Hãng tin Sputnik (Nga) dẫn nguồn ấn phẩm quốc phòng độc lập Military Watch nhận định, Trung Quốc có thể trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của hệ thống phòng không S-500 Prometey khi loại vũ khí này được phép xuất khẩu.
"Trong khi Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc phát triển hệ thống phòng không nội địa như HQ-9B, nhưng khả năng của nó vẫn hạn chế so với S-400 hay S-300V4, có nghĩa là trong tương lai gần Trung Quốc vẫn sẽ dựa vào nền tảng của Nga", Military Watch đánh giá.
Chỉ ra sự phổ biến các hệ thống vũ khí tiên tiến của Nga với Trung Quốc, đặc biệt mới đây Nga bắt đầu giao đợt 2 tên lửa S-400 cho quốc gia này, Military Watch nhận định Trung Quốc có thể là khách hàng đầu tiên mua S-500.
Không chỉ còn là "sát thủ" máy bay!
S-500 Prometey hay còn được biết tới với tên gọi 55R6M "Triumfator-M" là hệ thống phòng thủ tên lửa/phòng không được phát triển để thay thế hệ thống A-135 đang bảo vệ Moscow và bổ sung mạng lưới phòng không bên cạnh S-400.
Mặc dù chia sẻ định danh với dự án S-500U được khởi động từ những năm 1960 thời Liên Xô, nhưng mối liên quan giữa hai hệ thống là không rõ ràng.
Hệ thống phòng không đa kênh S-500U thời Liên Xô là một sáng kiến muốn tạo nên tổ hợp vũ khí thống nhất cho phòng không, hải quân và lục quân.
Tuy nhiên, kết quả là S-500U sau đó bị Quân đội Liên Xô từ chối khi chỉ có khả năng đánh trả máy bay, mà không thể đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Năm 2009, cái tên S-500 một lần nữa được "xướng" lên, khi đó nó còn nằm trong phòng thiết kế của Almaz-Antey. Tháng 2/2011, các nguồn tin cho rằng đơn vị S-500 đầu tiên đang được sản xuất.
Theo kế hoạch ban đầu, 10 tiểu đoàn S-500 sẽ được cho lực lượng Phòng thủ Không gian Vũ trụ Nga (VKO) theo Chương trình Vũ khí Nhà nước 2020.
Ảnh đồ họa bệ phóng tự hành S-500 từng bị rò rỉ.
Dù tham số kỹ thuật chính thức của S-500 vẫn còn là điều bí ẩn, nhưng theo các hãng thông tấn lớn của Nga như RT, Sputnik, S-500 được thiết kế để đánh chặn tên ửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa hành trình và máy bay.
Với tầm bắn dự kiến đến 600km chống mục tiêu đạn đạo và 400km đối phó mục tiêu khí động, S-500 có thể phát hiện và đánh chặn đồng thời 10 quả tên lửa đạn đạo bay tốc độ siêu thanh 5km/s (18.000km/h) đến 7km/s (25.000km/h).
Nó cũng thiết kế để có thể tiêu diệt tên lửa hành trình siêu thanh và các mục tiêu trên không khác bay với tốc độ trên Mach 5, thậm chí cả tàu vũ khí. Độ cao đánh chặn mục tiêu có thể đạt 180-200km.
Nguồn tin không chính thức tình báo Mỹ xác nhận, hệ thống S-500 được bắn thử vào hồi tháng 5/2018 đã đánh trúng mục tiêu cách xa 482km. Qua đó, có cơ sở khẳng định tầm bắn của S-500 gần tương đương với mức quảng cáo.
Rất khả thi dù rủi ro lớn sẽ mất công nghệ!
Mới chỉ bấy nhiêu thôi thông tin thôi cũng cho thấy tiềm năng sức mạnh cực lớn của S-500 dẫu cho nó vẫn chưa đưa vào phục vụ chính thức.
Nhưng dù cho có sức mạnh tới vậy, tuy nhiên cũng như S-400 Triumf khi mới ra đời, có tới 70-80% S-500 Prometey sẽ được Moscow chấp thuận xuất khẩu cho các khách hàng có nhu cầu.
Bởi như một lẽ thường, hàng tốt luôn được săn đón nhiều, đem lại giá trị lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp và nhà nước thì tội gì không bán.
Chắc chắn nếu S-500 thực sự có được tham số như trên, lẽ thường sẽ có nhiều khách hàng mong muốn có nó. Mà nổi bật lên sẽ là Trung Quốc - vị "khách sộp" có tiềm lực ngân sách khổng lồ nhưng cũng có nhiều "vết nhơ" trong quá trình hợp tác quân sự - kỹ thuật với Nga từ thời Liên Xô đến nay.
Bệ phóng tên lửa HQ-9 giống hệt S-300.
Chẳng là Trung Quốc nổi tiếng với khả năng sao chép đến hàng "thượng thừa, giỏi nhất thế giới" đã "đánh cắp" hàng loạt công nghệ tối tân nhất thời Liên Xô cho tới nước Nga.
Hệ thống phòng không S-300, tiêm kích Su-27/30, tàu ngầm Kilo đều đã trở thành "nạn nhân" của Trung Quốc. Và ngay cả tên lửa S-400 Triumf khả năng rất cao cũng sớm trở thành "kẻ xấu số tiếp theo".
Thế nhưng, bất chấp cho hàng loạt hành động "bẩn", Moscow vẫn sẵn sàng xuất khẩu mỗi khi Bắc Kinh "alo".
Dĩ nhiên là người Nga thừa biết sau những bài học đắt giá trước đây, bằng chứng là hợp đồng cung cấp máy bay tiêm kích Su-35S và tên lửa S-400 Triumf mới đây.
Và cách mà họ rút ra bài học có thể sẽ áp dụng với cả hợp đồng S-500 trong tương lai không xa sẽ là phải mua với số lượng lớn (cỡ vài trung đoàn) để nhà sản xuất Nga có lãi lớn và thôi thì chấp nhận để mất một phần công nghệ.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất Nga sẽ phải nghĩ ra các "quái chiêu" như hàn chết các thành phần điện tử quan trọng, khiến phía Trung Quốc khó tháo lắp chi tiết nhỏ để "sao chép".
Ngoài ra, nước Nga cũng có thừa sự tự tin rằng không dễ để công nghệ tối tân của mình trên S-500 bị sao chép "trong vòng một nốt nhạc". Ví như các hệ thống HQ-9 "đánh cắp" một phần công nghệ S-300 tới nay chưa chắc tương đương sức mạnh các hệ thống hiện đại hóa như S-300PMU2 hay S-300V4.
Việc Trung Quốc nhập khẩu S-400 Triumf có lẽ là để tiếp tục cải tạo HQ-9 chứ không hẳn là phát triển hệ thống mới.
Điều đó cho thấy, cách sao chép vũ khí của Trung Quốc hiện chỉ giống như là "bắt chước" vài cái, không thể làm giống hệt 100% hệ thống phòng không gốc của Nga.
Video Nga bắn thử hệ thống phòng không S-400 Triumf.