"Tử thủ" bằng mọi giá nhưng Xuân Lộc vẫn bị đập nát, QGP thần tốc giải phóng Sài Gòn

Nguyễn Phước Thắng |

Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, tướng John Wayne cho rằng: "Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn". Lê Minh Đảo, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 18 hò hét "tử thủ" bằng mọi giá.

LTS: Từ Nhà Con rồng, Điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long, Thủ đô Hà Nội, nơi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh ra những chỉ thị tối quan trọng tới bến Cảng Nhà rồng, Thành phố mang tên Bác chỉ mất gần 2 giờ bay... nhưng dân tộc Việt Nam đã phải đi một chặng đường dài hơn 20 năm, để "Vầng trăng không còn xẻ làm đôi"...

20 năm và 55 ngày đêm, Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 và chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, có sự trùng hợp nhau kỳ lạ, cùng diễn ra trong 55 ngày đêm và cùng giống nhau ở sự động não cao độ trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, góp sức tìm ra cách đánh tối ưu nhằm giành thăng lợi lớn nhất với tổn thất ít nhất, cùng giành những thắng lợi vinh quang nhất...

Trong những ngày tháng 4 lịch sử của năm 1975, từ trụ sở của Bộ Tổng tư lệnh tại điện Kính thiên, Hoàng thành Thắng Long những chỉ thị, mệnh lệnh tối quan trọng, những tấm gương đồng chí dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, thống nhất của Tổ Quốc đã được khắc họa rõ nét trong những dòng hồi ức lịch sử...

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài của tác giả Nguyễn Phước Thắng xoay quanh chủ đề này.

-----

Kỳ 1: Từ xe máy đón đặc phái viên của Bộ Chính trị... tới quyết tâm chiến lược

----

Kỳ 2: Đập nát "cánh cửa thép" Xuân Lộc, thần tốc giải phóng Sài Gònchiến dịch ngoài kế hoạch chiến lược

Theo kế hoạch đã định, ngày 9-4, những trận đánh cắt đường số 4 ở phía tây Sài Gòn và trận tiến công Xuân Lộc bắt đầu.

Trên hướng đông, Quân đoàn IV dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của các đồng chí Hoàng Cầm, Tư lệnh và Hoàng Thế Thiện, Chính uỷ, mở cuộc tiến công vào Xuân Lộc, "cánh cửa thép" trên tuyến phòng ngự Sài Gòn và Vùng III chiến thuật.

Nơi đây, địch bố trí một lực lượng khá mạnh gồm Sư đoàn 18 và một số tiểu đoàn bảo an, cảnh sát phòng ngự trong công sự kiên cố. Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, tướng John Wayne cho rằng: "Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn". Lê Minh Đảo, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 18 hò hét "tử thủ" bằng mọi giá.

Trận đánh diễn ra quyết liệt và phức tạp.

Trong đêm 9 rạng ngày 10-4, bằng nhiều mũi tiến công, quân ta chọc thủng tuyến phòng ngự thị xã, chiếm được nhiều mục tiêu, cắm cờ cách mạng lên dinh tỉnh trưởng nguỵ. Tuy bị thiệt hại nặng, địch vẫn cố thủ.

Ngày 10-4, chúng dùng trực thăng đổ bộ một lữ đoàn dù xuống ven thị xã, tiếp đó, tăng viện thêm hai lữ đoàn thuỷ quân lục chiến, một liên đoàn biệt động quân, một trung đoàn bộ binh của Sư đoàn 5, tám tiểu đoàn pháo binh và hai chiến đoàn xe tăng, thiết giáp.

Dựa vào quân tăng viện và sự chi viện của không quân, địch điên cuồng phản kích, gây cho ta nhiều tổn thất. Nhiều vị trí ta đã chiếm được phải lần lượt rút bỏ, hoặc thay đổi chủ nhiều lần. Chúng đã dùng đến các loại bom có sức sát thương và huỷ diệt lớn. Trận đánh chưa dứt điểm. Tình hình hết sức khẩn trương.

Tử thủ bằng mọi giá nhưng Xuân Lộc vẫn bị đập nát, QGP thần tốc giải phóng Sài Gòn - Ảnh 1.

Quân lực VNCH dựng tuyến phòng thủ cứng ở Xuân Lộc, nhưng vô dụng, QGP đã đập nát lá chắn thép này để tiến thẳng về giải phóng Sài Gòn.

Ngay lập tức, Thường trực Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh lập cánh quân phía đông, gồm Quân đoàn II (thiếu Sư đoàn 324 ở lại Huế). Sư đoàn 3 (Quân khu 5) và các đơn vị pháo binh, cao xạ, xe tăng, công binh.

