J-20, tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 do Trung Quốc nghiên cứu, phát triển. Ảnh: Reuters
Được mệnh danh là “Mãnh Long” (Mighty Dragon), J-20 không chỉ đơn thuần là mẫu tiêm kích thế hệ thứ 5. Nó còn được coi là một bằng chứng để chứng minh rằng giống như Mỹ, Trung Quốc cũng có thể xây dựng được một trong những công nghệ quân sự tốt nhất trên thế giới.
Nhưng cũng như nhiều loại máy bay khác do Trung Quốc chế tạo, J-20 còn có điểm khiếm khuyết khi không được trang bị được động cơ hiệu năng cao, bền bỉ, chất lượng. Đó cũng là điểm mà ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc phải vật lộn trong suốt thời gian dài.
Nói Trung Quốc gặp khó khăn trong phát triển động cơ máy bay có vẻ như là điều hơi bất ngờ, xét trong bối cảnh chiến lược hiện đại hóa quân đội của nước này có bước tiến và thành công mạnh mẽ.
Phải thừa nhận rằng Trung Quốc rất giỏi trong đảo ngược công nghệ của nước ngoài để sao chép thành công nghệ bản địa. Gần như tất cả máy bay chiến đấu của nước này đều được phát triển dựa trên các thiết kế đảo ngược công nghệ này.
Trước khi tiến sang động cơ máy bay, Trung Quốc đã từng thành công trong sao chép, chuyển hóa công nghệ nước ngoài ở nhiều lĩnh vực, sản phẩm khác. Nhưng dù được tiếp cận động cơ máy bay của Nga, những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm sáng chế ra thiết kế bản địa phần lớn đều thất bại. Phiên bản nội địa đầu tiên – mẫu động cơ WS-10A, chỉ trụ được sau 30 giờ vận hành.
Có nhiều lý do giải thích cho thất bại này. Trước hết, Nga giờ nhận thấy Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ và vì thế không mạo hiểm bán cho Trung Quốc loại động cơ tốt nhất. Moskva cũng không bán động cơ riêng lẻ, mà chọn cách gắn động cơ vào máy bay thành phẩm, khiến việc sao chép khó khăn hơn.
Kế đến, với một nước lao vào phát triển động cơ máy bay từ tay trắng, kĩ năng đảo nghịch công nghệ không dễ biến thành tính hiệu quả. Bởi tiến trình này cần có bí quyết công nghệ, đến từ nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu, phát triển qua nhiều thế hệ động cơ.
Nhưng điểm mấu chốt nằm ở chỗ động cơ máy bay là lĩnh vực đặc biệt phức tạp. Theo Timothy Heath, chuyên giao cao cấp về quốc tế và quốc phòng tại Trung tâm nghiên cứu RAND (Mỹ), trên thế giới có một số ít các công nghệ đóng vai trò là xương sống của công nghệ chế tạo và động cơ máy bay nằm trong số đó.
Rất khó để làm chủ những loại công nghệ cao cấp này và vì thế rất ít nước thành công, đa phần đều thất bại.
Khó khăn lớn nhất nằm ở khâu luyện cán thép và gia công cơ khí. Đơn cử, động cơ của chiếc Boeing 747 có ít nhất 40.000 bộ phận cấu thành. Nhiệt độ bên trong động cơ này có thể lên đến 1.370 độ C và cánh quạt có thể hoạt động với tốc độ 3.000 vòng/phút khi bay.
Có thể sao chép, làm chủ những thông số cơ bản về động cơ như vừa nêu. Nhưng việc chế tạo và lắp ghép các thành phần kim loại có thể chịu đựng được nền nhiệt độ cao, có được cánh quạt với gia tốc hàng nghìn vòng mỗi giờ, có khả năng chịu đựng gió, va chạm thì luôn là bí quyết và rất khó để bắt trước thành công.
Hơn ai hết, Trung Quốc hiểu rõ những khó khăn, thách thức trong làm chủ công nghệ động cơ máy bay. Liu Daxiang, Phó giám đốc Ủy ban khoa học và Công nghệ thuộc Tập đoàn công nghiệp Hàng không Trung Quốc hồi năm ngoái đã khẳng định phát triển động cơ máy bay nội địa là “nhiệm vụ chính trị cấp thiết” trong bối cảnh Trung Quốc đối diện với “thách thức chưa có tiền lệ”.
J-20 bay trình diễn trong một cuộc triển lãm hàng không. Ảnh: Reuters
Ông Liu khẳng định, các nước nắm giữ công nghệ nguồn trong ngành hàng không ngày càng khắt khe trước Trung Quốc trong vấn đề tiếp cận công nghệ. Những biện pháp hạn chế, trừng phạt Mỹ áp đặt chống Huawei cho thấy một thực tế: Không thể mua một công nghệ thiết yếu ngay cả khi chấp nhận bỏ ra rất nhiều tiền.
Trong nỗ lực tiếp cận trực tiếp với bí quyết trong ngành chế tạo động cơ, công ty hàng không Skyrizon thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc – thực thể cũng nằm trong danh sách đen trừng phạt của Mỹ, cố tìm cách nắm quyền chi phối tại Motor Sich, một công ty của Ukraine và cũng là một trong những nhà sản xuất động cơ trực thăng, động cơ máy bay, tên lửa lớn nhất thế giới.
Nhưng chính phủ Ukraine trong năm nay đã cho dừng thỏa thuận hợp tác này, mà nhiều khả năng đằng sau đó là do sức ép từ Mỹ.
Gặp khó khăn, nhưng Trung Quốc cũng có được một số bước tiến. Các biến thể hiện đại của WS-10 đã được cải tiến, nâng cấp và trang bị trên nhiều máy bay của Trung Quốc, trong đó có cả dòng J-20.
Một số nguồn tin Trung Quốc cho biết, WS-15, mẫu động cơ được thiết kế riêng cho J-20, có thể sẽ hoàn thiện trong 1-2 năm tới và khi được trang bị động cơ này, “Rồng dũng mãnh” có thể sánh ngang với “Chim săn mồi” (F-22 Raptor) của Mỹ.
Trước mắt vẫn là những thách thức không nhỏ. Đó là tính phức tạp trong lựa chọn vật liệu và quá trình luyện cán, chi phí đắt đỏ để tuyển mộ, giữ chân được giới chuyên gia khoa học, chuyên viên gia công cơ khí trong bối cảnh các nước ngại tham gia hợp tác, hỗ trợ Trung Quốc vì sợ bị đánh cắp sở hữu trí tuệ… Đây là điều Trung Quốc cũng đang gặp phải trong lĩnh vực chế tạo chíp, công nghệ bán dẫn.