LTS: Từ Nhà Con rồng, Điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long, Thủ đô Hà Nội, nơi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh ra những chỉ thị tối quan trọng tới bến Cảng Nhà rồng, Thành phố mang tên Bác chỉ mất gần 2 giờ bay... nhưng dân tộc Việt Nam đã phải đi một chặng đường dài hơn 20 năm, để "Vầng trăng không còn xẻ làm đôi"...
20 năm và 55 ngày đêm, Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 và chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, có sự trùng hợp nhau kỳ lạ, cùng diễn ra trong 55 ngày đêm và cùng giống nhau ở sự động não cao độ trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, góp sức tìm ra cách đánh tối ưu nhằm giành thăng lợi lớn nhất với tổn thất ít nhất, cùng giành những thắng lợi vinh quang nhất...
Trong những ngày tháng 4 lịch sử của năm 1975, từ trụ sở của Bộ Tổng tư lệnh tại điện Kính thiên, Hoàng thành Thắng Long những chỉ thị, mệnh lệnh tối quan trọng, những tấm gương đồng chí dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, thống nhất của Tổ Quốc đã được khắc họa rõ nét trong những dòng hồi ức lịch sử...
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài của tác giả Nguyễn Phước Thắng xoay quanh chủ đề này.
-----
Kỳ 1: Từ xe máy đón đặc phái viên của Bộ Chính trị... tới quyết tâm chiến lược
Xe gắn máy, một phương tiện giao thông độc đáo ở Bộ chỉ huy Miền, hoạt động liên tục ngày đêm. Các đồng chí lái chở các đồng chí cán bộ, chỉ huy đi trong khu vực của các cơ quan trực thuộc Bộ chỉ huy Miền, đóng phân tán trong một vùng rộng đề phòng máy bay địch đánh phá.
Trong chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh B.2 (gồm Nam Bộ và Khu 6) biệt phái một đội xe gắn máy lên giúp đưa đón các đồng chí cán bộ, chỉ huy, nay cùng trở về miền Đông Nam Bộ với đoàn xe hơi.
Các đồng chí lái xe cổ quấn khăn rằn, vai đeo tiểu liên báng gập đi sát đoàn xe, hướng dẫn đi đúng lộ trình, khi thì vượt lên trước với tốc độ cao để bắt liên lạc với xe tiền trạm, khi thì tụt lại sau tìm xe chậm, bị lạc.
Đêm đêm, trong các đường rừng gồ ghề, khúc khuỷu, các đồng chí mang các bức điện đến các xe thông tin vô tuyến, thường làm việc về đêm, vì ngày phải hành quân, và bao giờ cũng trú quân ở cách xa Bộ Tư lệnh miền để bảo đảm an toàn bí mật cho các đồng chí chỉ huy và hệ thống điện đài, tránh sự trinh sát điện tử của máy bay và biệt kích địch.
Chiến sĩ Giải phóng miền Đông Nam Bộ sử dụng xe máy để chở cán bộ ở Bộ tư lệnh Miền. Ảnh minh họa.
Các đồng chí trong Trung ương Cục và Quân uỷ Miền hoạt động nhiều năm trên chiến trường Nam Bộ, am hiểu sâu sắc về địch và ta, về tình hình Sài Gòn, giúp Bộ Tổng tư lệnh tìm hiểu được mau tình hình chiến trường Nam Bộ nói chung và tình hình Sài Gòn - Gia Định nói riêng.
Sau mấy ngày nghe các đồng chí trong Bộ Tham mưu Miền báo cáo, ngày 7 tháng 4, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng dự họp với Trung ương Cục và Quân uỷ Míền.
Trong buổi họp hôm đó có các đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Trần Nam Trung, Trần Văn Trà, Phan Văn Đáng (Hai Văn), Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), Phạm Văn Xô (Hai Xô).
Ngoài ra còn có các đồng chí Trung tướng Lê Đức Anh, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Miền, Thiếu tướng Nguyễn Huy Tưởng (Hai Lê), phó Chính uỷ Bộ chỉ huy Miền, Thiếu tướng Đồng Văn Cống, Phó Tư lệnh Miền, Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, Đại tá Lương Văn Nho và một số cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần.
Đồng chí Trung tướng Đinh Đức Thiện cùng dự họp.
Ở đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục, cũng như các đồng chí khác, luôn luôn có một tác phong giản dị, một niềm lạc quan sôi nổi, một ý chí quyết thắng sắt đá.
Phòng họp luôn có tiếng cười hồn nhiên, thoải mái. Hội nghị đã xem xét kỹ tình hình Nam Bộ, đặc biệt là tình hình thành phố Sài Gòn trong thời cơ thắng lợi chúng ta đã tiêu diệt và làm tan rã hai quân đoàn, giải phóng các tỉnh, thành phố trong hai Quân khu 1 và 2 của địch.
Hội nghị nghiên cứu quán triệt những chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và bàn các biện pháp cần thực hiện nhằm đẩy mạnh hoạt động quân sự, chính trị, giành thắng lợi mới, tạo thời cơ và điều kiện cho trận quyết chiến tổng công kích và nổi dậy giải phóng Sài Gòn, giải phóng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Khi bàn đến vấn đề bảo đảm hậu cần, đồng chí Phạm Hùng hỏi tình hình đạn dược của ta đã chuẩn bị đến đâu, đồng chí Đinh Đức Thiện đưa ra bản thống kê số đạn đã nhận được, số đạn đang chở các nơi đến và nói:
- Xin báo cáo với các đồng chí là đạn của ta đủ bắn để nó sợ đến ba đời.
Và mỗi lần bàn đến từng thứ cần thiết chuẩn bị cho chiến dịch, có cái đã gần đủ, có cái còn thiếu nhiều, thì đồng chí Phạm Hùng lại chỉ thị biện pháp khắc phục, thỉnh thoảng nhắc lại câu nói của đồng chí Đinh Đức Thiện: làm sao cho có, cho đủ và "để đánh cho nó sợ đến ba đời" khiến mọi người trong cuộc họp cười rộ lên.
Trung ương Cục và Quân uỷ Miền họp trong một không khí khá sôi nổi, náo nức của toàn Miền: các huyện, tỉnh ở Khu 9, Khu 8 liên tiếp báo về những thành tích chiến đấu và xây dựng trong mấy ngày đầu tháng 4 năm 1975. Trà Vinh cho biết, trước chỉ có 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương, nay đã tăng lên 5 tiểu đoàn rồi.
Rạch Giá có xã tuyển trong một ngày được 200 tân binh để lập thêm tiểu đoàn của tỉnh, còn ở mọi xã có một đại đội du kích. Bộ đội địa phương Quân khu 9 đánh chiếm cứ điểm Cái Vồn, Chợ Gạo, Long An đang mở rộng vùng giải phóng.
Chiều ngày 7-4, khi Quân ủy Miền đang họp thì một chiếc xe gắn máy chở một đồng chí người dong dỏng cao, mặc áo sơ mi màu xanh da trời, quần ka ki, đầu đội mũ cứng bộ đội, vai đeo một chiếc xà cột to bằng da màu đen, đến đỗ ngoài sân. Mọi người nhận ra ngay đấy là đồng chí Lê Đức Thọ.
Cả phòng họp náo động, vui lên, mọi người đứng dậy, ôm nhau hôn, mừng rỡ sung sướng. Đây là chuyến đi công tác thứ ba vào Nam Bộ của đồng chí Lê Đức Thọ trong ba mươi năm qua, kể từ khi Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ.
Có lần đồng chí đi bộ, vượt qua những đoạn đường rừng hiểm trở, băng qua những bãi bom B.52, mang theo cơm nắm, lương khô. Lần này đồng chí đi máy bay, đi xe hơi và cuối cùng là đi xe gắn máy để vào tới đây.
Đồng chí Lê Đức Thọ tươi cười kể chuyện trong nước, dư luận thế giới trước thắng lợi của ta, chuyện hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa và cả chuyện đi đường.
Đồng chí cho biết: trước khi đồng chí lên đường, Bộ Chính trị và Bác Tôn căn dặn là "Ra đi không thắng thì không được về".
Bộ Chính trị Quân ủy Trung ương họp tại Tổng hành dinh.
Tới Quyết tâm chiến lược
Ngày 8 tháng 4, trong cuộc họp đông đủ của Trung ương Cục, Quân uỷ Miền và Bộ Tư lệnh B.2, có thêm các cán bộ của Bộ Tổng tư lệnh tham dự, đồng chí Lê Đức Thọ phổ biến nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị họp ngày 25 tháng 3 ở Hà Nội.
Đồng chí nói về nhận định của Bộ Chính trị về tình hình địch, ta trên chiến trường, âm mưu Mỹ - VNCH trước những thất bại vừa qua và nguy cơ sụp đổ sắp đến của chúng. Sau đó đồng chí nói kỹ về quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, nhấn mạnh đến tư tưởng chỉ đạo để thực hiện bằng được quyết tâm đó.
Cuối cuộc họp, đồng chí phổ biến quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định gồm có đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng, Chính uỷ, đồng chí Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Phó Tư lệnh.
Riêng đồng chí Lê Đức Anh lại kiêm phụ trách chỉ huy cánh quân phía tây nam Sài Gòn, tức là Đoàn 232. Đồng chí Trung tướng Lê Trọng Tấn đang chỉ huy cánh quân phía đông được chỉ định làm Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
Đồng chí Đinh Đức Thiện là Phó Tư lệnh phụ trách về mặt hậu cần, giúp đồng chí Thiếu tướng Bùi Phùng, Cục trưởng Cục Hậu cần Miền.
Đồng chí Trung tướng Lê Quang Hoà đang phụ trách Bí thư Ban cán sự cánh quân phía đông được điều động về làm Phó Chính uỷ kiêm Chủ nhiệm chính trị của Bộ chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Lê Ngọc Hiền được chỉ định quyền Tham mưu trưởng chuyên trách về tác chiến.
Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Bộ chỉ huy chiến dịch sử dụng các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần vốn có của Miền để làm việc, có tăng cường thêm số cán bộ của Đoàn A.75 vừa ở Tây Nguyên tới và từ Bộ Tổng Tham mưu phái vào.
Trong đó có các đồng chí Thiếu tướng Doãn Tuế, Tư lệnh bộ đội Pháo binh, Đại tá Nguyễn Chí Điềm, Tư lệnh bộ đội Đặc biệt tinh nhuệ, Đại tá Lê Quang Vũ, Cục phó Cục quân báo, Đại tá Nguyễn Quang Hùng, Phó Tư lệnh bộ đội Phòng không - Không quân, Thượng tá Trương Đình Mậu, Cục phó Cục quân huấn, Thượng tá Lê Xuân Kiện, Phó Tư lệnh bộ đội Xe tăng, v.v.
Trung ương Cục miền Nam, Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền vẫn tiếp tục nhiệm vụ như trước đối với toàn Miền, chỉ có một số đồng chí trực tiếp tham gia Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
Và lần này, trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn có ba đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng được cử ra phụ trách trực tiếp lãnh đạo mặt trận và nhận chỉ thị thẳng của Bộ Chính trị.
Từ ngày 8 đến khoảng ngày 20 tháng 4, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương từng buổi, từng ngày theo dõi sự di chuyển của từng sư đoàn bộ binh, từng đoàn xe hậu cần, từng trung đoàn pháo binh hoặc tiểu đoàn cao xạ vào địa điểm tập kết.
Trong những buổi giao ban hàng ngày thường nêu lên các câu hỏi: Sư đoàn này bây giờ đến đâu, có bao nhiêu xe vận tải, trung đoàn kia đã kéo theo mấy chục khẩu pháo, đi theo đường nào? Đạn đại bác 130 mi-li-mét có được bao nhiêu, đạn pháo 100 mi-li-mét của xe tăng đã chở được bao nhiêu chuyến rồi?
Trên tất cả các đường hành quân đều có những đoàn cán bộ được cử đi đôn đốc các đơn vị tiến quân, đón những đoàn xe hậu cần vào các kho quy định và hướng dẫn các đoàn tân binh đến bổ sung cho đơn vị trước khi bước vào chiến dịch.
Thời gian giục giã. Bộ Chính trị chỉ thị cho Bộ Tư lệnh chiến dịch làm việc thật khẩn trương để có thể bắt đầu cuộc tổng công kích vào Sài Gòn càng sớm càng tốt.
Qua kiểm tra tình hình, thấy các sư đoàn chủ lực chưa có thể vào hết trong thời gian đó và để cuộc tiến công có đủ sức mạnh ngay từ đầu, có đủ lực lượng dự bị phát triển liên tục cho đến toàn thắng, Bộ Chính trị cho Bộ Tư lệnh thêm thời gian để chuẩn bị và quy định là phải mở cuộc Tổng tiến công Sài Gòn chậm nhất là vào hạ tuần tháng 4 năm 1975.
Về theo dõi địch lúc này, ta đặc biệt chú ý những mặt biến động chính trị trong nội bộ chính quyền Thiệu và ở nước Mỹ từng ngày, từng giờ. Tất nhiên, những hoạt động quân sự của địch vẫn được ta nắm chắc không những trong phạm vi Sài Gòn mà cả trên toàn Nam Bộ, trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt ở Thái Lan và Philíppin.
Diễn biến tình hình quân sự ở chiến trường Campuchia trong những ngày đầu tháng 4-1975 được theo dõi chăm chú, và tuy không hẹn mà có sự hiệp đồng chặt chẽ về mặt chiến lược và chiến dịch giữa ta và bạn.
Bộ Chính trị điện cho Bộ tư lệnh chiến dịch
"Kế hoạch tiến công toàn diện cần bảo đảm một khi đã phát động thì phải tiến công thật mạnh và liên tục, dồn dập đến toàn thắng, vừa phát động tiến công ở ngoại vi, vừa có lực lượng sẵn sàng nắm thời cơ thọc sâu vào trung tâm của Sài Gòn từ nhiều hướng, thực hiện từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào, tạo điều kiện cho đồng bào nổi dậy.
Trong tình hình hiện nay, thần tốc, táo bạo và bất ngờ là ở chỗ đó. Đây là phương án cơ bản và chắc thắng nhất. Cần có dự kiến và chuẩn bị đối phó với tình huống cuộc chiến đấu có thể kéo dài một thời gian".
Bộ Tổng tư lệnh chỉ huy tác chiến trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh tư liệu.
Lần lượt các Bộ Tư lệnh quân chủng, binh chủng, quân đoàn đến Sở chỉ huy chiến dịch nhận nhiệm vụ.
Riêng đối với Quân đoàn 4 và Quân đoàn 2, Sư đoàn 3 của Quân khu 5 đang tác chiến ở cánh phía đông, cách Sở chỉ huy khá xa, Bộ chỉ huy chiến dịch cử đồng chí Đại tá Lương Văn Nho (Hai Nhã), lúc đó làm Tham mưu phó của Bộ chỉ huy, có nhiệm vụ chuyển một bản mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch trực tiếp giao cho đồng chí Lê Trọng Tấn.
Bản mệnh lệnh đó có chữ ký của đồng chí Phạm Hùng và Đại tướng Văn Tiến Dũng. Mệnh lệnh nêu rõ là tất cả các binh đoàn thuộc cánh quân phía đông đều đặt dưới quyền chỉ huy của đồng chí Lê Trọng Tấn, tác chiến theo kế hoạch thống nhất của Bộ chỉ huy chiến dịch.
Nhiệm vụ của cánh quân tây nam (Đoàn 232) do đồng chí Lê Đức Anh trực tiếp nhận lệnh sau khi đã thảo luận và quyết định ở Sở chỉ huy chiến dịch.
Ngày 12-4-1975, đồng chí Vũ Lăng và đồng chí Nguyễn Hiệp (tức Đặng Vũ Hiệp) Tư lệnh và chính uỷ Quân đoàn 3 đến Sở chỉ huy chiến dịch nhận nhiệm vụ.
Trong buổi họp giữa Bộ Tư lệnh chiến dịch với hai đồng chí đó cùng một số cán bộ cao cấp của Sở chỉ huy, có ý kiến đề nghị lấy tên Bác đặt tên cho chiến dịch giải phóng thành phố Sài Gòn.
Đó là sự thể hiện lòng kính yêu vô hạn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đối với Bác, là niềm tin và ý chí quyết thắng của quân dân cả nước và đó cũng là sự biểu thị tấm lòng của Bác đối với đồng bào miền Nam ruột thịt, những người luôn "ở trong tim" của Người.
Ngày 14-4-1975, thể theo đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch và nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước, trong bức điện số 37 TK, đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị đã đáp ứng kịp thời ý nguyện thiết tha và thiêng liêng ấy: "Đồng ý chiến dịch Sài Gòn lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh ".
Điện đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm được vinh dự mang tên vị Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
(Dựa theo tư liệu từ Hồi ký Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hồi ký Đại thắng mùa xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng và một số tư liệu khác).
Tác giả Nguyễn Phước Thắng (ngoài cùng bên phải) thăm gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2007.