Từ status hơn 40.000 lượt chia sẻ: Con chơi điện thoại quá nhiều dẫn đến rối loạn TIC?

Ngọc Anh |

Cho con chơi điện thoại quá nhiều, bà mẹ trẻ ân hận vì thói quen này đã khiến con của chị mắc rối loạn TIC. Tuy nhiên, chuyên gia lại không xác nhận mối liên hệ này.

Rối loạn TIC có liên quan gì đến việc chơi điện thoại quá nhiều không?

Một bà mẹ có nick name là Yoko Phan tại Kiên Giang đã lên mạng chia sẻ về việc con trai 4 tuổi của chị sinh ra khoẻ mạnh nhưng cháu chơi điện thoại lúc 2 tuổi. Từ 1 tháng đổ lại đây bé có biểu hiện giật cơ mặt, nháy mắt, nhíu mũi .

Lúc đầu gia đình cứ sợ con thích đùa thế nên mẹ cháu bé la mắng thậm chí đánh vì sợ con thành thói quen xấu khó bỏ nhưng không hề cải thiện. Mẹ bé đưa bé đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng I,  chuyên khoa thần kinh bác sĩ bảo bé bị rối loạn TIC tạm thời .

Dù được bác sĩ giải thích về bệnh nhưng bà mẹ này vẫn rất lo lắng và không biết con mình sẽ ra sao sống chung với bệnh cả đời hay sẽ cải thiện.

Trước nỗi lo, bà mẹ trẻ này cho rằng "sanh con ra không có tật , tự dưng bây giờ thành như thế. Ai làm mẹ mà không lo. Qua câu chuyện của con trai mình, bà mẹ này muốn gửi lời cảnh tỉnh với các mẹ cho con chơi điện thoại , ipad nhiều thì nên dừng lại đi đừng nghĩ là không sao.

Từ status hơn 40.000 lượt chia sẻ: Con chơi điện thoại quá nhiều dẫn đến rối loạn TIC? - Ảnh 1.

Trẻ nhỏ bị rối loạn TIC nhưng không phải do điện thoại, ipad

"Bây giờ mình không cho con đụng đến điện thoại dù cho nó khóc cỡ nào cũng không. Chỉ mong đc cải thiện tốt lúc trước mình đã đọc 1 số cảnh báo nhưng vì do quá chủ quan nên cứ nghĩ nó coi lâu rồi có bị làm sao. Cũng may khi mới bắt đầu thì phát hiện sớm, hy vọng con chỉ bị tạm thời , không nhưng lời bác sĩ nói có bé bị thế vĩnh viễn".

Status của bà mẹ này nhanh chóng được chia sẻ trên facebook và sau 3 ngày đến nay đã có hơn 40.000 lượt chia sẻ kèm theo hàng nghìn bình luật. Hầu hết mọi người đều chia sẻ để cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm của việc sử dụng điện thoại. Nhiều bà mẹ khi đọc chia sẻ này đã tuyên bố "dẹp hết điện thoại, ipad".

Với chia sẻ trên, nhiều ông bố, bà mẹ đứng ngồi không yên vì không biết bao giờ đến lượt con mình cũng bị bệnh TIC bởi vì cháu nào cũng nghiền điện thoại, ăn điện thoại ngủ cũng điện thoại.

Việc cho trẻ nhỏ dùng điện thoại sớm và nhiều sẽ gây ra chứng rối loạn TIC hay không? Thạc sĩ, bác sĩ Lê Công Thiện – Trưởng phòng điều trị tâm thần trẻ em, Viện Sức khoẻ tâm thần Quốc gia cho biết rối loạn TIC là bệnh đã có từ rất lâu từ thế kỷ 19 và đến nay chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng sử dụng điện thoại nhiều gây nên rối loạn TIC.

Thạc sĩ Thiện cho biết qua các nghiên cứu thì trẻ dưới 4 tuổi không nằm trong vùng dịch tễ có rối loạn TIC.

Từ status hơn 40.000 lượt chia sẻ: Con chơi điện thoại quá nhiều dẫn đến rối loạn TIC? - Ảnh 2.

Biểu hiện của trẻ bị TIC

Hiện nay, TIC chia làm hai loại là TIC vận động biểu hiện nháy mắt, nhăn mặt, nhếch mép, lè lưỡi, lắc cằm, cau mày, lắc cổ, quay cổ, gật đầu, nhún vai, giơ cánh tay, giơ bàn tay hay ngón tay… và độ tuổi trung bình hay mắc phải là 7 tuổi.

TIC âm thanh biểu hiện như ho, hắng giọng, hít, ngáp, hỉ mũi, khịt mũi, tặc lưỡi, gâu gâu, ụt ịt, ợ và biểu hiện này xảy ra trung bình 11 tuổi. Các biểu hiện của TIC đều phát hiện khi dưới 18 tuổi.

TIC có nguy hiểm không?

Những đối tượng có nguy cơ mắc rối loạn TIC là bản thân trong gia đình có người mắc ở thế hệ trước, gặp ở các trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý, hoặc các trẻ có rối loạn ý thức đồng hành với rối loạn TIC.  Trường hợp cháu bé nghiện điện thoại gây ra TIC chỉ là sự trùng hợp trên nền tâm lý có trước.

Việc phát hiện sớm dấu hiệu của rối loạn TIC để điều trị rất cần thiết. Theo bác sĩ Thiện nếu phát hiện muộn sẽ ảnh hưởng tới việc học hành của trẻ, lâu dài trẻ sẽ bị xa lánh, gây trầm cảm, lo âu. Với một đứa trẻ, bác sĩ Thiện nhấn mạnh bị xa lánh, không có ai chơi cùng sẽ là điều khủng khiếp với trẻ.

Để chẩn đoán có phải trẻ bị TIC hay không, bác sĩ Thiện cho biết bác sĩ phải rất thận và chẩn đoán loại trừ. Rối loạn TIC là tâm thần kinh phải chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân ví dụ như ợ có phải do tiêu hoá... rối loạn ngôn ngữ, vận động và thông thường để chẩn đoán TIC phải theo dõi trong vòng 1 năm.

Điều trị TIC, các bệnh nhân điều trị ngoại trú, Thạc sĩ Thiện cho biết tư vấn cho gia đình bệnh nhi có ý nghĩa quan trọng. Gia đình bệnh nhân có thể lo sợ TIC và có các phản ứng khác nhau nên bác sĩ phải các thành viên gia đình hiểu biết về TIC  để  phối hợp với bác sĩ và điều trị cho người bệnh.

 TIC được điều trị cùng với các loại thuốc là thuốc được lựa chọn hàng đầu để điều trị TIC, liều hiệu quả rất khác nhau trên mỗi bệnh nhân; thuốc có thể gây ra tác dụng phụ như ngủ nhiều, rối loạn trương lực cơ cấp...

Tuy nhiên, người bệnh phải tuân thủ điều trị và thường xuyên thông báo cho bác sĩ về các diễn biến tác dụng phụ của thuốc vì có thuốc tác dụng phụ xảy ra trước cả tác dụng chính, gia đình người bệnh lo lắng bỏ thuốc dẫn đến việc điều trị bị bỏ dở gây nguy hiểm cho người bệnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại