Đại tá Phan Văn Từ: Syria dùng tuyệt chiêu bí mật, "tóm sống" 2 tên lửa tối tân của liên quân?

Đại tá Phan Văn Từ (Nguyên Trưởng phòng công nghệ cao, Viện tên lửa, BQP) |

Khi giáng trả đòn tập kích tên lửa của liên quân Mỹ - Anh - Pháp ngày 14/4, ngoài tên lửa và pháo phòng không, nhiều khả năng Syria đã sử dụng rất tốt hệ thống chế áp điện tử.

LTS: Đánh giá về hiệu quả tác chiến của các hệ thống phòng không Syria, ngày 23/4, Đại tá Phan Văn Từ, nguyên Trưởng phòng công nghệ cao, Viện tên lửa, Bộ Quốc phòng đã có bài viết với tựa đề: "Với những vũ khí đã liệt kê, xác suất diệt tên lửa Mỹ của Syria gần như bằng không?" (xem Tại đây). Bài viết đã nhận được sự quan tâm đông đảo của bạn đọc.

Trước những thông tin mới được Bộ Quốc phòng Nga cập nhật về số lượng tên lửa của liên quân bị phòng không Syria bắn hạ, Đại tá Phan Văn Từ tiếp tục có thêm nhận định về khả năng đánh chặn tên lửa của Syria. Trân trọng gửi tới bạn đọc!

-------

Trong bài viết nhận định rằng khả năng tiêu diệt Tomahawk của các hệ thống phòng không Syria gần như bằng không, tôi kết luận rằng những nguyên nhân sau làm cho Tomahawk bị tiêu diệt:

- Tomahawk bay quá cao so với quỹ đạo của nó nên vẫn bị tên lửa tiêu diệt;

- Tomahawk bị hệ thống pháo phòng không tầm thấp tiêu diệt nhưng hệ thống đó không được nêu tên trong danh mục;

- Tomahawk bị tiêu diệt bằng phương tiện khác mà người ta không muốn nói ra.

Khi biết tin 2 tên lửa gần như còn nguyên vẹn bị Syria thu được thì luận điểm của tôi càng được củng cố. Những khả năng nào có thể để thu hồi được tên lửa gần như nguyên vẹn?

Đại tá Phan Văn Từ: Syria dùng tuyệt chiêu bí mật, tóm sống 2 tên lửa tối tân của liên quân? - Ảnh 1.

Một số bộ phận tên lửa Tomahawk không tấn công trúng mục tiêu ở Syria

Có 3 khả năng sau đây:

1) Tên lửa bị trục trặc kỹ thuật: Khả năng là có nhưng xác suất không cao vì đây là những loại tên lửa rất hiện đại và đã có thực tế chiến đấu thử thách nên độ tin cậy rất cao.

2) Tên lửa bị lực lượng bộ binh và pháo phòng không tầm thấp tiêu diệt: Khả năng này có thể, vì như tôi đã khảng định ở những bài viết trước là tên lửa hành trình có thể bị đánh chặn bằng súng bộ binh và pháo phòng không tầm thấp.

Khi bị trúng những loại đạn cỡ nhỏ thì tên lửa hành trình bị rơi mà không bị tan xác như khi bị trúng tên lửa phòng không, nhưng ở điều kiện Syria và vào thời điểm gần sáng thì chắc gì lưới lửa tầm thấp đã sẵn sàng nên xác suất cũng thấp.

3) Tên lửa bị rơi không vì bị bắn: Nghĩa là tên lửa đã rơi không phải do động năng va chạm mà do tác chiến không tiếp xúc.

Ta hãy sẽ xem xét kỹ khả năng thứ 3 này.

Chúng ta biết rằng, cuộc tấn công lần này của Mỹ là cuộc tấn công báo trước, không làm cho Syria bất ngờ bị động. Lực lượng phòng thủ của Syria đã có cả tuần lễ để chuẩn bị. Ngoài binh chủng tên lửa và pháo binh phòng không có rất nhiều khả năng họ đã triển khai hệ thống chế áp điện tử.

Việc hệ thống này hoạt động như thế nào là điều chưa và sẽ không được tiết lộ. Nhưng hệ thống đó không đơn giản chỉ là gây nhiễu tín hiệu định vị vệ tinh (GPS) như nhiều chuyên gia đã viết. Ngoài việc gây nhiễu đó ra thì tên lửa hành trình còn có nhiều bộ phận có thể bị gây nhiễu và chịu tác động sóng điện từ từ bên ngoài.

Thí dụ như bộ đo cao vô tuyến. Thiết bị này hoạt động theo nguyên lý radar. Nó phát sóng vô tuyến xuống mặt đất, thu lại tín hiệu phản xạ, so sánh với nó để xác định khoảng cách từ tên lửa đến mặt đất (độ cao). Đây là thiết bị rất dễ gây nhiễu. Ta cứ tưởng tượng là tên lửa bay thấp mà lại đo nhầm độ cao thì điều gì sẽ xảy ra?

Trên tên lửa còn được trang bị một hệ thống máy tính rất mạnh để giải quyết bài toán dẫn đường, để xử lý tín hiệu, xử lý hình ảnh...

Đại tá Phan Văn Từ: Syria dùng tuyệt chiêu bí mật, tóm sống 2 tên lửa tối tân của liên quân? - Ảnh 3.

Tên lửa hành trình Mỹ tấn công các mục tiêu ở Syria

Ta biết rằng, hệ thống càng tinh vi phức tạp thì càng dễ bị tổn thương. Chỉ cần một xung điện từ đủ mạnh tác động từ bên ngoài thì có thể làm cho hệ thống đột quỵ. Nhìn bên ngoài chẳng thấy có chút tổn thương nào, nhưng toàn hệ thống tê liệt và kết quả tên lửa bị rơi.

Để tên lửa hành trình bay chính xác thì bản đồ địa hình phải được nạp sẵn vào bộ nhớ của nó và ở giai đoạn cuối nó có thể bay và tấn công vào mục tiêu theo ảnh thu được bằng camera so với ảnh đã lưu.

Điều gì sẽ xảy ra nếu như địa hình mà nó sẽ bay qua đã bị thay đổi, hình ảnh mục tiêu cũng bị thay đổi? Nó sẽ bối rối bay linh tinh, tấn công nhầm mục tiêu, rơi hay tự huỷ.

Với kỹ thuật nguỵ trang hiện đại bằng những vật liệu rẻ tiền thì việc thay đổi địa hình và làm mục tiêu giả chẳng có gì quá phức tạp.

Theo quan sát hình ảnh các mục tiêu của Syria bị tấn công thì không thể có chuyện 105 quả tên lửa đã đánh trúng 100% vào các mục tiêu đã chọn mà có nhiều khả năng một số bị đánh chặn, một số lạc đường đánh nhầm mục tiêu.

Tại cuộc họp báo ngày 25/4, Bộ Quốc phòng Nga đã cho công bố một loạt mảnh vỡ tên lửa bị đánh chặn trong vụ liên quân không kích Syria ngày 14/4/2018. Đặc biệt, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ tổng Tham mưu Quân đội Nga, Thượng tướng Sergey Rudskoy còn cung cấp thông tin chi tiết về 2 quả tên lửa mà Syria đã thu giữ được.

"Do lỗi kỹ thuật, một số tên lửa đã không bắn trúng các mục tiêu được chỉ định từ trước... Hai trong số các quả tên lửa, một Tomahawk và một tên lửa phóng từ trên không có độ chính xác cao đã được đưa về Moscow. Các bạn có thể nhìn thấy đầu đạn tên lửa Tomahawk trong slide trình chiếu này".

Nga công bố các mảnh vỡ tên lửa Tomahawk bị phòng không Syria bắn hạ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại