Chính vì lẽ đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh đã giao cho lực lượng đặc công chiếm giữ cầu. Tuy nhiên, quân địch quá mạnh và nguy cơ cầu bị địch phá hủy đã hiện hữu.
Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại đội xe tăng 9 của Lữ đoàn 273 nhanh chóng cơ động chiếm giữ và bảo vệ bằng được cây cầu này.
Lợi thế không nhỏ của dàn xe chiến lợi phẩm
Đại đội xe tăng 9, Lữ đoàn xe tăng 273 do Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng (sau này là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 4) chỉ huy. Đây là đơn vị đã sử dụng xe chiến lợi phẩm tham gia chiến đấu giải phóng thị xã Tuy Hòa.
Sau khi lập công xuất sắc trong trận đánh Tuy Hòa, đơn vị đã có cú lật cánh ngoạn mục hơn 500 km về tập kết tại Bến Sủi, Lộc Ninh - cách Sài Gòn khoảng 100 km- để chuẩn bị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do cơ động gấp gáp, trình độ sử dụng và sửa chữa xe chiến lợi phẩm của bộ đội phần nào còn hạn chế nên chỉ đưa được 7 xe đến đích.
Xe tăng hạng nhẹ M41 Walker Bulldog chiến lợi phẩm của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tại vị trí tập kết chiến dịch, trong lúc cán bộ chỉ huy các cấp đi trinh sát nắm địch thì cán bộ chiến sĩ ở nhà tập trung bảo dưỡng, củng cố xe pháo, vũ khí và huấn luyện bổ sung. Với chủ trường "quân cốt tinh, không cốt nhiều", cán bộ chiến sĩ Đại đội XT 9 đã dồn dịch, lắp ghép từ 7 xe thành 4 xe có chất lượng tốt và đầy đủ cơ số đạn để tham gia chiến đấu.
Đêm 28.4.1975, khi đang chuẩn bị tiến công căn cứ Đồng Dù, Đại đội XT 9 nhận lệnh: "Bằng mọi giá phải chiếm giữ và bảo vệ bằng được Cầu Bông để tạo điều kiện cho đại quân cơ động về Sài Gòn!". Với tinh thần chấp hành nghiêm chỉnh mọi mệnh lệnh của cấp trên, đại đội nhanh chóng lên đường với tốc độ cao nhất.
Ngoài việc không có người dẫn đường, khó khăn lớn nhất đặt ra trước mắt cán bộ chiến sĩ Đại đội XT 9 là đoạn đường từ vị trí tập kết chiến dịch đến mục tiêu còn khá xa, phải vượt qua nhiều đồn bốt và khu vực còn nằm trong vòng kiểm soát của quân địch.
Tuy nhiên, trong điều kiện đó lợi thế của xe chiến lợi phẩm đã phát huy tác dụng cao độ. Trong màn đêm mông lung, mờ ảo hình dáng kềnh càng và tiếng nổ đặc trưng của động cơ các xe tăng M48, M41 dường như đã đánh lừa được các đồn bốt địch dọc đường.
Thậm chí, có một toán quân Việt Nam cộng hòa (VNCH) còn ra vẫy xe: "Có về Sài Gòn cho bọn tao về với!". Và chỉ đến khi những quả đạn bi cùng những khẩu đại liên lên tiếng thì chúng mới biết mình nhầm thì đã muộn.
Nhờ vậy, 8 giờ sáng ngày 29.4.1975 Đại đội XT 9 đã có mặt tại Cầu Bông.
Đoàn xe tăng Quân giải phóng đi tới đâu, người dân Sài Gòn túa ra tới đó. Ảnh tư liệu
Trận kịch chiến giữa những chiếc xe cùng do Mỹ chế tạo
Theo kế hoạch của Bộ Tư lệnh chiến dịch thì đã có một phân đội đặc công đánh chiếm và giữ Cầu Bông. Tuy nhiên, có lẽ do thấy lực lượng ta ít nên phía VNCH đã phản công và chiếm lại được cầu. Nếu không chiếm lại ngay rất có thể chúng sẽ phá cầu.
Nhận định tình hình như vậy nên trong khi bọn địch phòng ngự trên cầu còn đang bán tín, bán nghi không biết mấy chiếc xe tăng kia là quân bên nào thì cả 4 xe của Đại đội XT 9 đã đồng loạt nổ súng. Bị bất ngờ và quá hoảng loạn, quân địch vội bỏ chạy tháo thân.
Đúng lúc đó, phía bên kia cầu một đoàn xe thiết giáp bao gồm 24 chiếc M113 xuất hiện. Đây chính là một bộ phận của Lữ đoàn thiết kỵ 4 đang cơ động về Sài Gòn. Chắc đã được số bộ binh phòng ngự trên cầu thông báo tình hình nên cả đoàn xe vừa chạy vừa bắn như vãi đạn về phía các xe của Đại đội 9.
Trước tình hình đó, Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng ra lệnh chuyển sang đội hình phòng ngự gấp và trận kịch chiến giữa 24 chiếc M113 cùng 2 chiếc M48, 2 chiếc M41 bắt đầu.
Với lợi thế về sức mạnh hỏa lực của pháo 90 mm và 76 mm so với đại liên M50 và một số khẩu pháo không giật 76 mm gắn trên xe M113, Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng lệnh cho xe của chính trị viên Huỳnh Rịch bắn chiếc đi cuối đội hình, 2 xe của Trương Công Đạo và Nguyễn Văn Hổ bắn vào giữa đội hình, còn xe của anh diệt chiếc đi đầu. Chỉ sau một loạt bắn, 4 chiếc M113 đã trở thành 4 bó đuốc.
Bị đánh chặn đầu, lại bị khóa đuôi và đánh cả vào khúc giữa nên đội hình quân địch rối loạn. Một số chiếc tản ra ruộng lúa hai bên đường lợi dụng địa hình để đánh trả. Tuy nhiên, ngoại trừ một phát đạn pháo không giật làm xe đại đội trưởng Hưởng bay mất khẩu 12, 7 mm trên tháp pháo, còn lại chúng hoàn toàn chịu trận trước hỏa lực mãnh liệt của các cỗ pháo xe tăng.
Sau khi 8 xe nữa bị tiêu diệt thì quân địch hoàn toàn hoảng loạn, chúng bỏ xe lại đấy và chạy tuốt về phía sau. Hưởng cho đơn vị lên chiếm cầu và thu giữ 12 xe còn lại.
Trong ảnh là một chiếc xe tăng hạng nhẹ K-63-85 giữa nhân dân Sài Gòn. Ảnh tư liệu.
Đến lúc đó các anh mới biết còn 2 chiến sĩ đặc công bị thương nặng vẫn nằm dưới gầm cầu. Các anh lập tức cấp cứu và băng bó cho đồng đội. Các chiến sĩ đặc công cho biết, do lực lượng quá chênh lệch họ không thể giữ được cầu, nếu xe tăng Đại đội 9 không tới kịp thời chắc chắn họ sẽ hy sinh hết.
Nhiệm vụ đánh chiếm Cầu Bông đã được Đại đội XT 9 hoàn thành xuất sắc, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cánh quân hướng Tây Bắc đánh vào Sài Gòn. Thế mới biết xe gì cũng chỉ là quan trọng, còn quyết định chính là bản lĩnh của những người sử dụng chúng.
Ghi chú: Bài có sử dụng một số tư liệu trong cuốn "Những tháng ngày đẹp nhất"- Hồi ký của Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, NXBQĐND 2012.