Đang đỉnh cao sự nghiệp, cựu vô địch quần vợt thế giới bị chẩn đoán mắc bệnh lạ
Nắm giữ đến 7 danh hiệu Grand Slam, tiếp đến là Huy chương vàng Olympic và từng vươn lên vị trí số 1 thế giới nhưng kể từ tháng 8-2011, tay vợt kỳ cựu Venus Williams như cái bóng vật vờ trong làng quần vợt nữ thế giới.
Tại Giải quần vợt Mỹ Mở rộng năm đó, cô luôn bị chấn thương và nhiều lần phải xin dừng trận đấu. Có những lúc, Venus tưởng mình còn không thể nhấc nổi cánh tay phải để cầm vợt.
Venus tưởng mình không còn sức lực để cầm vợt.
Mặc dù trước đó vài năm, luôn phải chịu đựng hàng loạt các triệu chứng như mệt mỏi, đau khớp, khó thở và không có khả năng hồi phục sau mỗi lần thi đấu nhưng chị cả nhà Williams chưa bao giờ nghĩ mắc bệnh lạ.
"Tôi muốn đi khám bác sĩ để xem mình bị bệnh gì, nhưng nỗi sợ hãi rằng sẽ không còn đứng ở vị trí dẫn đầu ở mỗi giải đấu đã khiến tôi chùn bước. Song tôi muốn được giải thoát các cơn đau và mệt mỏi. Và cái gì đến rồi cũng đến", Venus nhớ lại.
Cuối cùng, khi giải đấu Giải quần vợt Mỹ Mở rộng bước vào vòng thứ 2, tay vợt 31 tuổi quyết định rút lui giải đấu và thông báo mình bị mắc hội chứng Sjogren.
Đây là một bệnh tự miễn toàn thân trong đó các tế bào miễn dịch tấn công và phá hủy các tuyến ngoại tiết sản xuất nước mắt và nước bọt, gây khô mắt và khô miệng. Nếu không điều trị cẩn thận, bệnh nhân có thể bị suy nhược cơ thể, dẫn tới tử vong.
Thời điểm đó, hội chứng Sjogren chưa có thuốc chữa nhưng bệnh nhân có thể kiểm soát và làm giảm các triệu chứng bệnh.
"Điều đó có nghĩa là tôi không thể chơi tennis được nữa. Căn bệnh này đã thay đổi cuộc đời tôi. Bởi vì nó đã lấy mất những gì tôi yêu", Venus tâm sự trên tờ Tạp chí Tennis Thế giới vào tháng 1/2017.
Mỗi người đều từng trải qua một hoặc vài buổi sáng "lao đao", vừa ngủ dậy đã không muốn đi làm, người mệt mỏi và muốn nhảy lên giường, đắp chăn ngủ tiếp. Nhưng Williams bị tình trạng đó thường xuyên.
Cô chị nhà Williams đã trải qua những tháng ngày tuyệt vọng tăm tối tưởng chừng phải giã từ sự nghiệp vì chứng bệnh gây trở ngại nghiêm trọng cho hoạt động thể thao.
"Tôi thật sự chán nản, luôn muốn nằm vùi trên giường. Dù nhận thức được vấn đề là luôn phải lạc quan, điều trị kịp thời và thay đổi lối sống, tôi sẽ chiến thắng căn bệnh. Nhưng lúc đó, nó không giống kiểu bạn không có năng lượng, mà là cảm giác bị đánh gục.
Rõ ràng đó là những thách thức mới trong cuộc sống nhưng nghĩ chuyện đối mặt với nó, chấp nhận nó và vượt qua nó quả không dễ dàng chút nào.
Trên sân đấu, tôi là một người phụ nữ mạnh mẽ, tôi là một vận động viên kiên cường, tôi chiến thắng không biết bao nhiêu trận nhưng trong trận chiến này, tôi không có ý định chiến đấu, tôi đầu hàng ngay phút đầu tiên.
Đó là lúc tôi bắt đầu trượt dốc về sức khỏe lẫn tinh thần", Venus nhớ lại khi trả lời trên kênh CNN vào năm 2014.
Hội chứng Sjogren được xác định bởi viêm kết giác mạc khô, khô miệng và viêm khớp dạng thấp được nhà khoa học Henrik Sjogren (Thụy Điển) phát hiện năm 1933. Khoảng 90% bệnh nhân là nữ.
Khởi động bệnh lý là viêm miễn dịch lan tỏa các tuyến ngoại tiết và toàn bộ bề mặt của mắt. Hậu quả khô mắt của bệnh gây khổ sở kéo dài, gây tàn phế và ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Venus Williams "hồi sinh" ở tuổi 35
Thế nhưng, 4 năm sau, Venus Williams đã tạo ra một trở lại ngoạn mục.
Từ vị trí 103 trên bảng xếp hạng đơn nữ WTA và dự tính giải nghệ vào năm 2011, cô vươn mình lên vị trí số 19 thế giới năm 2014, và năm 2015 đã chứng kiến sự nỗ lực của cô với 3 danh hiệu WTA để kết thúc năm ở vị trí số 7 thế giới.
Lần đầu tiên kể từ 2011, Venus mới lại quay trở lại nhóm 10 tay vợt nữ mạnh nhất thế giới. Thành tích này giúp tay vợt 35 tuổi nhận được giải thưởng "Sự trở lại của năm" do Hiệp hội quần vợt nhà nghề nữ bầu chọn.
"Thật may mắn, tôi lại được cầm vợt và chinh chiến ở mọi sân đấu. Hội chứng Sjogren đã thay đổi cuộc đời tôi nhưng có một điều kỳ diệu đã giúp tôi lật ngược lại thế cờ. Thay đổi thói quen ăn uống đã tạo một khác biệt rất lớn trong cuộc đời tôi."
Venus Williams bắt đầu thực hiện một chế độ dinh dưỡng thuần chay và ăn thực phẩm tươi sống, tức là từ bỏ các sản phẩm từ động vật và món ăn nấu chín.
Điều này có nghĩa là cơ thể được cung cấp đầy đủ nhất các chất dinh dưỡng và enzym có trong thực phẩm, vốn bị mất đi nếu được nấu chín. Và vật dụng cần thiết phục vụ chế độ ăn này là máy xử lý thực phẩm, máy xay sinh tố và máy sấy thực phẩm.
Trên trang web cá nhân, Venus đã tiết lộ chế độ ăn chay được thiết kế nhằm giảm viêm nhiễm trong cơ thể, giảm các triệu chứng của bệnh bằng cách "không nạp quá nhiều calo, thuốc trừ sâu và đường vào cơ thể mình".
"Những chiếc bánh anh đào yêu thích không bao giờ xuất hiện trong thực đơn của tôi, bởi đường bị nghiêm cấm sử dụng. Thêm vào đó, tôi phải thay đổi lối sống để được nghỉ ngơi nhiều hơn.
Giấc ngủ cũng đóng vai trò quan trọng. Tôi nghĩ đó là liều thuốc để bạn phục hồi năng lượng trong cơ thể. Và tôi uống "loại thuốc" này rất điều độ".
Nếu ở góc độ ăn thuần chay, người ăn nghiêm khắc sẽ chỉ chọn các loại thực phẩm thực vật giàu chất dinh dưỡng như các loại rau xanh. Nhưng với người ăn chay bình thường, họ cũng có thể ăn khoai tây chiên hoặc bim bim khoai tây (miễn là không có sản phẩm động vật).
Còn tay vợt kỳ cựu thừa nhận mình là một "cheagan" (ăn chay gian lận, có thể thi thoảng ăn phomai và socola), thực hiện nguyên tắc 80.20 (hoặc 90/20 hoặc 70/30), có nghĩa là 80% ăn sạch và 20% ăn "xõa", tức là ăn theo sở thích. Thường món cô chọn ăn "xõa" là tỏi chiên có thêm một chút gia vị.
"Tôi ăn để sống chứ không phải sống để ăn nên tôi vẫn cho phép bản thân "buông thả" một chút để lấy tinh thần thực hiện chế độ ăn chay", Venus thú nhận.
Một trong những món Venus Williams yêu thích nhất chính là các loại nước ép như dâu tây, xoài, cải báo xôi và đặc biệt là cỏ lúa mì.
Cô cho biết loại cỏ này cực kỳ giàu chất dinh dưỡng giúp điều trị bệnh về da, phòng chống ung thư, tốt cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừ rối loạn máu, xơ vữa động mạnh và phòng viêm nhiễm.
Ngoài ra, cỏ lúa mì còn giúp kiểm soát cân nặng và sự thèm ăn, làm sạch gan và thải các chất độc, kim loại nặng có trong cơ thể.
Sau hơn 1 năm thay đổi lối sống và thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc biệt, cựu số thế giới người Mỹ đã bình phục hoàn toàn và trở lại thi đấu.
Hồi tưởng lại khoảng thời gian gần cuối năm 2011, đến Venus Williams cũng không ngờ mình lại có thể tiếp tục được cầm vợt và vẫn là một trong những tay vợt hàng đầu thế giới.
"Những nhà vô địch thế giới không cần ăn thịt"
Mọi người thường nghĩ chế độ ăn của các vận động viên cần rất nhiều chất đạm và calo để đảm bảo sức lực thi đấu nhưng chị em nhà Williams lại khác, họ là người thực hiện chế độ dinh dưỡng thuần chay.
Được người chị truyền cảm hứng, cô em Serena cũng chọn giải pháp ăn chay trong chế độ dinh dưỡng của mình. Riêng cô em Serena từ khi ăn chay năm 2012 đã đoạt thêm 7 danh hiệu Grand Slam trong sự nghiệp.
Một câu hỏi rất phổ biến với chị em nhà William cũng như các vận động viên ăn chay khác là họ nhận protein từ đâu?
Theo Health, thực sự thì thịt không phải là nguồn protein duy nhất. Trên thực tế, hầu hết các loại thực phẩm (trừ rượu và đường) đều ít nhiều có chứa protein. Một nửa chén đậu chứa một lượng protein tương đương gần 30gr thịt.
Theo khuyến cáo của TS. Eric C.Sharer từ Viện dinh dưỡng và nhóm thực hành dinh dưỡng ăn chay Mỹ, để đảm bảo đủ các loại axit amin thiết yếu, các ngôi sao thể thao thường nạp các loại protein từ đậu lăng, đậu, các loại hạt và sữa.
Thêm nữa, chế độ ăn chay có xu hướng cung cấp hàm lượng cao chất xơ, magie, kali, folate, carotenoid, flavonoid, vitamin C và vitamin E hơn những người ăn mặn.
Tuy nhiên trong những ngày tham gia một giải đấu, chị em nhà Williams vẫn bổ sung các món ăn được chế biến từ cá, trứng và ức gà.
Đây chính xác là những gì Venus Williams ăn trong một ngày khi tham gia Giải quần vợt Mỹ Mở rộng năm 2016.
* Tổng hợp từ nhiều nguồn