Mỹ đang ngày càng thắt chặt quan hệ quân sự với Australia. Nguồn: Sina.
Theo đánh giá tình hình quân sự song phương, Mỹ đang hy vọng bố trí bom, đạn và thiết bị quốc phòng ở vùng cực bắc của Australia để các đồng minh của Hiệp ước An ninh Australia, New Zealand và Mỹ (ANZUS) có thể đối phó tốt hơn với sự đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.
Theo báo cáo trên The Australian, ông Michael Goldman - đại sứ tạm thời của Mỹ tại Australia nói trong một cuộc phỏng vấn rằng, các căn cứ của Mỹ ở Guam và các khu vực khác ở châu Á – Thái Bình Dương đều nằm trong phạm vi tấn công của tên lửa đạn đạo Trung Quốc.
Do vậy việc Mỹ triển khai các cơ sở hạ tầng ở miền Bắc Australia là điều hợp lý, do tên lửa Trung Quốc không thể vươn tới khu vực này, trong khi đó, tên lửa Mỹ hoàn toàn có thể tấn công tới lãnh thổ Trung Quốc từ đây.
Theo báo cáo, Goldman cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Mỹ và Australia hợp tác xây dựng một căn cứ hải quân cho đảo quốc Papua New Guinea. Sự tiến bộ của dự án này phụ thuộc vào các cuộc đàm phán giữa Papua New Guinea và Australia.
Goldman cho rằng căng thẳng địa chiến lược đòi hỏi Australia và Mỹ phải phát triển nhiều quan hệ đối tác quốc phòng một cách sáng tạo, bao gồm hợp tác sản xuất vũ khí dẫn đường chính xác trên lãnh thổ Australia.
Ông nói rằng, nhóm công tác đánh giá tình hình quân sự song phương được thành lập sau cuộc họp tham vấn thường kỳ cấp bộ trưởng Australia-Mỹ năm 2020 đã nhóm họp lần đầu tiên vào đầu tháng 5/2021 để thảo luận về "một loạt các sự kiện bất ngờ".
Goldman nói rằng còn quá sớm để công bố chi tiết về bất kỳ kế hoạch mới nào, nhưng việc Mỹ đặt vũ khí ở Australia có tính khả thi cao, do điều này sẽ mang lại lợi thế chiến lược cho Mỹ và đồng minh.
Ông cũng nói: "Điều này hợp lý về mặt trực giác, đặc biệt là khi chúng ta nói về cách triển khai sức mạnh quân sự trong một sự kiện không lường trước được".
Được biết, trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Australia hồi tháng 8 năm 2019, hai bên đã tiết lộ ý định về khả năng Mỹ sẽ triển khai các tên lửa tới thành phố Darwin, miền Bắc của Australia.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó Mark Esper tuyên bố, Mỹ có thể tự do triển khai các tên lửa có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km tại các căn cứ mặt đất. Mỹ sẽ triển khai các tên lửa tại châu Âu, Châu Á-Thái Bình Dương hoặc tại những khu vực khác nhằm mục đích răn đe và ngăn chặn xung đột sau khi tham vấn ý kiến của các đồng minh và đối tác.
Cùng với đó, Mỹ cũng có kế hoạch chi hơn 200 triệu USD để mở rộng cơ sở hạ tầng căn cứ hải quân Mỹ ở Darwin, nơi đồn trú của 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ.
Nếu Mỹ triển khai các tên lửa đến miền Bắc Australia, các căn cứ quân sự của Trung Quốc nằm ở phía Nam nước này sẽ nằm trong tầm bắn của các tên lửa Mỹ. Khoảng cách từ Darwin đến Thượng Hải chỉ khoảng 5.000 km, trong khi khoảng cách từ địa điểm này đến các cơ sở quân sự của Trung Quốc bố trí trên các thực thể tranh chấp ở Biển Đông chỉ là 3.000 km.
Mới đây, tháng 3/2021, Thủ tướng Scott Morrison cũng cho biết, Australia sẽ hợp tác với Mỹ để bắt đầu chế tạo tên lửa dẫn đường. Kế hoạch này nằm trong một nỗ lực nhằm tạo thêm hàng nghìn việc làm cho người dân cũng như gia tăng cơ hội xuất khẩu.
Theo đó, Australia sẽ chi 761 triệu USD cho kế hoạch này. Đây là một phần của khoản đầu tư khổng lồ trong 10 năm vào quốc phòng và công nghiệp quốc phòng của nước này. “Đó là điều cần thiết để giữ cho người dân Australia được an toàn”, ông Morrison tuyên bố.