Trung Quốc thừa nhận: Hồng Kông đối mặt khủng hoảng nguy nan nhất từ ngày trao trả Đại lục

Hải Võ |

Văn phòng sự vụ Hồng Kông & Macau (HKMAO) của Quốc vụ viện Trung Quốc cùng Văn phòng liên lạc Trung Quốc tại Hồng Kông sáng nay (7/8) triệu tập cuộc tọa đàm chung tại Thâm Quyến.

Chủ nhiệm HKMAO, ông Trương Hiểu Minh cho hay, lần gần đây nhất chính phủ Trung Quốc phải triệu tập một cuộc tọa đàm chung như thế này là vào tháng 8/2014, trước khi phong trào biểu tình "Chiếm lĩnh trung tâm" bùng phát. Ông Trương nói tình hình Hồng Kông hiện nay là đáng lo ngại và là cục diện khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ ngày đặc khu được trao trả cho Đại lục, ngày 1/7/1997.

Theo ông Trương, các cuộc biểu tình hiện nay bắt nguồn từ biểu tình nổ ra ngày 9/6 nhằm phản đối dự luật dẫn độ, sau đó liên tục kéo dài đến nay đã được 60 ngày, với quy mô ngày càng lớn, các hoạt động bạo lực diễn ra ngày càng ác liệt, ảnh hưởng ngày càng rộng đến nhiều lĩnh vực.

Ông Trương nói, Bắc Kinh quan tâm chặt chẽ tình hình Hồng Kông và có những đánh giá, bố trí từ các mặt chiến lược và toàn cục. Ông cho biết HKMAO đã tổ chức hai cuộc họp báo vào các ngày 29/7, 6/8 để nêu lập trường của chính phủ trung ương.

Bắc Kinh những ngày qua đã chỉ trích gay gắt người biểu tình tấn công quốc huy và quốc kỳ Trung Quốc tại Hồng Kông, gọi đây là những hành động "ngang nhiên thách thức chủ quyền quốc gia".

Trung Quốc thừa nhận: Hồng Kông đối mặt khủng hoảng nguy nan nhất từ ngày trao trả Đại lục - Ảnh 1.

Cuộc tọa đàm chung do chính phủ Trung Quốc tổ chức tại Thâm Quyến sáng 7/8 (Ảnh: Takungpao)

Reuters cho hay, tham dự diễn đàn do HKMAO chủ trì bao gồm nhiều đại biểu Hồng Kông tại Quốc hội Trung Quốc và Chính hiệp Trung Quốc, giữa bối cảnh các cuộc biểu tình tiếp tục leo thang.

Các nhóm luật sư Hồng Kông có kế hoạch mặc trang phục màu đen và tuần hành im lặng vào hôm nay để kêu gọi chính quyền đặc khu gìn giữ sự độc lập của các cơ quan tư pháp. Trong khi đó, người biểu tình được cho là sẽ tập trung tại tòa nhà chọc trời Revenue Tower.

Hồng Kông được bảo đảm quyền tự trị - bao gồm độc lập về tư pháp - theo nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ" được Bắc Kinh thực thi. Tuy nhiên, nhiều người biểu tình cho rằng dự luật cho phép dẫn độ tội phạm hình sự đến các nước/vùng lãnh thổ chưa có thỏa thuận dẫn độ vời Hồng Kông - bao gồm Đại lục - là một bước đi khiến đặc khu rơi vào sự kiểm soát chặt chẽ hơn của Bắc Kinh.

Trong khi biểu tình lan rộng, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 6/8 đăng tải video trên tài khoản Twitter, cho thấy hàng nghìn cảnh sát Trung Quốc tham gia vào cuộc tập trận chống bạo động ở thành phố Thâm Quyến. Trong video, cảnh sát tập luyện trấn áp những người mặc áo phông đen và đội mũ lao động màu vàng - hình ảnh quen thuộc trong thời gian qua của những người biểu tình Hồng Kông, thậm chí được coi như là một đồng phục không chính thức.

Theo Reuters, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ hơn 500 người trong các vụ biểu tình và bắn gần 2.000 loạt đạn hơi cay để trấn áp người biểu tình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại