Để hiểu rõ hơn về câu chuyện tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ nhỏ trên thế giới và Việt Nam chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng miền Bắc, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm Viện Vệ sinh Dịch tễ.
Trẻ em cũng là đối tượng cần được tiếp cận sớm với vắc xin
Ngọc Minh: Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, vắc xin được coi là vũ khí quan trọng để con người trở lại cuộc sống bình thường mới. Tại vào tháng 7 Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 lớn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, trẻ em sẽ được tiếp cận với vắc xin phòng Covid-19 ra sao?
TS Phạm Quang Thái: Hiện nay, chúng ta đang tập trung ưu tiên tiêm vắc xin cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao hơn trong xã hội. Trong đó, đặc biệt có tượng nguy cơ rất cao tiến triển nặng và tử vong nếu mắc Covid-19 như: người già, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai… hoặc đối tượng có phạm vi tiếp xúc lớn như: người làm nghề phải tiếp xúc nhiều người, người tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng các sản phẩm thiết yếu.
Đối với trẻ em, tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 thấp, triệu chứng phần lớn là nhẹ.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và ghi nhận ở một số quốc gia, bệnh Covid-19 ở trẻ em thường nhẹ, nhất là trẻ nhỏ, nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng là thấp. Trong số các ca Covid-19 diễn biến nặng, trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi chỉ chiếm 2-4,8%. Tuy nhiên, về mặt sức khỏe, trẻ em cũng sẽ chịu những ảnh hưởng lâu dài nếu mắc bệnh.
Tương tự như người lớn, những trẻ em và thanh thiếu niên có bệnh lý nền, tình trạng cũng sẽ nặng hơn nếu mắc Covid-19. Tuy nhiên, tỉ lệ trẻ em có bệnh lý nền cũng thấp hơn nhiều ở người lớn.
Và đương nhiên, trẻ em cũng là đối tượng cần được tiếp cận sớm với vắc xin để hoàn thiện lá chắn miễn dịch cộng đồng.
Bộ Y tế đã có kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em và các địa phương đã thu thập danh sách trẻ em để tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
TS Phạm Quang Thái.
Ngọc Minh: Cộng đồng sẽ an toàn khi tất cả được tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19. Nhưng hiện tại ở trong nước trẻ em chưa được tiếp cận vắc xin, phải chăng chúng ta đang gặp khó khăn?
TS Phạm Quang Thái: Trước đây, với chủng cũ chỉ cần độ phủ vắc xin 70% thì có thể yên tâm, tuy nhiên trước biến chủng Delta ở đợt bùng phát dịch thứ 4 này, có rất nhiều người đã tiêm 2 mũi vắc xin rồi vẫn có thể bị nhiễm và lây tiếp virus SARS-CoV-2 cho người khác.
Điều đó có nghĩa khi nào toàn bộ cộng đồng được bảo vệ bởi vắc xin thì lúc đấy mới thực sự an toàn.
Chính vì vậy, WHO, CDC Hoa Kỳ và nhiều tổ chức khác cũng khuyến cáo, để đạt miễn dịch cộng đồng thì tỷ lệ bao phủ vắc xin lúc này không phải 70%, mà cần đạt 90% dân số. Đây cũng là điều rất khó để nước ta thực hiện trong thời điểm hiện tại khi mà khả năng tiếp cận vắc xin phù hợp vẫn còn rất khó khăn.
Do nguồn cung ứng vắc xin cho Việt Nam còn rất hạn chế, nên hiện Việt Nam mới chỉ nhắm đến đối tượng nguy cơ cao hơn. Trẻ em vẫn còn cần chờ thêm thời gian mới có thể tiếp cận với dịch vụ tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Chúng ta sẵn sàng để tiêm cho trẻ em ngay khi có vắc xin phù hợp
Ngọc Minh: Ông có chia sẻ Bộ Y tế đã có kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em. Rất nhiều người muốn biết loại vắc xin nào sẽ được lựa chọn để tiêm cho trẻ nhỏ?
TS Phạm Quang Thái: Hiện tại chỉ có vắc xin Pfizer đã có thử nghiệm lâm sàng ở người từ 12 đến 18 tuổi. Hãng cũng đã thử nghiệm cho nhóm dưới 12 tuổi.
Tại Mỹ, vắc xin này được yêu cầu bổ sung đối tượng cho thử nghiệm lâm sàng trước khi FDA Mỹ thông qua cho nhóm trẻ nhỏ hơn. Các kết quả công bố cho thấy vắc xin đủ độ an toàn để tiêm cho trẻ em.
Ngoài Pfizer, nhiều quốc gia khác cũng đã sử dụng các vắc xin khác nhau để tiêm cho trẻ em, tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần các hãng bổ sung thông tin an toàn trước khi có những quyết định phê duyệt loại vắc xin phù hợp cho trẻ em Việt Nam.
Việt Nam đã có kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em - Ảnh Hải An.
Bên cạnh đó, trẻ em nếu mắc Covid-19 thường có triệu chứng, biến chứng nhẹ hơn rất nhiều so với người lớn mắc bệnh. Tỷ lệ bệnh nhi mắc Covid-19 trở nặng và tử vong ở nước ta chiếm tỉ lệ vô cùng thấp. Vì vậy vắc xin trước tiên cần sử dụng cho đối tượng cần bảo vệ đã nói ở trên. Và chúng ta sẵn sàng để tiêm cho trẻ em ngay khi có vắc xin phù hợp.
Ngọc Minh: Khi nói chuyện với các bậc phụ huynh tôi nhận được rất nhiều câu hỏi vì sao vắc xin phòng Covid-19 tiêm cho trẻ nhỏ phức tạp và khó khăn hơn so với người lớn, lý do ở đây là gì?
TS Phạm Quang Thái: Đúng như vậy, việc phát triển vắc xin để tiêm cho trẻ nhỏ sẽ có những quy định rất chặt chẽ. Vì ở tuổi càng nhỏ, hệ thống miễn dịch hoặc là chưa hoàn chỉnh hoặc còn non nớt nên đáp ứng với vắc xin mạnh và đôi khi có nhiều phản ứng bất lợi.
Vì vậy việc thử nghiệm lâm sàng cho trẻ em phức tạp hơn và đòi hỏi sự quan sát, giám sát chặt chẽ hơn. Trẻ nhỏ lại không tự quyết định được việc tham gia vào thử nghiệm lâm sàng mà cần có sự cho phép của người lớn chưa nói đến việc ý nghĩa bảo vệ của vắc xin với trẻ nhỏ để phòng bệnh nặng lại không như ở người lớn. Do đó, quyết định cho thử nghiệm ở trẻ nhỏ thường khó khăn hơn.
Ngoài ra, khi tính tới tiêm vắc xin cho trẻ em, các nhà sản xuất phải có sự điều chỉnh hàm lượng, thậm chí điều chỉnh công thức để không gây ra phản ứng quá mạnh ở trẻ em và ở những người trẻ tuổi.
Hiện nay hầu hết các vắc xin được đưa vào sử dụng thông qua cơ chế phê duyệt khẩn cấp, việc tiêm vắc xin cho trẻ cần tính đến các tác động lâu dài chẳng hạn như có ảnh hưởng tới gene, đến các tế bào đang trong giai đoạn sinh trưởng hay không, có làm biến đổi gì về nhận thức, vận động của trẻ không.
Vì là đối tượng nhỏ tuổi, nên việc nghiên cứu rất thận trọng. Ngay cả tại Mỹ, các nhà nghiên cứu cũng có những bước nghiên cứu giảm dần độ tuổi, từ vắc xin cho trẻ 18 tuổi, giảm xuống 16 và 12 tuổi và 5-11 tuổi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng chưa thể giảm sâu được nữa vì thực tế trẻ nhỏ nhiễm virus tỷ lệ biến chứng nặng vô cùng thấp, chỉ thoảng qua nên áp lực với việc bảo vệ cho nhóm này rõ ràng thấp hơn nhiều.
Để đảm bảo công bằng và quyền lợi cho trẻ em, việc tiêm vắc xin cho trẻ em cũng rất quan trọng
Ngọc Minh: Do vắc xin Covid-19 chỉ phát triển trong thời gian ngắn cho nên rất nhiều người lo ngại việc tiêm vắc xin cho trẻ nếu "nóng vội" có thể làm ảnh hưởng tới cả một thế hệ. Theo ông thận trọng ở đây cần phải hiểu như thế nào là cho đúng?
TS Phạm Quang Thái: Trong các loại vắc xin Covid-19 đang được tiêm, chỉ có vắc xin Pfizer đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng ở người từ 12 đến 18 tuổi với báo cáo đầy đủ về an toàn và miễn dịch. Hãng này cũng đã thử nghiệm lâm sàng cho nhóm dưới 12 tuổi.
Tại Mỹ, vắc xin này được yêu cầu bổ sung đối tượng cho thử nghiệm lâm sàng trước khi FDA Mỹ thông qua cho nhóm trẻ nhỏ hơn. Kết quả ban đầu cho thấy vắc xin đã có đủ độ an toàn để tiêm cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Các hãng khác cũng đã có những báo cáo ở tầm quốc gia về thử nghiệm cho nhóm tuổi trẻ hơn và thực tế nhiều quốc gia đã đưa vào sử dụng. Trong quá trình sử dụng, các báo cáo về phản ứng bất lợi cũng đã được báo cáo trong đó phải kể đến những trường hợp viêm cơ tim sau khi tiêm cho trẻ em (dù rất hiếm). Mặc dù trẻ không may bị viêm cơ tim có thể điều trị và phục hồi tốt, tuy nhiên, khi tiêm chủng vắc xin cho trẻ em thì cần theo dõi cẩn trọng hơn tiêm các loại vắc xin khác đã được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trẻ em cũng nằm trong chuỗi lây nhiễm vì vậy cần phải được tiêm vắc xin - Ảnh minh hoạ.
TS. Phạm Quang Thái: So với người lớn, tỷ lệ trẻ em nặng và tử vong không cao nên việc tiêm vắc xin dự phòng cho trẻ em chưa phải cấp thiết. Tuy nhiên, trẻ em cũng đóng góp vào chuỗi lây truyền, nếu mắc sẽ là nguồn lây quan trọng trong cộng đồng và là nguồn duy trì virus rất khó kiểm soát. Ngoài ra, tỉ lệ các biến chứng do mắc bệnh cao hơn nhiều so với tiêm chủng do đó việc tiêm phòng cho trẻ cũng hết sức quan trọng nhằm hạn chế những nguy cơ này.
Hiện tại, các nước như Mỹ, châu Âu vẫn đang tiếp tục thực hiện thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em và đồng thời tiêm theo hình thức phê duyệt khẩn cấp. Để đảm bảo công bằng và quyền lợi cho trẻ em, việc tiêm vắc xin cho trẻ em cũng rất quan trọng, từ đó giảm thiểu những khả năng quyết định đóng cửa trường học, làm gián đoạn việc học tập vì dịch bùng phát như các đợt dịch vừa qua.
Ngọc Minh: Khi nào chúng ta có thể tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em?
TS. Phạm Quang Thái: Giữa tháng 7/2021, Bộ Y tế đã đàm phán với hãng Pfizer và đang làm thủ tục ký cam kết mua thêm 20 triệu liều vắc xin Covid-19 tiêm cho trẻ em Việt Nam từ 12-18 tuổi. Hiện theo thống kê, nước ta có khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này.
Trước đó, Bộ Y tế đã ký thỏa thuận mua 31 triệu liều vắc xin Pfizer phòng Covid-19. Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, trong quý IV/2021, khoảng 47-50 triệu liều vắc xin này sẽ về Việt Nam. Khi chúng ta có vắc xin sẽ triển khai tiêm cho trẻ em.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này, chúc ông sức khỏe và thành công!