mũi (nhất là những bạn có cơ địa viêm mũi dị ứng chẳng hạn). Nhưng đây cũng chỉ là những phản xạ nhất thời và không gây bệnh, cũng như không ảnh hưởng đến bệnh đang có sẵn của bé nhỏ hay người lớn cả. Vì hiểu lầm này, mà nhiều gia đình khi sử dụng máy lạnh, lại đặt nhiệt độ rất cao 29-30 độ C, hoặc khi bật máy lạnh nhiệt độ mát hơn, thì lại cho con cháu mặc đồ dày, áo len, đội nón, quàng khăn. Điều này không giúp ích được gì, và làm mất đi ý nghĩa của việc sử dụng máy lạnh.
Tuy nhiên BS. cũng bổ sung thêm về một số trường hợp đặc biệt như đối với những người có cơ địa nhạy cảm, ví dụ như có tình trạng viêm mũi dị ứng, hen suyễn… việc sử dụng máy lạnh có thể làm triệu chứng viêm mũi và hen suyễn tệ đi.
Trường hợp này, các bạn nên đi khám để được đánh giá tình trạng bệnh cũng như lên kế hoạch kiểm soát bệnh.
Vậy thì theo bác sĩ, nhiệt độ điều hoà nên điều chỉnh như thế nào thì hợp lý nhất?
Các bạn nên nhớ, chúng ta dùng máy lạnh là để làm mát hơn không khí và nhiệt độ của môi trường xung quanh, giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn. Muốn biết nhiệt độ lý tưởng của nơi ở là bao nhiêu, thật sự là không có một con số nhất định, bởi còn tùy vào sở thích của từng người. Ví dụ như có người thích nhiệt độ phòng khoảng 24 - 26 độ C, vì thấy thoải mái nhất với nhiệt độ này.
Người khác lại có thể thích ấm hơn, 28 - 29 độ C. Người khác nữa lại có thể thích lạnh hơn, 23 - 24 độ C hoặc thấp hơn thế nữa.
Một điều cần lưu ý nữa, là khi các bạn cài đặt nhiệt độ cho máy lạnh, đó chưa chắc là nhiệt độ THẬT ở phòng. Thực tế nhất các bạn có thể thấy, là nếu thời tiết bên ngoài rất nóng, 34 - 36 độ C, thì ngay cả khi các bạn bật điều hòa 24 độ vẫn có cảm giác nóng. Còn nếu trời đang mưa lạnh bên ngoài, thì bạn bật điều hòa 24 độ C có thể có cảm giác lạnh, cần tăng nhiệt hơn.
Theo bác sĩ, một số sai lầm khi sử dụng điều hoà đối với những gia đình có con trẻ trong nhà là gì?
Trẻ em sau 1 tháng tuổi điều hòa thân nhiệt đã bắt đầu tốt và ổn định, vì vậy, nếu bạn cho trẻ nhỏ nằm phòng có máy lạnh, bạn chỉ cần đặt nhiệt độ sao cho bạn cảm thấy thoải mái là được rồi. Khi trẻ lớn hơn, trẻ có thể yêu cầu nhiệt độ nóng lạnh khác với bạn, điều này hoàn toàn bình thường.
Nhiều gia đình nghe ngóng thông tin về bệnh dịch, nhiễm trùng từ hệ thống máy lạnh. Đúng là có những trường hợp đó, nhưng rất rất hiếm gặp, và thường liên quan đến hệ thống máy lạnh trung tâm lớn và đồ sộ.
Nếu bạn muốn kĩ, nên vệ sinh máy lạnh đang dùng định kì. Nói tóm lại, là máy lạnh là dụng cụ bị "oan" nhiều nhất trong lịch sử khám bệnh của mình, vì bệnh gì hoặc triệu chứng gì người nhà cũng có thể đổ cho máy lạnh.
Thật ra, máy lạnh chỉ giúp chúng ta thay đổi nhiệt độ nơi ở theo chúng ta mong muốn nên các bạn cứ thoải mái điều chỉnh theo sở thích của mình.
BS. nhi khoa Trần Thị Huyên Thảo.
Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo từng du học tại ĐH Monash (Úc), là Giám đốc phòng khám Happy Baby và là tác giả của ba đầu sách được nhiều gia đình đón nhận, bao gồm: "Chat với bác sĩ", "Bước đệm vững chắc vào đời" và "Chào con! Bố mẹ đã sẵn sàng!".