Nhiệm vụ là vừa đánh địch, vừa mở đường với tốc độ thật nhanh, khẩn trương đến kịp thời gian cùng các đơn vị bạn tham gia giải phóng Sài Gòn. Đồng chí Lê Trọng Tấn được cử làm Tư lệnh. Ban cán sự Đảng lâm thời do đồng chí Lê Quang Hoà làm Bí thư.

Khi vào đến miền Đông Nam Bộ, cánh quân này sẽ thuộc quyền lãnh đạo, chỉ huy của Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh mặt trận Sài Gòn; đồng thời thường xuyên báo cáo với Bộ Tổng tư lệnh.

Cuộc tiến quân lịch sử của Quang Trung - Nguyễn Huệ lại hiện về trong ký ức. Ngày 4-4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện cho cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn II đang hành quân: "Các đồng chí lên đường làm nhiệm vụ rất vẻ vang. Cần hành động thần tốc, táo bạo, bât ngờ, chắc thắng".

Trên hai trục chính là đường số 1 và đường Trường Sơn, với sự tổ chức khẩn trương của Đoàn 559, sự hỗ trợ tích cực của Quân khu 5, bằng đôi chân vạn dặm và mọi phương tiện có thể có được, các đơn vị khắc phục khó khăn đánh địch mà đi, mở đường mà tiến.

Đường sụt lở thì nhân dân quanh vùng ra góp công sửa chữa. Cầu bị địch phá thì ngoài cầu, phà tự hành của công binh, còn có thuyền bè lớn nhỏ của dân. Xe hỏng thì tìm mọi cách sửa chữa, cứu kéo.

Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa...

Ngày 7-4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường:

"Mệnh lệnh: 1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. 2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ".

Tử thủ bằng mọi giá nhưng Xuân Lộc vẫn bị đập nát, QGP thần tốc giải phóng Sài Gòn - Ảnh 2.

Mệnh lệnh: 1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa.

Tốc độ hành quân nâng lên không ngừng. Tuy vậy, vẫn còn thấy chậm! Công tác bảo đảm hậu cần hầu như không gặp khó khăn. Đoàn 559 có kế hoạch chu đáo, lại có thêm gạo, đạn, xăng, dầu chiếm được của địch. Quân no, xe pháo đủ nhiên liệu, đạn dược, bộ đội được nhân dân ven đường động viên, giúp đỡ, tốc độ hành quân lại càng tăng.

Sáng ngày 20-4, bộ phận đầu tiên của cánh quân phía đông gồm Sư đoàn 325 và binh khí, kỹ thuật vào đến Rừng Lá, gần Xuân Lộc. Đồng chí Lê Trọng Tấn và đồng chí Lê Quang Hoà cũng đến liên sau đó, và nhanh chí chóng bắt liên lạc với Bộ chỉ huy mặt trận Sài Gòn.

Với tư cách Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tấn quyết định tăng cường cho Quân đoàn IV Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325) và pháo, đạn thu được của địch để tiến công dứt điểm Xuân Lộc.

Trước tình hình quân địch ở Xuân Lộc còn ngoan cố chống cự, Đảng uỷ và Bộ chỉ huy Miền chỉ thị cho Quân đoàn IV rút kinh nghiệm. Đồng chí Trần Văn Trà đến trực tiếp chỉ đạo tác chiến.

Xuất phát từ nhận định Xuân Lộc chỉ có thể cố thủ khi được nối liền với Biên Hoà, Bộ chỉ huy Miền quyết định thay đổi cách đánh:

"Từ tiến công thẳng vào thị xã chuyển sang đánh các lực lượng tiếp viện của địch mới được điều đến còn đứng chân chưa vững ở vòng ngoài, thực hành chia cắt Xuân Lộc với Biên Hoà, cắt đường số 2 từ Xuân Lộc đi Bà Rịa, chặn quân địch từ Biên Hoà, Trảng Bom lên phản kích".

Thực hiện quyết tâm mới, Quân đoàn IV vừa được tăng cường lực lượng bộ binh và pháo cỡ lớn, tiến công tiêu diệt Chiến đoàn 52 VNCH và một chi đoàn thiết giáp, đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1 từ Xuân Lộc đến Bàu Cá, làm chủ đoạn cuối cùng của đường 20 từ Túc Trung đến Dầu Giây, chiếm Núi Thị, Túc Trưng, Kiệm Tân, tiêu diệt quân địch phản kích từ Trảng Bom ra.

Hai chiến đoàn 43 và 48 của Sư đoàn 18 VNCH cùng với Lữ đoàn 3 thiết giáp bị đánh thiệt hại nặng.

Bộ đội địa phương và du kích diệt và bức rút một số đồn địch trên các trục đường giao thông và ven thị xã Không chiếm lại được ngã ba Dầu Giây, lực lượng bị tổn thất nặng, trước nguy cơ bị bao vây, bị tiêu diệt và sức uy hiếp của cánh quân lớn từ phía đông mới tới, ngày 20-4, địch phải rút chạy khỏi Xuân Lộc.

Chiến thắng Xuân Lộc làm rung chuyên toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn, làm cho tinh thần của quân VNCH càng thêm suy sụp.

Tử thủ bằng mọi giá nhưng Xuân Lộc vẫn bị đập nát, QGP thần tốc giải phóng Sài Gòn - Ảnh 3.

Xe tăng, bộ binh Quân đoàn 4 tiến công giải phóng Xuân Lộc tháng 4/1975. Ảnh: Báo Bình Dương.

Chiến dịch ngoài kế hoạch chiến lược

Trong những ngày này, một sự kiện đặc biệt đã diễn ra ngoài kế hoạch chiến lược ban đầu. Đó là sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tống tư lệnh giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân VNCH đóng giữ, một vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế và quân sự.

Ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Quân uỷ Trung ương kiến nghị với Bộ Chính trị Trung ương Đảng: "Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân nguỵ đang chiếm giữ". Kiến nghị này đã được ghi vào Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 25-3-1975.

Cũng từ ngày ấy, Quân uỷ điều đồng chí Hoàng Trà, Chính uỷ Hải quân về làm việc cạnh Bộ Tổng Tham mưu, giúp theo dõi tình hình địch trên biển, kiến nghị về nhiệm vụ của Hải quân trong trận tổng giao chiến cuối cùng.

Đại tướng cũng yêu cầu Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Ngoại giao cung cấp tài liệu về các đảo, quần đảo thuộc vùng biển của Việt Nam, đồng thời chỉ thị cho Cục Quân báo nắm tình hình địch ở Biển Đông.

Nhìn vào bản đồ quân sự và hải đồ Việt Nam, Biển Đông là một vùng biển có độ sâu từ 2.000 đến 4.000m, nổi lên hai quần đảo lớn: Hoàng Sa ở phía bắc và Trường Sa ở phía nam.

Từ thế kỷ XVII, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực hiện chủ quyền một cách liên tục và hoà bình đối với hai quần đảo này, hồi đó được gọi là Đại Trường Sa, không gặp sự tranh chấp của quốc gia nào.

Trong Đại Nam nhất thống toàn đồ (bản đồ nước Đại Nam thống nhất) được biên vẽ vào thời Nguyễn sau 1838 là năm quốc hiệu Việt Nam đổi thành Đại Nam, hai quần đảo ở Biển Đông được vẽ thành một dải song song với bờ biển miền Trung Việt Nam, ngang với tỉnh Quảng Nam ở phía bắc và tỉnh Khánh Hoà ở phía nam với tên gọi "Hoàng Sa" và, "Vạn lý Trường Sa".

Từ 1920, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và tổ chức quản lý về mặt nhà nước trên hai quần đảo.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc tranh chấp chủ quyền diễn ra đối với cả hai quần đảo ở Biển Đông.

Tháng 4-1946, Pháp cho quân ra kiểm soát cụm phía tây quần đảo Hoàng Sa. Tháng 11-1946, quân Tưởng đổ bộ lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, và tháng 12 năm ấy đổ bộ lên Itu Aba thuộc quần đảo Trường Sa.

Năm 1950, quân Tưởng rút khỏi hai quần đảo. Song năm 1951, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra tuyên bố bảo lưu chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này. Từ 1956, tranh chấp diễn ra giữa Trung Quốc với chính quyền Nam Việt Nam. Năm 1961, chính quyền Sài Gòn sáp nhập các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

Trong khi điều trị tại Liên Xô, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ở nhà điện sang cho biết: Ngày 19 và 20-1-1974, nhân lúc quân VNCH đang gặp khó khăn, Trung Quốc dùng hàng chục tàu chiến và một phi đội máy bay tiêm kích tiến công chiếm cụm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa (còn gọi là Nguyệt Thiềm) do quân VNCH đồn trú, bắt các binh sĩ quân đội Sài Gòn làm tù binh.

Nhớ lại đầu những năm 60, khi Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 khẳng định cách mạng miền Nam phải tiến lên bằng con đường bạo lực, cùng với sự ra đời của Đoàn vận tải Trường Sơn (559), Quân uỷ Trung ương đã tổ chức một bộ phận đặc biệt chi viện miền Nam bằng đường biển.

Từ năm 1964 trở về trước, ta dùng các tàu nhỏ xuất phát từ Đồ Sơn dọc theo ven biển đi vào Nam.

Từ năm 1965, ta mở đường đi trong hải phận quốc tế, qua Hải Nam, Lôi Châu, Đông Hoàng Sa đến Song Tử Tây rồi qua Na Tu Na vào đến Cà Mau. Ta đã sử dụng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa làm nơi tạm dừng trên "đường mòn Hồ Chí Minh trên biển", dựa vào chướng ngại thiên nhiên là các bãi san hô ngầm dưới nước.

Tuy gian nan, vất vả, nhưng kết quả vận chuyển vẫn khả quan. Tổng cộng đã đi được 169 chuyến, đến nơi 100 chuyến, 50 chuyến phải quay về, tổn thất 19 chuyến, vận chuyển được 5.677 tấn hàng, mất gần 700 tấn. Ta hy sinh 76 đồng chí, 51 đồng chí bị thương.

Cũng như đối với Đoàn Trường Sơn, công việc vận chuyển trên biển cho miền Nam chiến đấu được Bác Hồ đặc biệt quan tâm khích lệ. Nhớ mãi câu nói vui của Người khen ngợi chiến công độc đáo của thuyền trưởng Bông Văn Dĩa, người thuỷ thủ đi từ Nam ra Bắc bằng thuyền gỗ thô sơ: "Đi biển kiểu ấy thì xưa nay chỉ có Crixtốp Côlông và chú!".

Về vấn đề Trường Sa, nhãn quan chiến lược quân sự của Bộ thống soái tối cao đã nhìn rõ vấn đề. Cần tổ chức giải phóng kịp thời phần đất này.

Nếu chậm, để quân đội nước khác xâm chiếm nơi đây, tình hình sẽ rất phức tạp. Khó khăn lớn nhất là phải đánh chiếm các đảo với lực lượng hải quân nhỏ bé lúc bấy giờ. Trên mặt trận Biển Đông, hành động cũng phải "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng".

Tử thủ bằng mọi giá nhưng Xuân Lộc vẫn bị đập nát, QGP thần tốc giải phóng Sài Gòn - Ảnh 4.

Bộ Tổng tư lệnh chỉ huy tác chiến trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh tư liệu.

Ngày 2-4, tại Tổng hành dinh, sau khi nghe báo cáo về trận Đà Nẵng, Đại tướng trực tiếp chỉ thị cho đồng chí Lê Trọng Tấn: Ngoài nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh cho Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân, tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa.

Vùng này có thể có tàu chiến của Hạm đội 7 và hải quân các nước khác hoạt động. Hải quân nguỵ cũng được trang bị các loại tàu lớn. Do đó, nghệ thuật tác chiến phải kiên quyết, táo bạo, đồng thời phải hết sức mưu trí, sáng tạo, bất ngờ. Các đơn vị có nhiệm vụ sẵn sàng, có thời cơ là đánh được ngay, bảo đảm chắc thắng.

Đánh phải đúng lúc. Nếu có hiện tượng chúng rút, phải tranh thủ đánh chiếm ngay. Nếu tình hình chung địch bị nguy khốn, nhất là ở Sài Gòn, Bộ sẽ thông báo để kịp thời đánh chiếm. Nếu quân nước ngoài đã chiếm đảo thì ta kiên quyết chiếm lại. Nếu có khó khăn thì xin chỉ thị của Bộ.

Đại tướng cũng chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu điều ngay Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Hải quân vào Đà Nẵng, vừa tiếp quản căn cứ hai quân của địch ở đây, vừa chuẩn bị sẵn sàng phát triển chiến đấu trên mặt biển.

Trước đó, ngày 30-3, Quân uỷ Trung ương điện cho các đồng chí Võ Chí Công và Chu Huy Mân: "Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ giao cho Khu uỷ và Bộ Tư lệnh B1 (tức Quân khu 5), nhiệm vụ nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo hiện do quân VNCH chiếm đóng.

Trong việc này, đồng chí Nguyễn Bá Phát, phái viên của Bộ Tổng tham mưu và các cán bộ Hải quân cùng đi sẽ do Khu uỷ và Quân khu uỷ chỉ đạo để thực hiện kế hoạch".

Chiều 4-4, Quân uỷ Trung ương điện tiếp cho Quân khu 5 về việc phải thực hiện kịp thời việc tấn công giải phóng các khu vực nói trên. Nội dung điện cũng nhấn mạnh: "Việc này phải chuẩn bị gấp và bí mật, chỉ để cán bộ có trách nhiệm biết".

(Dựa theo tư liệu từ Hồi ký Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hồi ký Đại thắng mùa xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng và một số tư liệu khác).

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại