TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho biết: Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia hiện nay không sử dụng vaccine nào của Trung Quốc, nhiều loại vaccine Việt Nam đã sản xuất được nên không phải dùng vaccine Trung Quốc .
Bê bối vaccine “đê hèn” và gây phẫn nộ
Tâm điểm trong vụ bê bối chấn động của Trung Quốc là Cty Changchun Changsheng - công ty có trụ sở ở tỉnh Cát Lâm, phía đông bắc nước này.
“Việc sản xuất vaccine bất hợp pháp của công ty công nghệ sinh học Changchun Changsheng (Trường Sinh Trường Xuân) là hành vi đê hèn và đáng phẫn nộ”- đài truyền hình trung ương CCTV dẫn lời ông Tập Cận Bình bình luận về vụ bê bối trong chuyến thăm Châu Phi.
Ông Tập Cận Bình cũng ra lệnh cho các nhà chức trách có hình phạt nghiêm minh “chữa trị căn bệnh (tham nhũng) mãn tính và đầu độc tận xương tủy người dân”.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định, chính quyền kiên quyết cải thiện việc giám sát vaccine và bảo đảm giới hạn an toàn để bảo vệ lợi ích nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.
Trước đó hôm 22.7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh, vụ việc đã vượt qua “lằn ranh đỏ” của đạo đức và lệnh điều ra tra toàn diện về quy trình sản xuất và bán vaccine.
Ông cũng tuyên bố sẽ xử lý nghiêm các bên liên quan tới bê bối vaccine rúng động này.
Theo công bố của cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm tỉnh Cát Lâm hôm 20.7, công ty Trường Sinh Trường Xuân có trụ sở tại thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bán 252.600 vaccine DPT (phòng chống bạch hầu, ho gà và uốn ván dành tiêm cho trẻ em từ 3 tháng tuổi) không đạt tiêu chuẩn cho trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Sơn Đông - cơ quan phụ trách y tế công cho tỉnh có dân số khoảng 100 triệu người.
Cuộc kiểm tra đã được giới chức tiến hành từ tháng 11.2017.
Thông tin về vụ bê bối vaccine chấn động được đưa ra chỉ 5 ngày sau khi cơ quan quản lý dược phẩm trung ương Trung Quốc phát hiện việc giả mạo số liệu 113.000 vaccine phòng bệnh dại của công ty này trong cuộc kiểm tra đột xuất.
Hành vi phạm tội nghiêm trọng khiến Cục quản lý dược trung ương Trung Quốc đã thu hồi giấy phép sản xuất vaccine phòng dại của công ty này.
Cảnh sát Trường Xuân cho biết đã mở cuộc điều tra hình sự về việc sản xuất bất hợp pháp vaccine phòng dại và bắt giữ chủ tịch cùng 4 lãnh đạo cấp cao của Trường Sinh Trường Xuân để thẩm vấn.
Đây là công ty mới nhất trong ngành công nghiệp dược phẩm Trung Quốc gây tai tiếng vì sản phẩm kém chất lượng.
Trong cuộc điều tra hồi tháng 11 năm ngoái, giới chức Trung Quốc cũng phát hiện một đơn vị sản xuất vaccine lớn khác là Viện sản phẩm sinh học Vũ Hán đã bán 400.520 vaccine DPT không đạt chất lượng cho Trùng Khánh và Hà Bắc, theo SCMP.
Cơn “sóng thần” phẫn nộ
Vaccine DPT trong cả 2 vụ việc đều được các cơ quan y tế công của các tỉnh mua để phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia của Trung Quốc. Vaccine DPT được cấp cho trẻ sơ sinh trên toàn quốc và được chính phủ trợ giá.
Trẻ sơ sinh thường được tiêm 3 liều, trong đó liều thứ nhất vào khoảng ba tháng tuổi. Vaccine rởm không hiệu quả trong việc phòng bệnh nhưng không rõ có thể gây hại hay không. Chưa có báo cáo nào về việc các trẻ bị bệnh sau khi tiêm vaccine.
Dù vậy, ấn bản khu vực Sơn Đông của tờ Nhân dân Nhật báo kêu gọi chính phủ Trung Quốc hành động để giảm bớt lo ngại của công chúng về vụ bê bối trong một bài xã luận: “Đừng để sự sợ hãi và phẫn nộ lan rộng”.
Bài báo cho rằng, vụ việc mới nhất có thể “dẫn tới có thêm nhiều người dân hoài nghi về vaccine sản xuất trong nước”.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc hôm 23.7 cho biết, vụ bê bối đã tạo ra một “cơn sóng thần” trên internet.
Một hashtag thảo luận về vấn đề này trên mạng xã hội Sina Weibo của Trung Quốc đã có hơn 600 triệu lượt xem.
Trên mạng xã hội, các bậc phụ huynh tố cáo công ty vì “theo đuổi lợi nhuận bất chấp sức khỏe cộng đồng” đồng thời đòi tử hình những kẻ vi phạm.
Cty Trường Sinh Trường Xuân đã phát một thông cáo vào tối 22.7 cho biết đã ngừng sản xuất vaccine DPT, nói cảm thấy “vô cùng xấu hổ” và xin lỗi sâu sắc tất cả những người bị ảnh hưởng.
Dưới sức ép từ chính quyền, công ty đã ngừng sản xuất và thu hồi vaccine “rởm”.
Công ty này cũng bị phạt 3,4 triệu nhân dân tệ (502.200 USD) về vụ vaccine DPT. Tuy nhiên, theo SCMP, đây là một khoản tiền nhỏ so với một công ty niêm yết trên thị trường với lợi nhuận 566 triệu nhân dân tệ trong năm ngoái.
Theo báo cáo thường niên, công ty này cũng nhận được 48,3 triệu nhân dân tệ từ các khoản trợ cấp mới của chính phủ trong năm 2017.
Căn nguyên của bê bối
Theo New York Times, các quan chức Trung Quốc đã coi đổi mới trong lĩnh vực dược phẩm là một ưu tiên quốc gia và vaccine hiện là một ngành công nghiệp đang bùng nổ với doanh thu hơn 3 tỷ USD mỗi năm.
Hệ thống tiêm chủng của Trung Quốc đã có những bước tiến trong những thập kỷ gần đây, với hệ thống quản lý được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận và 4 loại vaccine của nước này trong giai đoạn sơ tuyển để Liên Hợp Quốc phân phối cho các nước khác.
Ngoài ra, hơn 99% các mẫu vaccine được cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc đánh giá đạt tiêu chuẩn.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào vaccine kém chất lượng có thể vượt qua một hệ thống kiểm tra của nước này.
Theo SCMP, tham nhũng, chế tài ngăn chặn lỏng lẻo và thiếu hụt nhân sự đã góp phần dẫn tới bê bối vaccine mới nhất của Trung Quốc.
Vụ bê bối xảy ra vào thời điểm niềm tin của người dân Trung Quốc vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn sau vụ vaccine hết hạn cách đây 2 năm khiến 200 người có liên quan bị bắt giữ.
Vụ việc năm 2016 làm dấy lên làn sóng phẫn nộ khi số lượng vaccine trị giá 570 triệu nhân dân tệ không được bảo quản đúng cách hoặc hết hạn bị bán trái phép trên khắp Trung Quốc.
SCMP dẫn lời những chuyên gia trong lĩnh vực dược phẩm cho biết, đây là hệ quả của các công ty dược không tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất và các biện pháp kiểm tra, xử lý chưa thực sự nghiêm minh.
Một cựu nhân viên Viện Quốc gia về Thực phẩm và Dược Trung Quốc (NIFDC) cho hay, các cơ quan giám sát chính thức không có đủ nhân lực để đảm bảo kiểm tra dược phẩm đạt tiêu chuẩn và ngành công nghiệp này dựa vào sự tuân thủ của các công ty dược phẩm.
“Chúng tôi là viện duy nhất ở Trung Quốc có khả năng kiểm tra chất lượng và hiệu quả của vaccine, thậm chí không có các viện kiểm nghiệm cấp tỉnh có thể làm điều đó” - nguồn tin cho biết.
“Trung Quốc sản xuất hơn 1 tỷ vaccine mỗi năm, một khoảng cách là rất lớn. Không một quốc gia nào trên thế giới có đủ nhân lực để kiểm tra tất cả các vaccine trước khi đưa chúng ra thị trường” - nguồn tin nói thêm.
Trong cuộc kiểm tra đột xuất hôm 20.7, Cty Trường Sinh Trường Xuân bị phát hiện vi phạm giả mạo giấy tờ vaccine phòng bệnh dại, theo luật Trung Quốc, hình phạt cho vi phạm này lên tới 3 lần doanh thu từ số dược phẩm nói trên.
Tuy nhiên, nguồn tin SCMP nói: “Nó chỉ là “một sợi lông của 9 con bò” với các công ty dược và chưa đủ sức răng đe”.
Tao Lina, bác sĩ phụ trách các chương trình tiêm chủng của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Thượng Hải cũng cho biết mức phạt quá thấp.
Bê bối vaccine mới nhất xảy ra hơn một thập kỷ sau khi Zheng Xiaoyu - cựu lãnh đạo Cục quản lý dược và thực phẩm Trung Quốc bị xử tử vì nhận hối lộ để cấp phép cho thuốc và dụng cụ y tế chưa được kiểm tra.
"Chúng tôi không sử dụng vaccine nào có xuất xứ từ Trung Quốc"
Bê bối vaccine tại Trung Quốc khiến người dân Việt Nam lo ngại! Trao đổi với báo Lao Động, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết: Cục Quản lý Dược sẽ kiểm tra vaccine nhập khẩu vào Việt Nam và sớm có thông báo.
Trong khi chờ Cục Quản lý Dược tiến hành kiểm tra vaccine Trung Quốc có nhập khẩu vào Việt Nam hay không, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho biết: Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia hiện nay không sử dụng vaccine nào của Trung Quốc, nhiều loại vaccine Việt Nam đã sản xuất được nên không phải dùng vaccine Trung Quốc.
Giải thích rõ hơn về việc này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Nếu như trước đây chúng ta phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vaccine nhập ngoại thì đến thời điểm này, trong nước đã có 4 nhà máy sản xuất được 12 loại vaccine: Vaccine phòng ngừa Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viên gam A, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, tiêu chảy do Rota virus.
Trong đó 10 loại vaccine được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng quốc gia.
Ngoài ra đang Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu nhiều loại vaccine mới theo công nghệ hiện đại nhất để đưa vào sản xuất, sử dụng trong tương lai với mục tiêu đến năm 2020 sản xuất trong nước sẽ đáp ứng được 100% nhu cầu vaccine của người dân: Vaccine 6 trong 1, Vaccine Hib cộng hợp phòng ngừa viêm phổi và viêm màng não mủ, Vaccine phế cầu phòng ngừa viêm phổi; thương hàn tổng hợp; viêm não Nhật bản B bất hoạt trên tế bào vero; vaccine IPV phòng ngừa bại liệt tiêm, vaccine cúm mùa và ho gà vô bào...
"Hiện nay, vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván mà chúng ta đang lo ngại là của Trung Quốc, Việt Nam đã sản xuất được nên khó có việc nhập khẩu từ Trung Quốc", PGS.TS Phu nói.
Tại các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội, theo khảo sát của phóng viên Báo Lao động không có vaccine nào có xuất xứ từ Trung Quốc.
Tại Trung tâm tiêm chủng 131 Lò Đúc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Hà Nội) trong danh sách các loại vaccine nhập khẩu không có loại nào xuất xứ từ Trung Quốc. Các loại vaccine nhập khẩu chủ yếu của Bỉ, Pháp, Mỹ, Ấn Độ.
Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tại 70 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội cũng không có vaccine của Trung Quốc.
Tại Phòng tư vấn tiêm chủng vaccine của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, TS.BS TS Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm khẳng định: "Chúng tôi không sử dụng vaccine nào có xuất xứ từ Trung Quốc. Tất cả vaccine nhập khẩu đang sử dụng đều được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp phép".
Ngày 3.11.2017: Cơ quan thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc thông báo 2 lô vaccine DPT (bạch hầu, ho gà và uốn ván) của công ty Trường Sinh Trường Xuân và Viện sản phẩm sinh học Vũ Hán không đạt tiêu chuẩn.
Ngày 15.7.2018: Kiểm tra đột xuất phát hiện Trường Sinh Trường Xuân giả mạo dữ liệu liên quan đến việc sản xuất khoảng 113.000 vaccine phòng dại, Thu hồi giấy phép sản xuất vaccine phòng dại. Thông báo ngừng sử dụng vaccine phòng dại của Trường Sinh Trường Xuân và thu hồi sản phẩm.
Ngày 16.7.2018: Trường Sinh Trường Xuân ngừng sản xuất vaccine phòng dại.
Ngày 18.7.2018: Công ty Trường Sinh Trường Xuân bị phạt 3,4 triệu nhân dân tệ (502.000 USD) do việc sản xuất vaccine DPT chất lượng thấp vào cuối năm ngoái.
Ngày 20.7.2018: Thông tin về vi phạm của Trường Sinh Trường Xuân được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc.
Ngày 22.7.2018: Dư luận phẫn nội kêu gọi điều tra kỹ lưỡng vụ bê bối vaccine. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ra lệnh ngay lập tức điều tra ngay lập tức vụ bê bối vaccine. Ông nói rằng, vụ việc đã vượt qua giới hạn của đạo đức.
Ngày 23.7.2018: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi vụ bê bối là "đê hèn", "đáng phẫn nộ" và ra lệnh điều tra kỹ lưỡng.