Câu hỏi từ độc giả địa chỉ email: nguyenhanh...@gmail.com:
Thưa luật sư, trước đây, vợ chồng tôi ở cùng, chăm sóc bố mẹ chồng và trước lúc bố mẹ chồng tôi mất có đề nghị làm di chúc sang tên mảnh đất gia đình đang sử dụng sang cho vợ chồng tôi. Tuy nhiên, lúc đó, tôi có nói là vợ chồng con sống hạnh phúc với nhau thế này và bố mẹ cùng vẫn khỏe không nên sang tên như thế.
Anh chị nhà chồng tôi cũng nói là mảnh đất đó là vợ chồng tôi ở và sẽ là chủ về sau rồi nên cũng không cần làm di chúc. Sau khi bố mẹ chồng tôi mất được chừng hơn 3 năm thì vợ chồng tôi lục đục rồi ra tòa ly hôn. Khi ra tòa, chồng tôi không đồng ý chia mảnh đất đó cho tôi với lý do là đất đó vẫn mang tên bố mẹ chồng tôi chứ không phải của vợ chồng tôi nên không chia.
Tôi muốn xin luật sư tư vấn giúp là trong trường hợp này, khi ly hôn như vậy, tôi có được hưởng quyền lợi, được chia mảnh đất đó không và tôi sẽ phải làm gì?
Ths. Luật sư Nguyễn Hồng Bách tư vấn độc giả như sau:
Bố mẹ chồng bạn khi còn sống đã có ý nguyện để lại mảnh đất cho vợ chồng bạn. Tuy nhiên, bố mẹ chồng bạn lại không lập di chúc thể hiện ý nguyện đó, mà chỉ nói miệng. Theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì ý nguyện này của bố mẹ chồng bạn không thể coi là di chúc miệng hợp pháp:
“ 1. Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng;
2. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ.” (Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2005);
“Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực. ” (Khoản 5 Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005)
Do bố mẹ chồng bạn không để lại di chúc định đoạt quyền sử dụng đất nên theo quy định tại Điều 675 và Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005, quyền sử dụng đất này sẽ được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ chồng bạn, bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của bố mẹ chồng bạn. Mỗi người này sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Theo đó, chồng bạn sẽ là người được quyền thừa kế di sản của bố mẹ chồng bạn, còn bạn (con dâu) sẽ không được thừa kế di sản của bố mẹ chồng bạn.
Trong trường hợp này, phần quyền sử dụng đất mà chồng bạn được thừa kế từ bố mẹ sẽ được coi là tài sản thừa kế riêng của chồng bạn. Do đó, theo quy định tại Điều 27 và Điều 32 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, phần quyền sử dụng đất mà chồng bạn được hưởng thừa kế của bố mẹ sẽ là tài sản riêng của chồng bạn, và chỉ trở thành tài sản chung của vợ chồng bạn khi vợ chồng bạn có thỏa thuận bằng vẳn bản, cụ thể như sau:
- Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận.” (Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000)
- “1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân; 2. Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung” (Điều 32 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000)
Theo các quy định trên, nếu vợ chồng bạn không có thỏa thuận bằng văn bản về việc quyền sử dụng đất mà chồng bạn được thừa kế từ bố mẹ là tài sản chung của vợ chồng thì phần quyền sử dụng đất này là tài sản riêng của chồng bạn, không phải là tài sản chung của vợ chồng bạn. Khi vợ chồng bạn ly hôn, bạn sẽ không có quyền được phân chia quyền sử dụng đất này.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách có nhiều năm kinh nghiệm trong việc bào chữa, tranh tụng, giải quyết các vấn đề liên quan tới tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động.
Công ty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự có đội ngũ cố vấn là tiến sỹ, các chuyên viên cao cấp đang làm việc tại các cơ quan nhà nước, các viện nghiên cứu và các trường Đại học.