Báo động ô nhiễm
Những ngày này, thời tiết ở Hà Nội luôn trong tình trạng ô nhiễm không khí ở mức đáng báo động. Với nhiều người dân, khi phải lưu thông trên đường, để phòng tránh bụi, cách duy nhất là đeo khẩu trang.
Theo các chuyên gia về môi trường, khí hậu, tại các trạm quan trắc trên địa bàn cho thấy chỉ số chất lượng không khí tại nhiều thời điểm đều trên mức 150, nhiều lúc, chỉ số này vượt trên 300, vô cùng nguy hại.
Xét riêng về mức độ ô nhiễm bụi của Hà Nội, hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2.5 micro-mét (PM2.5), cao gấp đôi so với quy chuẩn quốc gia và gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình năm theo hướng dẫn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.
Hình ảnh ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
Theo TS. Nguyễn Hồng Vũ, viện nghiên cứu ung thư Quốc gia, City of Hope, California, USA - cố vấn khoa học Ruy Băng Tím, ô nhiễm không khí là sự phân tán của các loại hạt, các phân tử hay các chất có hại khác vào bầu khí quyển của trái đất. Các thành phần này tùy thuộc vào nguồn ô nhiễm đang ở khu vực đó, tùy thuộc vào thời gian trong năm và cả vào thời tiết.
Nguồn ô nhiễm không khí do con người tạo ra như khói từ phương tiện giao thông, từ quá trình sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, một số nguồn ô nhiễm từ tự nhiên như bụi sa mạc, hoạt động núi lửa, cháy rừng…
TS Vũ cho biết mỗi người hít thở vào phổi khoản 10 nghìn lít khí và chất lượng không khí ở nơi sinh sống và làm việc ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mỗi người.
Cái chết của hàng triệu người
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, ô nhiễm không khí trong năm 2012 đã dẫn tới cái chết của khoảng 7 triệu người trên toàn thế giới. Ô nhiễm không khí là một dấu hiệu đáng lo ngại về vấn đề sức khỏe nói chung và bệnh ung thư phổi nói riêng.
TS Vũ chỉ ra nhiều nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí là một trong các nguyên nhân gây ung thư. Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC cho thấy trong năm 2010 có khoảng 223 nghìn người tử vong vì bệnh ung thư phổi do ô nhiễm không khí gây ra.
TS BS Nguyễn Hồng Vũ
Năm 2013, cơ quan này cũng chính thức kết luận rằng ô nhiễm không khí ngoài trời là một trong các nguyên nhân gây ung thư trên người. Sự ô nhiễm không khí do các loại hạt tỷ lệ thuận với tỷ lệ mắc bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phổi. Đường kính hạt ô nhiễm càng nhỏ (nhỏ hơn 2.5 micro mét) thì độ nguy hiểm càng cao do chúng có thể xâm nhập vào túi phổi hoặc thậm chí hệ tuần hoàn.
Tại Hà Nội mức độ ô nhiễm bụi và hạt bụi nhỏ rất nhiều và điều này càng nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo tổ chức Y tế thế giới năm 2016 công bố riêng năm 2012 có 72 % các ca tử vong sớm do bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ, 14 % các ca tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm đường hô hấp cấp và có 14 % các ca tử vong vì ung thư phổi đều liên quan tới ô nhiễm không khí ngoài trời.
Trong một nghiên cứu khác của Đại học Birmingham và Đại học Hồng Kông từ năm 1998 tới năm 2011 cho thấy cứ tăng 10 microgam trên mét khối phơi nhiễm với hạt bụi 2.5 PM thì nguy cơ tử vong do ung thư tăng lên tới 22%.
Trong đó 42 % nguy cơ tử vong do ung thư đường tiêu hóa, 35 % nguy cơ tử vong do ung thư gan, ống mật, túi mật và ung thư tụy. 80 % nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ và 38 % nguy cơ tử vong vì ung thư phổi ở nam giới.
Năm 2017, Trung Quốc đã ghi nhận có sự tăng mạnh tỉ lệ ung thư trong 10-15 năm và thủ phạm chính là do ảnh hưởng ô nhiễm không khí trong thời gian dài.
Các chuyên gia của Học viện Khoa học Y khoa Trung Quốc (China Academy of Medical Sciences) còn cho biết sự tăng mạnh này xảy ra trong nhóm người được cho là ít có khả năng bị bệnh ung thư phổi vì thường là những người không hút thuốc.
Điều này cho thấy thuốc lá không còn là nguyên nhân gây ung thư phổi nữa mà bên cạnh đó còn một nguyên nhân khác đáng sợ hơn là ô nhiễm không khí.
Những người bị ung thư phổi này thường là phát hiện ở dạng sâu trong phổi, không giống với dạng thường gặp do hút thuốc lá. Điều này càng khẳng định một lần nữa chính các hạt bụi ô nhiễm với kích thước nhỏ hơn 2.5 micro-mét với khả năng xâm nhập sâu trong phổi là thủ phạm!
TS Vũ cho biết trong khi chỉ số ô nhiễm lên cao thì cách phòng tốt nhất nên hạn chế ra đường. Nếu mọi người phải ra ngoài đường trong tình trạng ô nhiễm không khí nặng thì nên sử dụng khẩu trang, nón để che chắn phần nào các bụi ô nhiễm.
Nên kiểm tra sức khỏe ở các bệnh viện, trung tâm y tế nếu ở trong tình trạng ô nhiễm lâu và có những dấu hiệu xấu như khó thở, đau ngực,... Ngoài ra, việc gia tăng cây xanh trong khu vực dân cư, đường phố và quản lý chặt chẽ các cơ sở công nghiệp tạo khí thải là việc cần làm ngay để giảm tình trạng ô nhiễm hiện nay.