Tự uống thuốc chống dị ứng trước khi tiêm vắc xin theo "kinh nghiệm trên mạng": Chuyên gia nói gì?

Ngọc Anh |
Tự uống thuốc chống dị ứng trước khi tiêm vắc xin theo "kinh nghiệm trên mạng": Chuyên gia nói gì?
Tự uống thuốc chống dị ứng trước khi tiêm vắc xin theo "kinh nghiệm trên mạng": Chuyên gia nói gì?

Nhiều người mách nhau trước khi tiêm vắc xin Covid-19 nên uống dự phòng thuốc chống dị ứng để không lo tác dụng phụ của vắc xin. Điều này theo các chuyên gia là điều hoàn toàn sai lầm.

Theo nhiều thông tin lan truyền trên mạng để tiêm vắc xin Covid-19 không lo dị ứng tiêm thì trước khi tiêm vắc xin khoảng 30 phút, người tiêm uống 1 viên Xyzal hoặc Zyrtec hoặc Aerius hoặc Bilaxten... (thuốc chống dị ứng) và sau tiêm khoảng 10 tiếng uống nhắc lại như trên.

Theo ThS.BS Vũ Minh Điền - Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng và công nghệ thông tin, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, người dân không nên tin vào những tin đồn thất thiệt mà cần hỏi ý kiến bác sĩ. Trước khi tiêm, người tiêm được sàng lọc kỹ, được tư vấn, giải đáp các thắc mắc để có chỉ định phù hợp (được tiêm, trì hoãn tiêm hoặc chống chỉ định tiêm).

ThS Điền cho biết, chỉ có người có triệu chứng sau tiêm mới phải uống thuốc, không nên tự ý uống thuốc dự phòng như vậy vì không phải ai đi tiêm vắc xin Covid-19 cũng có phản ứng sốt, dị ứng.

GS Nguyễn Gia Bình – Bệnh viện Bạch Mai cũng khuyến cáo người dân không nên dùng thuốc chống dị ứng trước khi tiêm phòng vắc xin Covid-19 để cố gắng ngăn ngừa các phản ứng dị ứng của vắc xin. 

Việc tự ý sử dụng thuốc chống dị ứng trước khi tiêm vắc xin mà không có bất kì sự tư vấn, hướng dẫn nào từ chuyên gia y tế có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn, bởi bất kì loại thuốc nào cũng là con dao 2 lưỡi.

Tự uống thuốc chống dị ứng trước khi tiêm vắc xin theo kinh nghiệm trên mạng: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin cho người dân tại TP.HCM.

Người đi tiêm vắc xin dùng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. Khi tiêm vắc xin, người tiêm thường có các biểu hiện khó chịu, ban ngứa, đau hay sốt đều là dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang được bảo vệ khỏi tác nhân lạ sau khi tiêm vắc xin và các triệu chứng này thường tự khỏi sau 24 đến 48 giờ mà không cần dùng thuốc.

Nếu gặp phản ứng dị ứng sau liều vắc xin đầu tiên, bác sĩ chuyên khoa có thể khuyến cáo nên điều trị trước bằng thuốc chống dị ứng (kháng histamin) để làm giảm phản ứng của cơ thể với histamine nhằm làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng dị ứng.

Theo BS Quang Minh – Viện tim mạch, BV Trung ương Quân đội 108, các nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng thuốc kháng histamin giúp giải quyết các phản ứng dị ứng mà một số người gặp phải sau khi tiêm vắc xin Covid-19. Những người có phản ứng dị ứng với mũi 1 vắc xin cũng cần được theo dõi chặt chẽ hơn khi tiềm mũi 2.

Các loại thuốc chống dị ứng (kháng histamine) chỉ có thể làm giảm các triệu chứng dị ứng mà không có tác dụng điều trị bệnh tận gốc.

Ngoài ra, với các trường hợp dị ứng nặng gây sốc phản vệ thì thuốc kháng histamine không có tác dụng mà phải dùng các biện pháp điều trị cấp cứu. Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc kháng histamine như buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, ảnh hưởng tới hệ thần kinh và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bất kỳ ai bị phản ứng sau liều đầu tiên cộng với những người có tiền sử phản ứng với vắc xin nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn tiêm phòng đầy đủ. 

Mọi thứ liên quan đến sử dụng thuốc cần tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng, cách dùng, thời gian sử dụng để tránh gặp phải tác dụng phụ nguy hiểm.

Ngoài việc không sử dụng thuốc chống dị ứng trước tiêm, các chuyên gia còn khuyến cáo người tiêm lưu ý 4 điều không nên thực hiện, gồm:

1. Không để bụng đói trước khi tiêm

Nhịn đói trước tiêm có thể gây chóng mặt, ngất xỉu, đặc biệt nếu bạn là người sợ kim tiêm.

2. Không uống rượu, bia trước và sau tiêm

Rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vắc xin.

3. Không uống nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê, nước tăng lực...) trước khi tiêm.

Caffein làm tăng tần số tim, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim khi sử dụng quá nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng.

4. Không ăn nhiều chất béo bão hòa

Thức ăn nhanh, đồ chiên, nướng, chứa nhiều chất béo bão hoà làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây hại sức khỏe.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Trí Thức Trẻ
    Công ty Cổ phần VCCorp

    © Copyright 2010 - 2023 – Công ty Cổ phần VCCorp

    Tầng 17,19,20,21 Toà nhà Center Building - Hapulico Complex,
    Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.
    Email: btv@soha.vn
    Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 2411/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 31 tháng 07 năm 2015.
    Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thế Tân
    Điện thoại: 024 7309 5555

    Liên hệ quảng cáo:
    Hotline: 0794.46.33.33 - 0961.98.43.88
    Email: giaitrixahoi@admicro.vn
    Hỗ trợ & CSKH:
    Tầng 20, tòa nhà Center Building, Hapulico Complex,
    số 1 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
    Tel: (84 24) 7307 7979
    Fax: (84 24) 7307 7980
    Chính sách bảo mật

    Chat với tư vấn viên