Trung Quốc né trách nhiệm, Ấn Độ đẩy mạnh phòng không biên giới

Minh Thu |

Trung Quốc nhất quyết đổ lỗi Ấn Độ là nguyên nhân dẫn tới xung đột biên giới, trong khi New Delhi tìm cách đẩy mạnh hệ thống phòng không sánh ngang với Bắc Kinh.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ba nguồn tin cho hay, một nhóm nhỏ binh sĩ Trung Quốc “chỉ bị thương nhẹ” trong vụ đụng độ với quân đội Ấn Độ ở khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước tại phía tây dãy núi Himalaya hồi tuần trước.

Còn vào ngày 24/6, phát biểu trong cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian cáo buộc, vụ xung đột xảy ra hôm 15/6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và ít nhất 76 người khác bị thương ở thung lũng Galwan “hoàn toàn là trách nhiệm của Ấn Độ”.

Trung Quốc né trách nhiệm, Ấn Độ đẩy mạnh phòng không biên giới - Ảnh 1.

Trung Quốc nhất quyết đổ lỗi Ấn Độ làm bùng phát xung đột biên giới. (Ảnh: AP)

“Vụ xung đột bùng nổ do Ấn Độ phá vỡ sự đồng lòng giữa hai bên và có hành động khiêu khích đơn phương. Vụ việc xảy ra bên phần Trung Quốc kiểm soát trên Đường Kiểm soát thực tế (LAC). Đó hoàn toàn là trách nhiệm của Ấn Độ”, ông Wu nói.

Cũng theo ông Wu, quân đội Trung Quốc đã dàn xếp vụ việc thông qua điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước. Ngoài ra, quân đội hai nước cũng đã tổ chức một cuộc đối thoại cấp chỉ huy vào ngày 22/6 để “hạ nhiệt căng thẳng”.

“Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia láng giềng quan trọng của nhau, việc duy trì hòa bình và bình lặng ở vùng biên giới là mục tiêu quan tâm chung của cả hai bên và đòi hỏi những nỗ lực chung của hai nước”, ông Wu nhấn mạnh.

Cho tới nay, phía Trung Quốc vẫn từ chối công khai con số thương vong sau vụ đụng độ ở biên giới với Ấn Độ. Còn trước đó, vào ngày 23/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian đã lên tiếng chỉ trích thông tin được truyền thông Ấn Độ đăng tải về việc 40 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng trong vụ đụng độ là “tin giả”.

Nâng cấp hệ thống phòng không ngang bằng Trung Quốc

Cả quân đội Trung Quốc và Ấn Độ vẫn liên tiếp tăng cường thêm lực lượng và vũ khí tới dọc biên giới tranh chấp trên dãy núi Himalaya, sau vụ đụng độ giữa hai bên hồi tuần trước.

Giữa lúc căng thẳng biên giới chưa có dấu hiệu lắng dịu, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh được cho sẽ tận dụng chuyến thăm tới Moscow để dự lễ kỷ niệm 75 năm ngày chiến thắng phát xít nhằm hối thúc Nga tăng tốc chuyển giao hệ thống phòng không S-400 Triumph.

Giới quan sát nhận định, cùng với dàn tiêm kích được thiết kế chuyên chiến đấu trên địa hình có độ cao lớn, một khi hệ thống phòng không S-400 Nga về tay Ấn Độ, đây sẽ là bộ đôi đe dọa quân đội Trung Quốc.

Theo kế hoạch, Nga sẽ chuyển giao lô S-400 trị giá 5,2 tỉ USD cho Ấn Độ vào tháng 12/2021 nhưng do dịch bệnh, thời gian sẽ bị lùi lại.

Hiện tại, quân đội Trung - Ấn đều sở hữu hệ thống phòng không S-300 do Nga sản xuất. Nhưng Trung Quốc đã nắm S-400 trong tay từ cuối năm 2018, còn Ấn Độ thì chưa.

Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nhận định, việc căng thẳng biên giới Trung - Ấn leo thang buộc New Delhi tìm cách đẩy nhanh năng lực phòng không để sánh ngang với Bắc Kinh.

Theo thiết kế, hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga có thể tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, bao gồm cả tên lửa tầm trung và cũng có thể được sử dụng để chống lại các mục tiêu mặt đất. Tầm bắn đạt 400 km, hệ thống S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao tới 30 km.

Cuộc xung đột biên giới gần nhất giữa Trung - Ấn xảy ra vào năm 2017, thời điểm quân đội hai nước đối đầu hơn hai tháng ở vùng tranh chấp Doklam.

Tuy nhiên, vụ đụng độ hôm 15/6 ở thung lũng Galwan là sự việc đau thương nhất trong nhiều thập niên qua, khi ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng còn Trung Quốc vẫn "im hơi lặng tiếng" trước con số thương vong. Vụ đụng độ khiến giới chuyên gia lo ngại khả năng quân đội Trung - Ấn sẽ còn leo thang căng thẳng.

Trong khi đó, kể từ sau vụ đối đầu ở Doklam vào năm 2017, Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện quân sự ở vùng biên giới tranh chấp với Ấn Độ. Cụ thể, Trung Quốc đã cho triển khai loạt vũ khí hoạt động trên địa hình núi cao như tiêm kích tàng hình J-20, trực thăng Z-20, các phiên bản nâng cấp của chiến đấu cơ J-10C và J-11B, máy bay không người lái (UAV) đa nhiệm Wing Loong II cùng xe tăng hạng nhẹ Type 99A và Type 15 và dàn tên lửa Dongfeng.

Chuyên gia quân sự ở Hong Kong, ông Liang Guoliang cho hay dù hệ thống phòng không S-400 có thể phát hiện và bắn hạ các chiến đấu cơ J-10C và J-11B của quân đội Trung Quốc , nhưng S-400 vẫn không thể đối phó với các tiêm kích tàng hình J-20 hoặc các loại vũ khí siêu thanh.

“S-400 không thể tiêu diệt các tên lửa hành trình phóng từ mặt đất DF-10 và Changjian-100 của Trung Quốc hoặc tên lửa đạn đạo siêu thanh DF-17. Do đó, S-400 sẽ đóng vai trò lớn trong việc bảo vệ những khu vực như thủ đô New Delhi của Ấn Độ trong trường hợp chiến tranh không may bùng nổ”, ông Liang nói.

Song theo ông Song Zhongping, nhà bình luận quân sự ở Hong Kong, nếu Ấn Độ sở hữu S-400, đây sẽ là mối nguy hiểm đối với quân đội Trung Quốc.

“Hệ thống S-400 có tầm hoạt động rộng hơn và tấn công chính xác hơn. Ngoài ra, dàn tiêm kích Su-30 do Nga sản xuất và các trực thăng Apache của Mỹ được thiết kế chuyên tham chiến ở những khu vực có độ cao lớn và đang nằm trong kho vũ khí của Ấn Độ cũng không thể xem thường. Trên thực tế, quân đội Ấn Độ đã tích lũy nhiều kinh nghiệm chiến đấu trên các vùng cao khi xung đột với quân đội Pakistan trong nhiều năm, còn quân đội Trung Quốc lại không tham chiến suốt vài thập niên qua”, ông Song chia sẻ.

Trong khi Ấn Độ đang đẩy mạnh ngành công nghiệp sản xuất vũ khí nội địa, thì hơn một nửa kho vũ khí của nước này vẫn là hàng nhập khẩu. Dữ liệu mới nhất từ Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm cho thấy, Ấn Độ chiếm tới 9,2% tổng số vũ khí được nhập khẩu trên thế giới trong 4 năm qua. Trong khi đó, Ả Rập Xê-út là 12% và Trung Quốc là 4,3%.

Không giống Ấn Độ, phần lớn hệ thống vũ khí chiến đấu trên các khu vực có độ cao lớn của quân đội Trung Quốc là hàng sản xuất trong nước.

Khi so sánh sức mạnh quân sự giữa Trung - Ấn, ông Koh cho rằng thật khó để đưa ra đánh giá khi chỉ dựa vào số vũ khí mà hai nước sở hữu.

“Việc so sánh còn cần cân nhắc tới yếu tố con người, học thuyết quân sự và khả năng kết hợp hoạt động giữa các lực lượng quân sự”, ông Koh kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại