“Tự chủ giống như dòng sông, được khơi thông thì các bệnh viện sẽ thuận lợi, an toàn"

Nguyễn Trang/VOV.VN |

Đại biểu Quốc hội cho rằng, về thực hiện tự chủ bệnh viện, thời gian qua các đơn vị như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K gần như bị “đắm thuyền” vì cơ chế không đầy đủ, không đến nơi đến chốn.

Tại phiên họp Quốc hội sáng nay (24/10) thảo luận về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nói về vấn đề tự chủ bệnh viện, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng: “Tự chủ cũng giống như một dòng sông, được khơi thông thì con thuyền là các bệnh viện công đi trên đó sẽ được an toàn và rất tiện lợi, còn nếu chúng ta xác định không cẩn thận thì rất dễ bị đánh đắm thuyền.

Thực tế hiện nay cơ chế cho các bệnh viện tự chủ vừa rồi như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K gần như bị “đắm thuyền” vì cơ chế không đầy đủ, không đến nơi đến chốn. Đặc biệt là 2 vấn đề lớn trong tự chủ về con người và vấn đề kinh phí đều không giải quyết được”.

“Tự chủ giống như dòng sông, được khơi thông thì các bệnh viện sẽ thuận lợi, an toàn - Ảnh 1.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai).

Về vấn đề xã hội hóa, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị quy định không nên mang tính chất nguyên tắc mà nên đi cụ thể vào các hình thức xã hội hóa, chính sách thu hút xã hội hóa như thế nào.

“Về việc mượn máy móc, tôi hỏi một số bác sĩ họ nói rằng, có những loại máy móc, phương tiện chỉ đi với loại một loại hóa chất nhất định, các hãng đề nghị cho mượn nhưng phải dùng loại hóa chất của họ. Nhưng chúng ta lại căn cứ vào quy định của đấu thầu, lúc nào cũng phải chăm chăm để đấu thầu, đấu thầu được máy lại không đấu thầu được hóa chất, đấu thầu được hóa chất thì không đấu thầu được máy. Tôi rất đồng tình với ý kiến đề nghị phương án mượn.

Liên quan đến thiết bị y tế, rà lại Luật Đấu thầu chúng ta đang trình ở đây lại dẫn sang là đấu thầu theo quy định của luật về y tế, như vậy lại đá ngược quả bóng lại trong luật này, rất khó thực hiện. Nếu chúng ta không làm rõ được câu chuyện mua sắm trang thiết bị như thế nào trong y tế, có những đặc thù gì thì rất khó tháo gỡ vướng mắc”, đại biểu Trịnh Xuân An nêu ý kiến.

Cùng thảo luận về nội dung tự chủ bệnh viện, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, đến thời điểm này, việc xã hội hóa trong các cơ sở y tế mới chỉ được hiểu một cách nôn na, đơn giản là nhà nước ngưng chi trả lương, còn cơ chế tổ chức, nhân sự, tài chính và mua sắm thì các bệnh viện đều không được tự quyết.

“Mục tiêu của xã hội hóa là làm sao để phát huy được năng lực của cán bộ, nhân viên y tế trong mỗi cơ sở khám, chữa bệnh để tăng cường chất lượng. Nhưng chúng ta đang sa đà, loay hoay làm thế nào để mức giá thanh toán theo BHYT thấp nhất, song việc này còn tùy thuộc vào khả năng của bảo hiểm y tế.

Nên mãi có một vòng luẩn quẩn là làm sao giá thấp nhất, từ giá thuốc cho tới vật tư y tế, trang thiết bị; bảo hiểm y tế thanh toán thế nào, thanh toán làm sao phải thật thấp nhưng khi giá thấp nhất thì chất lượng không thể cao”, đại biểu Phạm Khánh Lan nói.

Đại biểu đoàn TP.HCM cũng nêu thực trạng rằng, thời gian qua có những bệnh viện đầu ngành với lượng chất xám, cán bộ, cơ sở về vật chất khang trang và đồ sộ nhưng cũng phải rút khỏi tự chủ vì thực chất chưa có tự chủ. Vấn đề là hàng chục năm tiến hành xã hội hóa và tự chủ bệnh viện, nhưng tới giờ vẫn chưa hề có một hoạt động tổng kết, đánh giá chính thức nào về những mô hình này.

“Tự chủ giống như dòng sông, được khơi thông thì các bệnh viện sẽ thuận lợi, an toàn - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TP.HCM.

“Nếu như không tổng kết, đánh giá một cách chính thức, không mổ xẻ thì không thể biết đâu là điểm yếu và từ đó đưa ra giải pháp. Thực sự chúng ta chỉ chạy theo những sự cố để giải quyết, dẫn đến hậu quả hiện nay là bệnh viện thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, nhân viên y tế sợ hãi, không dám làm, không dám chủ động, sáng tạo và xin nghỉ nhiều, cũng như là nhiều bệnh viện xin rút không tự chủ.

Tôi đề nghị cần phải có tổng kết, đánh giá quá trình tự chủ bệnh viện, không chỉ là tự chủ bệnh viện mà cả vấn đề đấu thầu giá thuốc rẻ trong bệnh viện những năm qua.

Vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực đã được sử dụng đúng hướng hay chưa, hay bao nhiêu nhân viên y tế lựa chọn số một vẫn là đi làm trình dược viên, đi bán thuốc để có thu nhập trước mắt cao hơn, chất lượng đào tạo của chúng ta như thế nào…. Chúng tôi nhận thấy còn rất nhiều vấn đề cần phải đầu tư hơn nữa để sửa đổi dứt khoát trong luật, đưa ra được những giải pháp có thể giải quyết được những hiện trạng hiện nay”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan kiến nghị.

Còn theo đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái), một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước là thực hiện xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, là nguyên nhân dẫn đến nhiều cán bộ trong ngành y tế vi phạm pháp luật, đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí là bị truy tố trách nhiệm hình sự.

“Tự chủ giống như dòng sông, được khơi thông thì các bệnh viện sẽ thuận lợi, an toàn - Ảnh 3.

Đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái).

Trong khi đó, dự thảo luật chỉ có duy nhất Điều 107 quy định về vấn đề này, mặc dù tại khoản 3 có quy định về các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, tuy nhiên tại khoản 4 quy định việc thực hiện thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật, đồng thời tại khoản 5 có giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Đại biểu cho rằng, nội dung quy định tại Điều 107 không thể giải quyết được những vướng mắc, bất cập hiện nay, kể cả việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Bởi lẽ, các hình thức huy động nguồn lực xã hội hóa quy định tại khoản 3 điều này còn bị điều chỉnh bởi nhiều luật khác như: Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Chẳng hạn, với các quy định hiện hành, các bệnh viện công không thể góp vốn đầu tư, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất, cũng không thể lấy một phần đất được Nhà nước giao để cho các nhà đầu tư thuê để xây dựng các công trình phục vụ khám bệnh, chữa bệnh, cũng không được sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư để đảm bảo cho các khoản vay tín dụng có thể thế chấp để vay vốn đầu tư xây dựng công trình, nâng cấp trang thiết bị phục vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Việc đầu tư theo phương thức đối tác công - tư không dễ thực hiện, bởi theo quy định chỉ được áp dụng phương thức này đối với các dự án có tổng mức đầu tư từ 200 tỷ trở lên, là mức vốn rất lớn so với dự án hợp tác đầu tư phổ biến hiện nay tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện.

Đơn cử như hiện nay, hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các bệnh viện tuyến huyện thường xuyên bị hư hỏng, phải đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới. Do không có chuyên môn sâu về lĩnh vực này nên các bệnh viện mong muốn được hợp tác với doanh nghiệp chuyên về công nghệ môi trường theo hướng doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành công trình thu gom, xử lý nước thải còn bệnh viện sẽ chi trả phí thuê doanh nghiệp xử lý nước thải hàng tháng.

Tuy nhiên, bệnh viện không thể cho doanh nghiệp thuê đất để xây dựng công trình, cũng không thể trả lại một phần đất để Nhà nước cho doanh nghiệp thuê, vì đường ống thu gom nước thải đan xen trong các tòa nhà, hai bên cũng không thể hợp tác đầu tư theo phương thức PPP do tổng mức đầu tư dưới 200 tỷ. Còn nếu bệnh viện chấp thuận để doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình thì cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể cấp giấy phép xây dựng do doanh nghiệp không có giấy tờ về đất đai, do đó cũng không thể nghiệm thu cấp phép cho công trình đi vào hoạt động. Đây thực sự là một bài toán chưa có lời giải.

Với phân tích trên, đại biểu tha thiết đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu quy định đầy đủ và rõ ràng hơn về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay./.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại