Việc Nga đã công bố một loạt vũ khí mới "siêu việt"… và tất nhiên có những loại vũ khí khác không được phép công bố, không chỉ là nói lên sự nguy hiểm, lợi hại của nó bởi tính năng mà đằng sau nó, giới nghiên cứu quân sự thừa hiểu, đó là, tư duy tác chiến đã thay đổi theo nó một cách triệt để.
Sự phát triển vũ khí công nghệ mới vượt hẳn Mỹ-NATO cho phép người Nga thay đổi tư duy tác chiến phù hợp là một ác mộng kinh hoàng của Mỹ-NATO và cũng chính từ đó, Nga đã tỏ ra bản lĩnh, tự tin sẵn sàng "đàn áp NATO" như thế nào trong thời gian gần đây…
TT Putin "lật bài" đột ngột, Mỹ-NATO bối rối và hoảng sợ!
Mỹ chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh, Liên Xô tan rã, nước Nga thừa kế Liên Xô đang "xin được gia nhập NATO" dẫn đến đối tượng tác chiến quy mô lớn cấp chiến lược toàn cầu của Mỹ không còn là một thực tế khách quan.
Đó là lý do chính khiến tư tưởng, tư duy tác chiến của Mỹ đã chậm thay đổi, từ cơ cấu tổ chức, trang bị cho tới hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn trong chiến tranh tổng lực. Quân đội Mỹ chỉ đơn giản là vẫn loay hoay với tư duy "chống khủng bố".
Họ vẫn nghĩ chỉ cần hàng loạt tàu sân bay, tên lửa Tomahawk "sứ giả thần chết", máy bay tàng hình và quân đặc nhiệm bên cạnh sức mạnh bá chủ nền kinh tế toàn cầu cùng đòn cấm vận, trừng phạt là thừa đủ để bóp chết bất cứ quốc gia nào trái ý Mỹ.
Rõ ràng là người Mỹ không chuẩn bị cho một tư thế tác chiến lớn trong các chiến dịch quân sự có tính đối kháng cao, quy mô cấp quân đoàn chủ lực hoặc lớn hơn thế, và với hình thức hợp đồng tác chiến quân binh chủng..., Mỹ cũng không cần chuẩn bị tâm lý cho binh lính của mình.
Quân đội Nga tập trận quy mô lớn Vostok 2018.
Ưu thế quân sự vượt trội, huyền thoại bất khả xâm phạm của Mỹ đã củng cố vị thế ngai vàng bá chủ thế giới của người Mỹ, củng cố tư duy tác chiến hiện tại mà không cần, không nghĩ xa về một sự thay đổi nào đó, bởi nếu có sự thay đổi thì chính người Mỹ sẽ tự thay đổi.
Trong khi đó, Nga giấu mình tái vũ trang sẵn sàng cho chiến tranh… thành công.
Ngay từ năm 2001, khi trở thành ông chủ Điện Kremlin, Tổng thống Nga Putin đã nhận thức rõ rằng, sẽ đến lúc Nga phải đối đầu quyết liệt với Mỹ-NATO là không thể tránh khỏi nếu như không muốn bị Mỹ-Phương Tây xé ra từng mảnh.
Ổn định chính trị và tái vũ trang là 2 nhiệm vụ sống còn của chính quyền dưới thời TT Putin, trong đó tái vũ trang quân đội đó là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định.
Ngày 1 tháng 3 năm 2018, trong thông điệp Liên bang, Tổng thống Putin đã đột ngột "lật bài" và trong ngày Hải quân 26/07/2020 vừa qua, ông đã đi nước cờ "quá nhanh và nguy hiểm" khi lật hết các con bài chủ lực trong tiến trình tái vũ trang Quân đội Nga.
Đó cũng là lúc khẳng định nhận thức của chính Mỹ-NATO rằng, té ra, họ (Mỹ-NATO) chưa hề chuẩn bị và chưa sẵn sàng cho chiến tranh.
Đây là một bất ngờ thú vị nếu phân tích các cuộc đối đầu với Nga (bằng tập trận) trên không, trên biển, trên bộ của Mỹ-NATO…
Mỹ-NATO tập trận với mục tiêu đối tượng tác chiến giả định là Quân đội Nga nhưng của năm 2008 và trước đó với quy mô hạn chế, chỉ đơn giản là bao vây, gây áp lực, khiêu khích cùng với đòn cấm vận, trừng phạt để khiến Nga hoảng loạn, tự ngã.
Trong khi đó, Nga tập trận để thuần thục tác chiến cấp sư đoàn trở lên cho chiến tranh quy mô với Mỹ-NATO nếu xảy ra. Rõ ràng, Nga đã chuẩn bị cho chiến tranh rất nghiêm túc, sẵn sàng trong tư thế cao với quy mô lớn. "TT Putin không chỉ xây dựng Nga thành đối tác chiến lược mà còn là đối thủ chiến lược với Mỹ-Phương Tây"…
Tư duy tác chiến thế kỷ 21 kiểu Nga khiến Mỹ-NATO bi quan…
Chúng ta chỉ cần nêu ra 3 dẫn chứng là đủ để chứng minh mệnh đề đúng này.
Trước hết là tên lửa hành trình Kalibr. Tại sao coi việc Liên Xô ký hiệp ước hạn chế tên lửa tầm trung (INF) với Mỹ là sự đầu hàng hay nói như TT Putin là "chỉ có Chúa mới biết" và tại sao Mỹ là đột ngột rời bỏ INF?
Vì, INF chỉ cấm triển khai tên lửa tầm trung có bệ phóng trên đất liền nhưng trên biển thì không. Lúc đó Nga không có bệ phóng nào trên biển, trong khi đó các tàu chiến trong Hạm đội tàu sân bay Mỹ mang hàng trăm tên lửa hành trình Tomahawk tầm trung. Mỹ tạm dẫn Nga với tỷ số 1-0.
Khi Nga có tên lửa hành trình Kalibr tương đương với Tomahawk, tỷ số đã được cân bằng 1-1, nhưng điều khiến Mỹ-NATO rúng động không phải ở sự hiện đại, chính xác hơn hay sức công phá mạnh hơn… mà chính là bằng "sát thủ" này, Nga đã thay đổi triệt để tư duy tác chiến trên biển khiến Mỹ-NATO không kịp theo.
Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr tấn công mục tiêu khủng bố ở Syria.
Hãy xem, những loại tàu chiến nào của Mỹ được trang bị Tomahawk, toàn tuần dương và khu trục cỡ lớn, choán nước cả chục nghìn tấn cả, trong khi đó, tên lửa Kalibr của Nga được trang bị cho những con tàu có lượng choán nước chưa tới 1.000 tấn.
Vậy là không cần các khu trục hạm hay tuần dương hạm cỡ lớn, thì tàu hộ vệ tên lửa Buyan-M (dự án Project 21631), choán nước chỉ có 949 tấn vẫn giáng được đòn sấm sét bằng tên lửa hành trình Kalibr.
Việc các chiến hạm Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr từ tận biển Caspian, vượt hàng nghìn km tới hủy diệt mục tiêu ở Syria vào năm 2015 đã khiến cả thế giới chấn động, bởi ít ai ngờ được rằng Nga đã âm thầm phát triển thành công một loại vũ khí uy lực đến thế.
Vậy là chiến thuật hải quân đã thay đổi và ít nhất tư duy ngành công nghiệp đóng tàu đã thay đổi. Ai thay đổi trước người đó chiếm ưu thế tác chiến là điều không bàn cãi.
Tiếp theo, trước đây, báo chí Nga đã đưa tin nhưng ít gây sự chú ý (tất nhiên loại trừ giới nghiên cứu quân sự cấp chiến lược), còn bây giờ tại cuộc đối đầu với Mỹ-NATO trên vùng Biển Bắc, tin cũng được đưa ra, đó là tàu ngầm kiểu mới của Nga tại biển Barents phóng tên lửa khi đang neo đậu thì mới khiến nhiều đối thủ phải giật mình.
Có lẽ hiện nay tất cả các tàu phóng lôi hay tàu tên lửa không thể phóng ngư lôi hay tên lửa khi đang cập cảng, neo đậu mà phải vận động dưới một vận tốc nào đó cho phép mới có thể, đặc biệt là tàu phóng lôi.
Thế nhưng, tàu ngầm Nga dù đang neo hay buộc cảng vẫn phóng được tên lửa là một thay đổi lớn về công nghệ dẫn đến một thay đổi lớn về chiến thuật.
Rõ ràng, tàu phải vận động tấn công, vận tốc bao nhiên thì ấn nút phóng ngư lôi, tên lửa… trong chiến thuật hải quân đã xưa cũ đối với chiến thuật tàu ngầm. Giờ đây, tàu ngầm cũng là một bệ phóng tên lửa cố định, mức độ sẵn sàng chiến đấu rất cao.
Cuối cùng là sự phát triển của tên lửa siêu thanh. Trước hết là không có một tên lửa đánh chặn nào chặn được nó và thứ hai là cách sử dụng nó, tức chiến thuật của đòn tấn công. Chẳng hạn như tên lửa Kinzhal được mang bởi tiêm kích MiG-31.
Tên lửa Kinzhal được mang bởi tiêm kích MiG-31
Với tầm bắn 2.000 km, đặc biệt sau khi MiG-31 phóng ra thì tên lửa Kinzhal đã có máy bay trinh sát điện tử Il-20M dẫn đường đến mục tiêu… giúp Nga dễ dàng giải bài toán khó từ thời Liên Xô đó là chiến thuật đe dọa một hạm đội tàu sân bay tấn công của Mỹ. Tất cả đã là quá khứ!
Với Nga không còn "bằng cách nào" mà chỉ là "khi nào" ra đòn đối với hạm đội tàu sân bay Mỹ mà thôi.
Chiến thuật hình thành phụ thuộc vào vũ khí. Khi vũ khí thay đổi thì chiến thuật thay đổi. Vũ khí thay đổi đột biến thì chiến thuật cũng đột biến lợi hại.
Người Nga đã có một loạt vũ khí thay đổi mà "trên thế giới không ai có" thì chiến thuật, nghệ thuật quân sự Nga sẽ thay đổi là tất yếu.
Mỹ-NATO như một đội bóng với những cầu thủ trụ cột quen mặt, với những chiến thuật lật cánh đánh đầu, xẻ nách, đánh trung lộ quen thuộc, trong khi Nga đã có những cầu thủ siêu việt với những chiến thuật nằm ngoài chiến thuật quen thuộc mà đối phương không thể biết, tưởng tượng ra.
Và, thật không may, những điều này chính là cơn ác mộng kinh hoàng nhất của Mỹ - NATO khi đối đầu với Nga.