Từ ca ung thư hốc mắt lan rộng đến những điều cần biết về ung thư vùng đầu - cổ

ThS.BSCKII. Nguyễn Quốc Dũng |

Ung thư vùng đầu - cổ có nguy hiểm không, nguyên nhân do đâu, các yếu tố nguy cơ gây bệnh là gì? … Dưới đây là những thông tin về vấn đề này.

Mặc dù các bệnh ung thư vùng đầu-cổ không phải thường gặp nhất, nhưng có thể ảnh hưởng đến các chức năng quan trọng như nói, nhìn, nhai, nuốt, thở và yếu tố thẩm mỹ.

Việc phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm kèm theo điều trị sớm và đúng mức tại cơ sở chuyên khoa sẽ đem lại kết quả tốt, cơ may khỏi bệnh cao, đảm bảo chất lượng cuộc sống sau khi điều trị.

Từ u xoang hàm đến ung thư hốc mắt

Bệnh nhân Nguyễn Đình N, nam, 66 tuổi quê ở Bắc Ninh được chẩn đoán K hốc mắt phải tái phát.

Theo lời kể của bệnh nhân hơn 1 năm nay, mắt phải của ông N. đau nhức mắt, lồi mắt. Bệnh nhân đã đến bệnh viện địa phương được chẩn đoán u xoang hàm , phẫu thuật lấy u.

Tuy nhiên, sau 2 tháng, u mọc lại to hơn, bệnh nhân phải vào lại bệnh viện địa phương mổ lại. Sau đó 3 tháng, u mọc lại to nhanh hơn, đau nhức sọ mặt nhiều hơn, nhìn mờ hơn, mắt đẩy lồi ra trước nhiều.

Tình trạng ngày càng nặng nên bệnh nhân tái khám tại bệnh viện địa phương và được các bác sĩ chẩn đoán u hốc mắt tái phát, chuyển viện Tai Mũi Họng Trung ương. Tại đây sau khi khám và được chỉ định làm xét nghiệm, CT sọ mặt, chọc tế bào khối u kết quả cho thấy bệnh nhân mắc ung thư Carcinoma và chẩn đoán ung thư hốc mắt lan rộng, chuyển Bệnh viện K điều trị.

Sau khi khám và đánh giá bệnh nhân N. được chẩn đoán K hốc mắt phải tái phát. Lúc này theo đánh giá của các bác sĩ sẽ phải phẫu thuật cắt rộng u, có thể khoét bỏ nhãn cầu.

Bệnh nhân mắc ung thư hốc mắt là trường hợp ung thư khá phức tạp vùng đầu cổ. Ca mổ kéo dài 2,5 giờ, các bác sĩ đã phẫu thuật cho bệnh nhân thành công bằng cắt rộng u đặt lưới Titan sàn ổ mắt. Sau mổ bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, khoẻ mạnh, tinh thần thoải mái.

Từ ca ung thư hốc mắt lan rộng đến những điều cần biết về ung thư vùng đầu - cổ - Ảnh 1.

Bệnh nhân ung thư hốc mắt.

Đây là ca mổ khó, phức tạp bởi bệnh nhân mổ lại, dính, phức tạp. U lan rộng, xâm lấn, phá huỷ sàn ổ mắt, xâm lấn xoang hàm, xương gồ má, mỡ quanh ổ mắt, mạch máu tăng sinh, chảy máu nhiều. Bệnh nhân sau khi lấy được hết u rộng rãi, được tạo nền Titan cho sàn ổ mắt để giữ nhãn cầu ở vị trí bình thường.

Nhưng rất may khối u chưa ăn vào các cơ quanh ổ mắt, thần kinh, nhãn cầu nên các bác sĩ đã quyết định giữ mắt cho bệnh nhân. Nếu không bệnh nhân phải khoét bỏ nhãn cầu, gây ảnh hưởng tâm lý, thị lực cho người bệnh.

Với bệnh nhân ung thư như thế này, sau mổ khuyết hổng lớn, đặc biệt là sàn ổ mắt. Phải tạo hình khung cứng, nếu không sẽ tụt nhãn cầu gây song thị, bệnh nhân sẽ rất khó chịu. Ngoài ra, sau mổ bệnh nhân có thể phải xạ trị bổ trợ. Tuy vậy, đây là ca mổ đã giúp bệnh nhân lấy được hết u và bảo tồn được nhãn cầu cũng như thị lực cho người bệnh.

Ung thư vùng đầu-cổ có thường gặp không?

Tại Việt Nam, độ tuổi mắc ung thư vùng đầu-cổ khoảng 30-40 tuổi, trẻ hơn so với các nước phương tây, do thói quen sinh hoạt như hút thuốc, uống rượu, ăn trầu. Trong đó, ung thư vòm họng là bệnh đứng đầu trong các ung thư vùng đầu-cổ.

Theo ghi nhận hàng năm, khoa xạ trị bệnh viện K tiếp nhận thêm 250-300 trường hợp mắc mới ung thư vòm họng. Tại Tp.HCM, giai đoạn 2007-2011, ghi nhận ung thư vòm hầu đứng hàng thứ 5 trong các loại ung thư thường gặp ở nam giới. Tại Trung tâm Ung bướu (1990 – 1994), ung thư xoang miệng chiếm 6,07% ung thư các loại, xuất độ chuẩn theo giới là 5/100.000 người dân ở phái nam và 3,8/100.000 người dân ở phái nữ.

Triệu chứng ung thư vùng đầu-cổ

Những triệu chứng của ung thư vùng đầu-cổ có thể bao gồm:

Khối gồ hoặc tổn thương dạng loét không lành; Đau họng không khỏi; Khó nuốt và thay đổi giọng nói hay khàn giọng. Những triệu chứng này cũng có thể gây ra bởi những bệnh lý khác ít nghiêm trọng hơn.

Theo các chuyên gia, ung thư vùng đầu-cổ thường bắt nguồn từ lớp tế bào gai nằm lót trong bề mặt ẩm ướt ở vùng đầu cổ (ví dụ như trong miệng, mũi, họng), và thường phát triển thành ung thư biểu mô tế bào gai.

Ung thư vùng đầu-cổ cũng có thể bắt nguồn từ các tuyến nước bọt, nhưng tương đối ít gặp. Các tuyến nước bọt chứa nhiều loại tế bào có thể ung thư hóa, vì vậy có nhiều dạng ung thư tuyến nước bọt khác nhau.

Từ ca ung thư hốc mắt lan rộng đến những điều cần biết về ung thư vùng đầu - cổ - Ảnh 2.

Ung thư khoang miệng giai đoạn đầu

Phân loại

Ung thư vùng đầu-cổ còn được phân loại theo vùng khởi nguồn của khối u như sau:

Tại khoang miệng: Bao gồm môi, 2/3 trước của lưỡi, nướu răng, niêm mạc môi – má, sàn miệng, khẩu cái cứng, và vùng nướu phía sau răng khôn.

Tại hầu họng: Họng là một ống rỗng dài khoảng 12,7 cm bắt đầu từ sau mũi tới thực quản, bao gồm 3 phần: họng mũi (phần trên của họng, phía sau mũi), họng miệng (phần giữa của họng, bao gồm khẩu cái mềm, đáy lưỡi, và các trụ amidan) và hạ họng (phần dưới của họng).

Tại thanh quản: Thanh quản hay hộp thanh âm, là một hành lang ngắn cấu tạo bởi sụn, nằm ngay dưới họng ở vùng cổ. Thanh quản chứa các dây thanh âm và một nắp thanh quản che đậy thanh quản để tránh thức ăn lọt vào đường thở.

Tại hốc mũi và các xoang cạnh mũi: Hốc mũi là khoảng trống bên trong mũi. Các xoang cạnh mũi là những hốc rỗng nhỏ trong xương vùng đầu xung quanh mũi.

Tại các tuyến nước bọt: Các tuyến nước bọt chính nằm ở sàn miệng và gần xương hàm dưới có chức năng tiết ra nước bọt.

Từ ca ung thư hốc mắt lan rộng đến những điều cần biết về ung thư vùng đầu - cổ - Ảnh 3.

Phân loại ung thư vùng đầu -cổ theo vị trí.

Các dạng ung thư não, mắt, thực quản, và tuyến giáp, cũng như ung thư da, cơ, xương vùng đầu cổ thường không được xếp loại trong ung thư vùng đầu-cổ.

Trong trường hợp phát hiện các tế bào gai ung thư hóa ở hạch lympho vùng cổ trên nhưng không tìm thấy ung thư ở các vùng khác, chúng ta gọi là ung thư tế bào gai vùng cổ di căn không rõ khối u nguyên phát .

Yếu tố nguy cơ của ung thư vùng đầu – cổ

Có nhiều yếu tố nguy cơ trong đó phải kể đến các yếu tố sau.

- Sử dụng thuốc lá, thuốc lào (bao gồm cả hút thuốc, nhai thuốc và hít trực tiếp) và uống nhiều rượu bia là hai yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của ung thư vùng đầu – cổ, đặc biệt ung thư khoang miệng, họng miệng, hạ họng và thanh quản. Ít nhất 75% ung thư vùng đầu-cổ gây ra bởi sử dụng thuốc lá và rượu. Tuy nhiên, thuốc lá và rượu không phải là yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến nước bọt.

-Nhiễm HPV (Human Papilloma Virus), đặc biệt HPV-16, là một yếu tố nguy cơ của ung thư vùng đầu – cổ, đặc biệt ung thư họng miệng bao gồm cả amidan và đáy lưỡi.

-Chăm sóc răng miệng không đúng cách: Vệ sinh răng miệng kém có thể chỉ là yếu tố nguy cơ thấp với ung thư khoang miệng. Sử dụng nước súc miệng có nồng độ cồn cao có thể là yếu tố nguy cơ ung thư khoang miệng, tuy nhiên chưa có bằng chứng rõ ràng.

- Phơi nhiễm nghề nghiệp: Những người làm việc trong lĩnh vực xây dựng, luyện kim, dệt may, gốm sứ, khai thác gỗ và công nghiệp thực phẩm có thể tăng nguy cơ ung thư thanh quản, hốc mũi, xoang cạnh mũi do hít phải khói bụi, bụi gỗ, bụi ni-ken, amiăng (một loại khoáng vật dùng trong công nghiệp), sợi tổng hợp hoặc các hóa chất công nghiệp. Với những người làm việc ngoài trời thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng cũng có nguy cơ cao đối với ung thư môi nếu không trang bị các phương tiện bảo hộ lao động.

- Phơi nhiễm với tia xạ: Tiếp xúc thường xuyên với tia xạ ở vùng đầu cổ (không phải trong điều trị ung thư) là một yếu tố nguy cơ ung thư tuyến nước bọt.

- Nhiễm EBV (Epstein-Barr Virus): Nhiễm EBV là một yếu tố nguy cơ của ung thư mũi họng và ung thư tuyến nước bọt.

Tóm lại: Khi nhận thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường, người bệnh không nên chủ quan vì đó có thể là dấu hiệu ung thư đầu-cổ. Bạn nên tới những cơ sở y tế uy tín để được khám và tư vấn kịp thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại