TS.BS Dương Đức Hùng: Chúng tôi kỳ vọng buổi hội chẩn và đào tạo có sự tham gia của 1.000 bệnh viện

Thu Hà (thực hiện) |

Ngày 27/8/2020, Bệnh viện Bạch Mai khai trương Hệ thống hỗ trợ, tư vấn Khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) do Tập đoàn Viettel phối hợp xây dựng. Telehealth sẽ đem lại những thay đổi gì? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.BS Dương Đức Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

TS.BS Dương Đức Hùng: Chúng tôi kỳ vọng buổi hội chẩn và đào tạo có sự tham gia của 1.000 bệnh viện - Ảnh 1.

Bệnh viện Bạch Mai vừa khai trương Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) đồng thời triển khai luôn buổi đào tạo trực tuyến cho cán bộ y tế với chủ đề: “Các bệnh viện ứng phó với các tình huống khẩn cấp của dịch COVID-19; Kinh nghiệm và bài học thực tế từ tâm dịch”. Buổi đào tạo với Telehealth khác gì so với trước, thưa ông?

TS. BS Dương Đức Hùng: Thật ra, hoạt động khám chữa bệnh từ xa đối với Bệnh viện Bạch Mai đã diễn ra trong nhiều năm, chúng tôi vẫn đang làm một cách hiệu quả và được Bộ Y tế đánh giá cao. Tuy nhiên, cái khác lần này là có sự tham gia chỉ đạo Bộ Y tế cùng với các giải pháp kỹ thuật của Viettel sẽ giúp hoạt động khám chữa bệnh từ xa được triển khai trên toàn hệ thống và dựa trên chuẩn chung nên sẽ đạt được sự đồng bộ.

Buổi hội chẩn và đào tạo ngày hôm nay có 200 điểm cầu ở các bệnh viện. Nhưng kỳ vọng của chúng tôi phải là con số 1.000 điểm cầu hoặc hơn nữa cơ. Đó chính là điểm mạnh mà đào tạo trực tuyến có thể làm được so với đào tạo trực tiếp.

Thử tưởng tượng nếu tổ chức một cuộc tập huấn tại bệnh viện với 1.000 đơn vị tham dự, mỗi đơn vị chỉ cần cử một người thì chi phí tổ chức, chi phí đi lại, ăn ở sẽ lớn thế nào. Đào tạo trực tuyến không những giảm được công sức chi phí mà tính năng động, hiệu quả cũng rất lớn.

TS.BS Dương Đức Hùng: Chúng tôi kỳ vọng buổi hội chẩn và đào tạo có sự tham gia của 1.000 bệnh viện - Ảnh 2.

Như vậy, khám chữa bệnh từ xa thông qua nền tảng Telehealth sẽ là xu hướng tất yếu mà Bệnh viện Bạch Mai triển khai trong thời gian tới phải không, thưa ông?

TS. BS Dương Đức Hùng: Bạn có nhớ cuốn truyện “80 ngày vòng quanh thế giới” không? Ngày trước, người ta đi 80 ngày vòng quanh thế giới đã coi đó là 1 kỷ lục rồi. Còn ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin, chúng ta đã đi nhanh hơn nhiều. Một cú click chuột là bạn có thể gửi email đồng thời cho tôi – đang ngồi cạnh bạn – và cho một người ở bên Mỹ. Khoảng cách về thời gian, không gian không còn ý nghĩa nữa.

Quay trở lại với Việt Nam, chúng ta là một đất nước có tốc độ phát triển công nghệ thông tin vào nhóm nhanh nhất thế giới. Chúng ta sẽ tận dụng ưu thế đó như thế nào? Trước đây, với một ca bệnh nặng ở Sapa chẳng hạn, chúng ta phải chuyển bệnh nhân về tận Bạch Mai. Bệnh nhân đang rất nguy cấp, việc di chuyển làm nặng thêm tình trạng của bệnh nhân, thậm chí tử vong trên đường đi. Ngành Y tế sẽ ứng phó như thế nào với những tình huống như vậy?

Bây giờ, khi đã có Telehealth, chúng ta có thể giải quyết tức thời những ca bệnh đó, có thể tư vấn, hội chuẩn ngay tại chỗ. Thông qua cầu nối đó, chúng tôi có thể đem kinh nghiệm của người làm lâm sàng tuyến trên để giúp đỡ cho các đồng nghiệp tuyến dưới rất nhiều.

Telehealth ra đời vào thời điểm trong nước đang có dịch COVID-19. Hệ thống này đáp ứng được nhu cầu lúc bấy giờ là vừa đảm bảo sự giãn cách xã hội vừa làm sao để hoạt động khám chữa bệnh được diễn ra một cách bình thường. Nhưng sau này, kể cả khi đã hết dịch Covid, chúng ta vẫn có thể tận dụng nền tảng này để hỗ trợ cho hoạt động khám chữa bệnh, đào tạo của ngành y.

TS.BS Dương Đức Hùng: Chúng tôi kỳ vọng buổi hội chẩn và đào tạo có sự tham gia của 1.000 bệnh viện - Ảnh 3.

Thưa BS Dương Đức Hùng, trước đây, khi chưa có nhiều sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật hiện đại và công nghệ thông tin, việc hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới chắc sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Bản thân ông đã bao giờ gặp tình huống phải bất lực không thể hỗ trợ được đồng nghiệp cứu chữa bệnh nhân vì trở ngại về khoảng cách địa chưa?

TS. BS Dương Đức Hùng: Tôi nhớ một kỷ niệm cách đây hơn 10 năm, thầy tôi - GS Tôn Thất Bách lúc bấy giờ làm Giám đốc bệnh viện gọi điện thoại bảo tôi xuống hỗ trợ Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển dưới Uông Bí (Quảng Ninh). Ở dưới đó vừa có 2 mẹ con người Mỹ là khách du lịch đi xuyên Việt gặp tai nạn.

Tôi và một bác sĩ hồi sức khác ngay lập tức đi xe xuống đó. Trên đường đi, chúng tôi dùng điện thoại gọi cháy máy để hướng dẫn các đồng nghiệp cấp cứu bệnh nhân nhưng do không nhìn thấy hình ảnh nên tôi không thể hình dung được tình trạng của họ để ra y lệnh. Khi chúng tôi gần xuống đến nơi thì bà mẹ đã tử vong.

Chúng tôi chỉ còn kịp cấp cứu cho người con lúc đó cũng đang trong tình trạng rất nặng, vỡ tạng rỗng, gẫy 1 loạt xương sườn. Bệnh nhân điều trị ở Uông Bí 2 ngày, sau đó chuyển về Bệnh viện Việt Đức rồi sang Thái Lan điều trị.

Tôi cứ liên tưởng nếu như vào thời điểm bây giờ có thể hỗ trợ chúng tôi thăm khám lâm sàng từ xa cùng với thông tin từ các đồng nghiệp, tôi có thể ra y lệnh dẫn lưu màng phổi sớm thì có thể tiên lượng với bệnh nhân đó đã khác đi rồi.

TS.BS Dương Đức Hùng: Chúng tôi kỳ vọng buổi hội chẩn và đào tạo có sự tham gia của 1.000 bệnh viện - Ảnh 4.
TS.BS Dương Đức Hùng: Chúng tôi kỳ vọng buổi hội chẩn và đào tạo có sự tham gia của 1.000 bệnh viện - Ảnh 5.

Thời gian vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai vừa trải qua một giai đoạn rất khó khăn khi có ca bệnh COVID từ cộng đồng xâm nhập bệnh viện. Sau sự cố đó, bệnh viện Bạch Mai có định đem những bài học của mình để rút kinh nghiệm cho tuyến dưới không?

TS. BS Dương Đức Hùng: Sau Tết âm lịch, khi dịch COVID-19 đang nóng lên, Bệnh viện Bạch Mai đã nhận thức rằng dịch chắc chắn sẽ lan đến khối bệnh viện vì chỉ những người dễ tổn thương, những người bắt đầu có triệu chứng mới tìm đến bệnh viện. Đặc biệt môi trường bệnh viện ở Việt Nam rất đông đúc, chật chội rất thuận lợi cho việc lây lan của dịch. Chúng tôi đã chuẩn bị triển khai các phương án phòng ngừa.

Biến cố có nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 và phải cách ly được coi là “cú vấp” của bệnh viện Bạch Mai, nhưng chúng tôi không ngã, chỉ lao đao một chút. Nhưng qua một sự cố như vậy, kinh nghiệm của Bạch Mai, sự đoàn kết của Bạch Mai lớn hơn rất nhiều. Biến cố đó là 1 cú thử lửa đã giúp Bạch Mai càng vững chắc hơn.

Ở vị trí của bệnh viện tuyến đầu, chúng tôi luôn ý thức về trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm với tuyến dưới. Từ đầu dịch đến giờ, Trung tâm chỉ đạo tuyến của chúng tôi vẫn liên tục đào tạo online cho các BV về quy trình chống nhiễm khuẩn, quy trình cách ly. Sau sự cố đó, tất cả những bài học và kinh nghiệm rút ra của chúng tôi đều được trao lại cho các bệnh viện tuyến dưới.

PV: Rõ ràng, công nghệ trực tuyến đã và sẽ giúp cho bệnh viện Bạch Mai thực hiện trách nhiệm hỗ trợ, đào tạo các bệnh viện tuyến dưới rất nhiều. Nói rộng ra, ông cho rằng nền tảng công nghệ trực tuyến Telehealth sẽ giúp gì cho sự phát triển của ngành y tế?

TS. BS Dương Đức Hùng: Viettel là đơn vị lớn đã đồng hành với Chính phủ, với Bộ Y tế trong rất nhiều chương trình lớn cho cộng đồng. Hệ thống Telehealth được triển khai phủ rộng trên toàn bộ hệ thống sẽ hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động khám chữa bệnh:

Thứ nhất, thông qua hệ thống này, người dân ở các vùng sâu vùng xa sẽ tiếp cận được với các y bác sĩ, đội ngũ trình độ chuyên môn kỹ thuật cao ở tuyến trên, thậm chí là các bệnh viện hạng đặc biệt như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương… Điều này sẽ góp một phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Thứ 2, thông qua việc khám chữa bệnh trực tuyến cũng là một hình thức đào tạo cho nhân viên y tế tuyến dưới. Cùng 1 việc làm nhưng chúng ta đạt được nhiều lợi ích.

Tôi tin rằng với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Y tế cũng như sự hỗ trợ Chính phủ, Đề án này dần sẽ sâu, rộng và phát huy được hiệu quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại